Điếu tử công: Lời giải cho tuyệt kỹ treo cổ luyện công của Nhất Long

Nằm trong số những tuyệt kỹ của Thiếu Lâm, khi luyện thành thục 'Điếu tử công', võ sinh có thể treo cổ ngồi thiền trong một vài phút.

Đến nay, những tư liệu ghi nhận về “Điếu tử công” khá ít ỏi. Vì thế, nguồn gốc ra đời và nhà sáng lập của công phu này vẫn là một ẩn số. Dù không có mặt trong Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công (72 tuyệt kỹ của Thiếu Lâm), qua nghiên cứu, các chuyên gia vẫn cho rằng “Điếu tử công” có khởi phát từ phái võ lâu đời nhất Trung Hoa.

Trong thời gian gần đây, nhiều môn sinh Thiếu Lâm khiến tất cả phải nể phục khi thi triển thành công tuyệt kỹ này, nổi tiếng nhất phải kể đến “Đệ nhất Thiếu Lâm” Nhất Long.

Theo võ sư Li Liangbin đến từ vùng Sơn Đông, “Điếu tử công” là một công phu liên quan đến khí công và đã có từ lâu đời nhưng đến nay phần nào bị mai một. Trong các bộ truyện kiếm hiệp của Kim Dung hay Cổ Long đều không đề cập đến tuyệt kỹ này.

Võ sư Li Liangbin thực hiện tuyệt kỹ "Điếu tử công". Ảnh: Sina.

Khi thực hiện “Điếu tử công”, các môn sinh sẽ treo cổ của mình vào một sợi dây và bỏ chân khỏi mặt đất. Họ có thể đặt cơ thể theo thế thiền hoặc kết hợp tập luyện những bài tập khác.

Là tuyệt kỹ cấp cao, “Điếu tử công” yêu cầu người tập phải có một lượng sức mạnh đáng nể về cả thể chất và tinh thần. Đó là sự kết hợp giữa sức chịu đựng ở vùng cổ, kỷ luật tập luyện và cả khí công. Trong đó, sự tập trung, khả năng tĩnh tâm sẽ là yếu tố thiết yếu. Nếu sai sót, môn sinh có thể phải trả giá bằng cả mạng sống.

Theo Li Liangbin, ông đã mất 10 năm để tập luyện thành thục tuyệt kỹ này. Vị võ sư 49 tuổi nhấn mạnh không nên tự tập “Điếu tử công” dưới mọi hình thức. “Có thể sống sót khi treo cổ là một thử thách lớn và cần hội tụ nhiều yếu tố. Công phu này có thể gây nguy hiểm bất kỳ lúc nào. Vì thế, bạn không nên tự tập luyện công phu này”.

Về sự khổ luyện, “Điếu tử công” không hề thua kém các tuyệt kỹ võ thuật hàng đầu như "Thiết bố sam" (luyện cho vai, lưng, ngực cứng như sắt đá) hay "Thiết tí công" (luyện cho ngón tay có thể xuyên qua vật cứng). Thành thục tuyệt kỹ này, môn sinh có thể điều hòa được lượng khí trong cơ thể, tăng sức chống chịu và nâng cao sức khỏe.

Nhà nghiên cứu võ thuật BigMex ghi lại trên tờ Capcom-unity: “Để sở hữu cơ săn chắc ở vùng cổ, nhiều môn sinh Thiếu Lâm đã treo cổ mình bằng một sợi dây. Ban đầu, họ chỉ chịu được vài giây. Họ tập luyện như vậy 2-3 lần trong ngày. Cuối cùng, những người này có thể trụ vững trong một vài phút và chịu được đòn đánh bằng vật cứng vào vùng cổ”.

VIDEO: Môn sinh Thiếu Lâm treo cổ luyện công

Sau quá trình khổ luyện, người học Thiếu Lâm có thể vừa ngồi thiền vừa treo cổ.

Trong một bài đăng trên tờ eBaumWorld, tác giả còn cho rằng “Điếu tử công” cho phép người tập sống sót trước đòn khóa cổ đến từ môn Judo hay nhu thuật Brazil. Vì thế, tuyệt kỹ này rất hữu dụng trong các trận chiến đường phố.

Tính thực chiến của võ Thiếu Lâm đến nay vẫn là một dấu hỏi. Đặc biệt là khi Thiếu Lâm quyền pháp tỏ ra yếu thế khi thượng đài tại các giải MMA. Bằng chứng là võ sĩ hạng nặng Roy Nelson từng phải bỏ học môn võ này để thành công ở UFC.

Tuy nhiên, với “Điếu tử công”, người xem lại thêm một lần được ngả mũ trước môn võ có xuất xứ từ Trung Hoa. Việc con người có thể sống sót sau một vài phút treo cổ như “Đệ nhất Thiếu Lâm” Nhất Long từng làm là có thật.

Nhất Long treo cổ ngồi thiền. Ảnh: Sina.

“Trước kia, mọi người chỉ biết một bậc thầy kungfu có thể đánh vỡ gạch hoặc nhảy từ một tòa nhà cao tầng. Nhưng 'Điếu tử công' sẽ cho bạn hiểu thêm về những gì võ thuật có thể đem lại cho con người”. Võ sư Li Liangbin kết luận.

Tiến Thành (Tổng hợp)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dieu-tu-cong-loi-giai-cho-tuyet-ky-treo-co-luyen-cong-cua-nhat-long-post794442.html