Điều trị hiệu quả ung thư phổi

Với việc ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư, người bệnh nên tìm hiểu về các phương pháp điều trị. Giai đoạn bệnh có giúp hướng dẫn điều trị ung thư phổi không? Điều trị ung thư phổi có thể không cần phẫu thuật không?

Những bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán mắc bệnh còn khu trú tại chỗ, có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ. Nếu bệnh nhân do lớn tuổi, có bệnh lý nội khoa đi kèm không thể mổ, có thể điều trị với xạ trị triệt để.

Nếu bệnh nhân đã lan đến các hạch bạch huyết cần xạ trị kết hợp với hóa trị và thỉnh thoảng phẫu thuật được sử dụng. Còn những bệnh nhân đã di căn sang các bộ phận khác phải điều trị bằng hóa trị, điều trị nhắm trúng đích hay miễn dịch liệu pháp và đôi khi bằng xạ trị để giảm triệu chứng.

Các phương pháp điều trị

Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ thùy phổi trong đó bao gồm khối bướu là phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân ung thư giai đoạn đầu có sức khỏe tốt. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ hoàn toàn tất cả các tế bào khối bướu khi phổi hoạt động tốt. Nếu chức năng phổi bị yếu làm ngăn cản việc cắt thùy, các bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ một phần nhỏ mô phổi xung quanh.

Điều này được gọi là cắt bỏ 1 phần và có thể là cắt bỏ dạng hình nêm hoặc cắt bỏ phân thùy. Với phẫu thuật nhỏ trên, nguy cơ khả năng tái phát cao hơn. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân không thể phẫu thuật hoặc không thể loại bỏ toàn bộ khối bướu vì kích thước hoặc vị trí của nó.

Một phương pháp khác là dùng bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư đang phân chia gọi là xạ trị. Xạ trị có thể được dùng làm phương pháp điều trị chính, hoặc tiến hành trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u. Có thể xạ trị sau phẫu thuật để loại bỏ các tế bào ung thư vẫn còn sót lại.

Hoặc xạ trị để điều trị khi đã di căn lên não hoặc các khu vực khác của cơ thể. Xạ trị có thể được dùng một mình hoặc kết hợp với hóa trị để điều trị. Nhiều bệnh nhân bị ung thư phổi có bướu có kích thước nhỏ, không thể phẫu thuật, được điều trị bằng kỹ thuật mới là xạ trị định vị thân (SBRT). Những trường hợp bệnh tiến triển, xạ trị được thực hiện bằng kỹ thuật dùng chùm tia bên ngoài, nhằm chiếu chùm tia trực tiếp vào khối u.

Trong khi đó, hóa trị liên quan đến các loại thuốc gây độc cho tế bào ung thư. Các loại thuốc thường được tiêm bằng cách tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch hoặc qua ống thông đặt trong tĩnh mạch lớn. Thường được dùng hỗ trợ sau phẫu thuật để loại trừ những tế bào di căn còn sót lại, hóa trị cũng có thể làm chậm sự phát triển của khối bướu và làm giảm các triệu chứng ở những bệnh nhân không thể phẫu thuật.

Một số loại thuốc hóa trị làm tăng thiệt hại cho khối bướu bằng cách phối hợp với xạ trị. Những thuốc hóa trị này giúp giữ các tế bào khối bướu ở giai đoạn dễ bị nhạy với bức xạ nhất, hoặc làm giảm khả năng của các tế bào ung thư có thể tự sửa chữa sau quá trình xạ trị. Bằng chứng cho thấy sự kết hợp giữa hóa trị với xạ trị có hiệu quả hơn so với xạ trị đơn thuần, nhưng có nguy cơ làm tăng các tác dụng phụ.

Với tiến bộ của y học, ngày nay có thêm các phương pháp mới như điều trị nhắm trúng đích hay điều trị miễn dịch. Những thuốc mới này có thể có ít tác dụng phụ hơn hóa trị truyền thống và trong một số trường hợp có thể có hiệu quả tốt hơn. Điều trị này được sử dụng trong tất cả các giai đoạn của ung thư phổi, đặc biệt là giai đoạn bệnh đã có di căn và có thể kéo dài cuộc sống ngay cả ở người cao tuổi miễn là họ có sức khỏe tốt. Các liệu pháp này đang được từng bước nghiên cứu và áp dụng vào thực tế điều trị, nên cần có thời gian và số liệu đánh giá toàn diện về hiệu quả duy trì sự đáp ứng ổn định và lâu dài của thuốc.

Điều trị phẫu thuật có hiệu quả không?

Điều cực kỳ quan trọng cần nhớ là "không thể phẫu thuật" không có nghĩa là "không thể chữa được". Trên thực tế, ngày càng nhiều bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp không phẫu thuật trong tất cả các giai đoạn của bệnh này. Hiệu quả của việc điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh.

Trong giai đoạn đầu bệnh nhân không thể phẫu thuật được và điều trị bằng xạ trị đơn thuần, hiệu quả kiểm soát bệnh tương đương với phẫu thuật. Trong giai đoạn bệnh tiến triển hơn, sự kết hợp của hóa trị và xạ trị được đưa ra với mục đích chữa khỏi. Tỷ lệ chữa khỏi thấp hơn, nhưng vẫn có thể xảy ra ngay cả khi bệnh lan đến các hạch bạch huyết trong ngực. Bác sĩ chuyên khoa ung thư hoặc xạ trị có thể đề xuất kết hợp hóa trị và xạ trị cho bệnh nhân hoạt động bình thường.

Khi điều trị chữa khỏi không phải là mục tiêu chính ở giai đoạn di căn xa, điều trị giảm nhẹ sẽ được khuyến khích. Đây là việc sử dụng thuốc, hóa trị, xạ trị hoặc các biện pháp khác để làm giảm các triệu chứng ung thư phổi mà không thể loại bỏ khối u. Liều xạ trị được sử dụng nhỏ hơn để tránh tác dụng phụ. Tại một trường hợp khi điều trị tích cực không còn được khuyến khích, chăm sóc giảm nhẹ có thể cung cấp sự thoải mái và hỗ trợ cho người bệnh.

Phòng ngừa và phát hiện sớm

Phòng ngừa là cách tốt nhất để giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi. Hơn 90% bệnh nhân bị ung thư phổi sẽ không phát triển bệnh nếu họ bỏ hút thuốc. Tầm soát ung thư phổi thường xuyên được các bác sĩ khuyến khích đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh.

Các phương pháp phát hiện sớm ung thư phổi như xét nghiệm đàm, chụp X quang ngực và chụp CT đã giúp phát hiện sớm bệnh so với những người không tham gia xét nghiệm. Tổ chức quản lý Thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo tầm soát ung thư phổi bằng CT ngực liều thấp giúp phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

TS.BS Nguyễn Duy Sinh, Bệnh viện Vinmec Central Park

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/suc-khoe/dieu-tri-hieu-qua-ung-thu-phoi-69725.html