Điều tử tế mỗi ngày: Những người nhiều năm làm chuyện 'bao đồng'

Dù cuộc sống của họ vẫn còn khó khăn nhưng những con người này vẫn làm những công việc mà nhiều người cho là chuyện 'bao đồng'

Người đàn ông đó là Trương Thanh Minh (50 tuổi, Tiền Giang), mỗi ngày, từ 4 giờ sáng, ông thường đi chiếc xe đạp cà tàng, hai bên ghi đông máng nhiều bao bị, giỏ xách, chạy lòng vòng trong các con hẻm trong thành phố để tới từng nhà giúp những người tàn tật làm vệ sinh, dọn dẹp, lau nhà, lấy quần áo đem đi giặt. Xong nhà này thì tới nhà khác.

Buổi sáng, ông đi hết một vòng đến khoảng 10 giờ, sau đó tới chỗ lấy cơm mang tới từng nhà rồi ngồi đút cho từng người ăn. Vì làm từ thiện đã lâu nên nhiều người biết mặt ông. Nhờ vậy nay người này kêu cho cơm, mai người kia nhắn sẽ nấu giúp. Hôm nào không có ai cho thì ông vào bếp ăn từ thiện của bệnh viện xin. Ông đi suốt ngày, tiếp xúc nhiều người, nhưng không xài điện thoại.

Mỗi ngày đưa cơm trưa xong, ông trở về chỗ ở giặt đồ, phơi khô để ngày mai kịp mang đến cho từng người. Công việc không quá nặng nhọc nhưng thường đến 21 giờ mới xong. Ngoài việc mang cơm tới từng nhà, người ta thường gặp ông Minh đẩy xe đưa người già đi khám bệnh. Lúc khác thì ông đẩy xe giúp người tàn tật đi bán vé số.

Đặc biệt hơn, gần 20 năm nay, đều đặn mỗi năm 3 lần, người đàn ông này đã hiến máu tổng cộng 59 lần hiến máu cứu người.

Đến ngã tư Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập (quận Thanh Khê), nhiều người đã quá quen thuộc với hình ảnh của chú Trần Viết Hùng với tấm biển bơm, vá xe miễn phí cho học sinh và người khuyết tật. Cứ giờ tan trường, học sinh một trường cấp 2 gần đó cứ nhao nhao nhờ chú Hùng bơm dùm lốp xe. Cứ thế, người đàn ông lại mỉm cười, kéo ông bơm, bơm cho từng đứa một.

Công việc bơm vá xe miễn phí được chú Hùng duy trì hơn 13 năm nay. Điều đáng nói là gia cảnh của chú cũng không giàu có hay khá khẩm gì. Chú Hùng từng chia sẻ rằng, chú xem các bạn học sinh như con, những người tàn tật có cuộc sống khó khăn hơn chú nên chú sẵn sàng giúp đỡ.

Người dân Đà Nẵng rất cảm phục và thường xuyên chuyền tai nhau câu chuyện về người đàn ông nghèo tốt bụng, thích giúp đỡ mọi người. Trong cuộc sống bon chen bộn bề thì nghĩa cử tuy nhỏ nhưng ý nghĩa của chú Hùng khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng.

Người dân khu phố 2, phường 3, quận 5, TP HCM thường gọi bà Trần Tú Nga là "bao đồng" vì đã hơn 7 năm nay người phụ nữ tóc đã muối tiêu thường tự nguyện dọn dẹp rác để làm sạch phố phường.

Không chỉ đều đặn dọn rác, bà Nga còn đến từng hộ dân để vận động mọi người cùng trồng cây xanh trước nhà, giữ gìn môi trường xung quanh. Đi ngoài đường, thấy tờ quảng cáo, rao vặt nào dán nhem nhuốc trên tường bà lập tức bóc bỏ.

Bà Nga luôn quan tâm, tìm hiểu đời sống của mọi người trên địa bàn. Hễ ai gặp khó khăn, bà đều chạy khắp nơi để xin hỗ trợ. Điển hình là trường hợp của anh Lương Tô Nam bị tật nguyền, đi bán vé số dạo nuôi con.

Bà đã đề xuất với chính quyền hỗ trợ cho anh Nam tiền thuốc men chữa bệnh, cấp học bổng để các con anh đến trường. Mỗi lần anh đi khám, bà lại dúi vào tay ít tiền để người đàn ông tật nguyền có kinh phí thuê xe ôm, mua thuốc.

Thu Hằng tổng hợp

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/dieu-tu-te-moi-ngay-nhung-nguoi-nhieu-nam-lam-chuyen-bao-dong-504534.htm