Điều trị nội trú thông tuyến tỉnh: Người bệnh mừng, bệnh viện... lo quá tải

Bắt đầu từ ngày 1-1-2021, quy định về thông tuyến bảo hiểm y tế nội trú tuyến tỉnh đối với người có thẻ bảo hiểm y tế bắt đầu có hiệu lực. Sau 10 ngày triển khai quy định này, tại các bệnh viện trên địa bàn chưa có biến động rõ rệt về số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Quy định thông tuyến tạo nhiều thuận lợi cho người bệnh, song cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ sở y tế và Quỹ Bảo hiểm y tế.

Người bệnh đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Chưa có biến động rõ rệt

Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, toàn thành phố hiện có gần 7,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Trung bình mỗi tháng, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố phục vụ gần 1 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền đề nghị thanh toán lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, theo quy định, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được phân thành 4 tuyến: Xã - huyện - tỉnh - trung ương. Chính sách thông tuyến trong điều trị nội trú đối với khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ áp dụng với các cở sở y tế thuộc tuyến tỉnh, chứ không áp dụng đối với các bệnh viện tuyến trung ương. Từ ngày 1-1-2021, khi có hiệu lực thi hành, chính sách này đem lại quyền lợi rõ nhất là người dân có thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh trái tuyến tại các cơ sở y tế trên phạm vi cả nước vẫn được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú như đúng tuyến.

Sau 10 ngày triển khai chính sách, ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú bảo hiểm y tế chưa tăng. Để có thể phản ánh chính xác nhất sự thay đổi của bệnh viện khi áp dụng quy định thông tuyến, cần ít nhất 1 tháng thực hiện quy định mới.

"Để chuẩn bị cho việc thông tuyến, bệnh viện cũng đã tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn, đầu tư máy móc hiện đại. Bệnh viện cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, thực hiện đặt lịch hẹn khám qua điện thoại, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân", ông Nguyễn Văn Thường nói.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, lượng bệnh nhân đến điều trị nội trú từ các nơi khác chưa có biến động. Ông Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho rằng, chính sách thông tuyến cũng là động lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tất cả các tuyến y tế. Bệnh viện luôn xác định, chỉ có nâng cao chất lượng điều trị, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh mới có thể thu hút, giữ chân được người bệnh.

Với người dân, quy định thông tuyến điều trị nội trú với tuyến tỉnh mang lại nhiều sự lựa chọn nơi khám, chữa bệnh hơn mà không phải vất vả xin giấy chuyển tuyến từ nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Bệnh nhân Nguyễn Văn Mệnh (tỉnh Bắc Giang) hiện đang điều trị nội trú bệnh tim mạch tại Bệnh viện Tim Hà Nội, trước đây, vì không xin được giấy chuyển tuyến, nên mọi chi phí điều trị của ông đều phải tự chi trả. Thế nhưng, từ ngày 1-1-2021, ông Mệnh được bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ chi phí nội trú, mà không cần giấy chuyển tuyến.

Theo ông Ðào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, việc thông tuyến tỉnh về bảo hiểm y tế điều trị nội trú là xu thế tất yếu. Khi đó, bệnh viện nào có chất lượng tốt sẽ được người dân lựa chọn. Tuy nhiên, khi lượng bệnh nhân điều trị tăng sẽ khiến bệnh viện tuyến tỉnh quá tải, nhất là những bệnh viện điều trị bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo.

Bệnh nhân đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Chỉ điều trị nội trú khi thực sự cần thiết

Năm 2020, cả nước có 1 triệu lượt bệnh nhân điều trị nội trú vượt tuyến đã được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, với số tiền 1.250 tỷ đồng. "Trước xu hướng số lượng bệnh nhân điều trị nội trú vượt tuyến tăng lên sau khi áp dụng quy định mới, chắc chắn số tiền thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho nhóm bệnh nhân này sẽ vượt xa con số khoảng 2.000 tỷ đồng", ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) phân tích.

Để tránh tình trạng lạm dụng chính sách, bảo đảm sự ổn định, bền vững cho Quỹ Bảo hiểm y tế, theo ông Lê Văn Phúc, các cơ sở y tế cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chỉ đưa vào điều trị nội trú những trường hợp thực sự cần điều trị. Đối với người dân, khi chưa cần thiết, mọi người nên lựa chọn khám, chữa bệnh tại địa chỉ đăng ký ban đầu, vừa thuận tiện, vừa tránh quá tải.

Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, cảnh báo các trường hợp mắc bệnh nhẹ vẫn đưa vào điều trị nội trú. Tình trạng này tiếp diễn, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ không thanh toán chi phí điều trị. Trường hợp bệnh án có điều trị nội trú, nhưng thực tế bệnh nhân không ở lại bệnh viện, về nhà điều trị ngoại trú, trong khi vẫn đề nghị thanh toán theo hình thức điều trị nội trú cũng sẽ được các cơ quan chức năng kiểm tra kỹ lưỡng.

Ông Lê Văn Phúc cũng lưu ý thêm, bệnh nhân điều trị nội trú hay ngoại trú do bác sĩ của bệnh viện tuyến tỉnh chỉ định. Chỉ khi bệnh nhân điều trị nội trú, Quỹ Bảo hiểm y tế mới thanh toán theo chế độ thông tuyến, không phải tất cả các trường hợp khám, chữa bệnh tại tuyến tỉnh đều được hưởng chính sách này.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu các đơn vị thông tuyến bảo hiểm y tế phải tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, nâng cao năng lực cho nhân viên y tế để những chính sách mới đem lại lợi ích thiết thực cho người bệnh.

Xuân Lộc - Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/988348/dieu-tri-noi-tru-thong-tuyen-tinh-nguoi-benh-mung-benh-vien-lo-qua-tai