Điều trị ung thư ở Việt Nam: Khoảng cách đang dần thu hẹp

Kỹ thuật điều trị ung thư ở Việt Nam hiện đã có những bước phát triển nhảy vọt song theo thừa nhận của nhiều chuyên gia đầu ngành ung bướu, vấn đề hạn chế lớn nhất của nước ta là cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn, ảnh hưởng tới chất lượng điều trị bệnh.

Trong điều trị ung thư, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả nhất định. (Ảnh: D.N)

Tự hào thành tựu

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy hiện tỷ lệ mắc ung thư ngày càng có xu hướng tăng lên. Từ con số 68.000 ca mắc ung thư năm năm 2000 đã tăng lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào 2020. So với các nước trên thế giới, tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam đứng thứ 78/172 nước. Điều đặc biệt, số bệnh nhân tử vong do ung thư còn cao bởi 70% bệnh nhân phát hiện ra đã ở giai đoạn muộn.

Theo ông Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Ung bướu hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai- người vừa được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ cho cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác”, nhiều bệnh nhân ung thư, nhất là bệnh nhân có điều kiện kinh tế thường ra nước ngoài để điều trị với mong muốn được tiếp cận những công nghệ, phác đồ điều trị tiên tiến nhất. Nhưng hiện nay, một số bệnh viện lớn trong nước cũng đã có những công nghệ chẩn đoán, điều trị ung thư chất lượng cao tương đương các nước tiên tiến trên thế giới, mà chi phí lại thấp hơn nhiều lần. Hiện nay các phương pháp điều trị ung thư phổ biến ở nước ta là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị liệu và sinh trị liệu.

Mặc dù tiến hành theo phương pháp nào cũng có nhược điểm, vậy nên để giải quyết tình trạng trên, cụm công trình do ông Mai Trọng Khoa và các cộng sự tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai nghiên cứu đã góp phần cải thiện đáng kể khả năng điều trị bệnh. Theo đó, với kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay được ứng dụng đồng thời với hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính (linac), chỉ bằng một lần phẫu thuật trong điều kiện gây tê cục bộ, công nghệ này xác định chính xác và điều trị các khối u nằm sâu trong não hoặc các khối dị dạng động tĩnh mạch có đường kính nhỏ hơn 5cm. Nghiên cứu của ông Mai Trọng Khoa và cộng sự trên 60 bệnh nhân ung thư phổi di căn não được xạ phẫu dao gamma quay cho thấy, bệnh lý được cải thiện tới 55% sau tháng đầu tiên điều trị và nâng lên hơn 63% sau 9 tháng.

Được biết, hiện chỉ có duy nhất Bệnh viện Bạch Mai sở hữu công nghệ dao gamma quay với chi phí rẻ hơn nhiều lần so với thế giới. Nếu như ở Mỹ, chi phí điều trị bằng dao gamma quay từ 15.000- 25.000 USD (300 - 500 triệu đồng) thì ở Bệnh viện Bạch Mai chỉ hết khoảng 45 triệu đồng. “Dịch vụ này được bảo hiểm y tế đồng chi trả nên những người có mức thu nhập trung bình cũng có thể tiếp cận được công nghệ dao gamma quay để chữa trị. Bên cạnh đó, công nghệ PET/CT trong chẩn đoán và lập kế hoạch xạ phẫu ung thư phổi di căn lên não, xạ trị điều biến liều (IMRT) trong điều trị bệnh ung thư trực tràng, ung thư vòm mũi họng... cũng đang được áp dụng tại một số bệnh viện ở nước ta", ông Mai Trọng Khoa nói.

Nói về tiến bộ trong điều trị ung thư ở nước ta, ông Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, việc điều trị ung thư bằng công nghệ cao ở nước ta đang cập nhật kịp thời với các nước tiên tiến trên thế giới. Việc chẩn đoán giai đoạn ung thư ở nước ta ngày càng sát với thực tế hơn. “Hiện chúng ta có tất cả các phác đồ điều trị theo phương pháp hóa trị trên thế giới, chi phí rẻ hơn rất nhiều so với công nghệ chẩn đoán, điều trị tương đương ở nước ngoài. Ngoài ra các loại thuốc điều trị ung thư của nước ta cũng đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Bên cạnh đó còn nhiều loại thực phẩm chức năng hỗ trợ quá trình điều trị ung thư, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe sau quá trình dài điều trị hóa chất, xạ trị”, ông Nguyễn Bá Đức thông tin.

Hạn chế cơ sở vật chất

Mặc dù về trình độ khoa học công nghệ có thể thấy rằng Việt Nam không thua kém quá nhiều so với thế giới song theo thừa nhận của lãnh đạo một số cơ sở điều trị ung bướu, hạn chế lớn nhất trong điều trị ung thư vẫn là cơ sở vật chất thiếu thốn, áp lực quá tải bệnh viện khiến cho chất lượng điều trị chưa được như mong đợi.

Khảo sát tại Bệnh viện K Hà Nội, cơ sở điều trị ung thư hàng đầu cả nước, phóng viên luôn nhận thấy tình trạng xếp hàng chờ khám bệnh từ 5-6 giờ sáng. Việc đợi chờ cả ngày để chạy đi chạy lại các phòng khám, xét nghiệm với bệnh nhân là chuyện thường. Chưa kể do cơ sở vật chất khiêm tốn nên việc bệnh nhân ung thư phải nằm ghép cũng khiến bệnh càng nặng hơn.

Ông Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, mặc dù trình độ y bác sỹ ung bướu của nước ta không thua kém thế giới song nhiều người bệnh vẫn ra nước ngoài điều trị là do cơ sở điều trị, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn khá nhiều hạn chế. Mặc dù mạng lưới chẩn đoán, điều trị được phát triển ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, tuy nhiên, hoạt động phát triển kỹ thuật cao mới chỉ tập trung tại bệnh viện tuyến Trung ương và nhiều kỹ thuật cao vẫn chưa được thực hiện tại Việt Nam. Việc kê đơn, quản lý thuốc giảm đau còn nhiều bất cập, đặc biệt tại tuyến cơ sở; bệnh nhân chưa triển khai được chăm sóc tại nhà; chăm sóc toàn diện, chăm sóc tâm lý dù với bệnh nhân ung thư, áp lực tâm lý luôn đè nặng, đội ngũ thầy thuốc còn khá hạn chế.

Lãnh đạo Bệnh viện K thừa nhận, trong điều trị ung thư hiện nay mới chỉ hướng tới điều trị thể chất là chủ yếu, thiếu hỗ trợ tâm lý, xã hội do tình trạng quá tải, thầy thuốc, nhân viên y tế ít có thời gian chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Một điều rất bất cập nữa ở nước ta, theo ông Nguyễn Bá Đức, là chúng ta chưa có các chương trình sàng lọc sớm ung thư mang tầm quốc gia. Mới chỉ có một vài mô hình mẫu nhỏ được triển khai ví dụ như: Ung thư vú, ung thư vòm mũi, họng, ung thư cổ tử cung…

PGS. Bùi Diệu, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam: Ung thư- gánh nặng cho gia đình và xã hội

Ở Việt Nam, ung thư được coi là căn bệnh tử thần bởi nó đã cướp đi nhiều sinh mạng. Nguyên nhân của điều này là do phần lớn người dân cho rằng bị ung thư là đối mặt với cái chết và đến bệnh viện ở giai đoạn muộn khiến căn bệnh này đang trở thành gánh nặng cho người bệnh, gia đình và xã hội.
Song giới chuyên môn lưu ý phần lớn ung thư đều có thể chữa khỏi khi phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Hiện với việc kết hợp cùng lúc 4 hướng phòng bệnh, phát hiện sớm, tăng cường chẩn đoán điều trị, chăm sóc giảm nhẹ, tỉ lệ chữa khỏi ung thư có tăng lên nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Qua nghiên cứu cho thấy, hiện tỉ lệ chữa khỏi ung thư ở nam giới đạt 33%, ở nữ khoảng 40%, trong khi nhiều nước phát triển con số này đã lên tới 70-80%.

Ông Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam: Khoảng 40% các bệnh ung thư có thể phòng tránh

Cách phòng ung thư tốt nhất đó là ăn lành, uống sạch. Việc ăn uống không sạch chiếm 1/3 gánh nặng của bệnh ung thư. Ngày nay, người ta đã chỉ ra chế độ ăn uống không lành, thiếu vận động, béo phì đều gây bệnh tật đe dọa mạng sống như tim mạch, tiểu đường và ung thư.
80% nguyên nhân gây bệnh ung thư bắt nguồn từ thói quen trong sinh hoạt, ăn uống của con người. Các nghiên cứu đã chứng minh khói thuốc lá chứa tới hơn 60 chất độc hại là mầm mống của 15 loại ung thư đối với cả người trực tiếp hút và người hít phải khói thuốc. Chế độ ăn uống không hợp lý, không bảo đảm vệ sinh là nguyên nhân gây ra 30% số ca ung thư. Khoảng 20% số ca ung thư do virut, vi khuẩn, ký sinh trùng.

Cùng đó, môi trường bị ô nhiễm, thói quen uống rượu bia nhiều, hút thuốc lá, ăn mặn và sử dụng nhiều đồ ăn nhanh cũng làm gia tăng nhanh chóng bệnh ung thư. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ ung thư gan ở nam giới cao gấp 3 lần nữ giới là do uống rượu, bia nhiều.

Theo Hiệp hội Quốc tế chống ung thư, khoảng 40% các bệnh ung thư có thể phòng tránh. Hội này cũng khuyến khích mọi người hãy thay đổi lối sống, loại bỏ khói thuốc lá cả hút chủ động và hút bị động, tránh uống rượu quá đà, phòng tránh bệnh truyền nhiễm; tập thể dục đều, ăn đúng, ăn lành, giữ cân vừa phải.

D.N (ghi)

D. Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dieu-tri-ung-thu-o-viet-nam-khoang-cach-dang-dan-thu-hep.aspx