Điều trị, chữa ung thư tại nhà: Chuyện cũ mà không cũ

Hiện nay, nhiều bệnh nhân cả tin vào các phương pháp tự điều trị ung thư qua mạng, qua truyền tai nhau mà không có sự kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học, không tuân thủ y lệnh của bác sĩ…Điều này đồng nghĩa với việc, bệnh nhân từ chối cơ hội dành lại sự sống cho chính mình.

Tiền mất tật mang

Bệnh nhân Nguyễn Thị T. (61 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) bị ung thư vú, khi nhập viện đều trị khối u đã bị di căn lở loét do tự ý điều trị tại nhà là ví dụ điển hình. Theo lời bệnh nhân T. vào tháng 8/2017 khi thấy có dấu hiệu bất thường ở vú, bệnh nhân đi kiểm tra, thăm khám và được bác sĩ chẩn đoán ung thư vú trái. Sau khi các bác sĩ tư vấn, bệnh nhân T. đã được điều trị với phác đồ truyền hóa chất.

“Quá trình điều trị hóa chất, bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt. Đầu năm 2018, bác sĩ chỉ định và tư vấn để bệnh nhân T. phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú và nạo vét hạch nách theo phác đồ, nhưng đáng tiếc là bệnh nhân từ chối phẫu thuật bỏ lỡ cơ hội điều trị bệnh, để bây giờ bệnh tiến triển, di căn” – TS.BS Lê Hồng Quang, Trưởng Khoa Ngoại vú, Bệnh viện K chia sẻ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chia sẻ về quyết định sai lầm của mình, bệnh nhân T. cho biết: Vì tâm lý sợ phẫu thuật nên tôi đã từ chối điều trị. Về nhà tôi tập pháp luân công, kết hợp năng lực nhà ngoại cảm và sử dụng thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh với hi vọng mong muốn khối u nhỏ lại. Không ngờ đến tháng 3/2019, khối u ở vú to lên nhanh và nhô cao, kèm theo đau đầu thường xuyên, thể trạng suy kiệt giảm 8kg, lúc này tôi mới trở lại Bệnh viện K nhưng bệnh đã chuyển nặng.

Hiện tại khối u của bệnh nhân T. nhô cao khoảng hơn 10cm khiến mọi sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày đều khó khăn. Bệnh nhân T. gần như chỉ làm mọi thứ bằng một tay, vì tay trái luôn phải giữ để áo không chạm vào khối u. “Hiện tại, bệnh nhân T. bị u vú trái với kích thước 8x12cm xâm nhiễm da, dính cơ ngực, sưng tấy đỏ, lở loét, chảy máu và có thể vỡ bất kỳ lúc nào. Nếu bệnh nhân không phẫu thuật sớm khối u vỡ sẽ gây mất máu, mùi hôi khó chịu, nhiễm trùng, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và tâm lý người bệnh” – TS Quang phân tích.

Do đó vừa qua, các bác sĩ Khoa Ngoại vú, Bệnh viện K đã tiến hành phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u, cắt toàn bộ tuyến vú và một phần cơ ngực vét hạch nách cho bệnh nhân T. Chia sẻ sau ca phẫu thuật, TS Quang cho biết sẽ đánh giá lại tình hình sức khỏe để tiếp tục đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. “Đối với trường hợp bệnh nhân T. vô cùng đáng tiếc. Đầu năm 2018 sau khi điều trị hóa chất xong bệnh đáp ứng tốt, nếu bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị và phẫu thuật sau đó xạ trị thì cơ hội điều trị ổn định rất cao”, TS Quang cho biết thêm.

Tương tự trước đó, Bệnh viện K đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ (40 tuổi, trú tại Hà Nội) mắc ung thư đại tràng, khối u đã di căn. Sau một thời gian ngắn điều trị hóa chất tại Bệnh viện K, bệnh nhân tự ý bỏ điều trị, áp dụng chế độ nhịn ăn, chỉ uống các loại nước với hy vọng tế bào ung thư ngừng phát triển. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng bệnh nhân đã suy kiệt cơ thể. Ngay sau đó, bệnh nhân trở lại chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường nhưng đã không còn cơ hội điều trị và đã tử vong. Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều ca bệnh nhân bỏ điều trị, tự uống thuốc tại nhà dẫn tới “tiền mất tật mang”.

Với tâm lý "Có bệnh vái tứ phương" đã khiến rất nhiều người mắc ung thư phải chịu hậu quả khôn lường thậm chí đánh đổi bằng tính mạng do bỏ qua cơ hội điều trị khi dễ dàng tin vào những phương pháp thiếu khoa học hoặc chưa được kiểm chứng. Đặc biệt, gần đây có rất nhiều phương pháp được cho là có thể điều trị ung thư lan truyền chóng mặt, đánh vào sự cả tin của nhiều người như: Chế độ thực dưỡng; tập theo các giáo phái; uống, đắp thuốc nam trị ung thư; vắc xin điều trị ung thư từ Nhật Bản về Việt Nam; nano vàng… Tuy nhiên các chuyên gia đầu ngành về ung thư đều khẳng định các phương pháp này chưa có bằng chứng khoa học cụ thể, chưa được công nhận về độ an toàn cũng như hiệu quả.

Cần tuân thủ y lệnh bác sĩ

Theo các chuyên gia y tế, tính đến thời điểm hiện tại chưa có loại thuốc nào được xác nhận là chưa khỏi ung thư. Việc điều trị vẫn phải kết hợp các phương pháp như: Phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, miễn dịch…các phương pháp khác chỉ có thể là biện pháp hỗ trợ. Vì vậy người bệnh nên tin tưởng và thực hiện theo phác đồ điều trị ung thư của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc nam, đắp lá, tập pháp luân công, thực dưỡng, hay sử dụng sản phẩm chức năng... không phải là phương pháp khoa học có tác dụng điều trị ung thư. Việc tự ý điều trị sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc, khiến người bệnh bỏ lỡ “giai đoạn vàng” của việc điều trị, ung thư sẽ phát triển đến giai đoạn muộn dẫn tới việc điều trị khó khăn hoặc không thể điều trị.

Chia sẻ với báo chí, GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K khẳng định: Bệnh ung thư nếu phát hiện sớm và tuân thủ điều trị có thể cho hiệu quả điều trị cao. Việc sàng lọc phát hiện sớm khả năng điều trị thành công cao đối với một số bệnh ung thư thường gặp như: Ung thư vú, cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư da, ung thư khoang miệng… Đơn cử như ung thư hắc tố ở da nếu phát hiện sớm, khối u có thể dễ dàng loại bỏ nếu nó chưa phát triển ăn sâu vào da, tỷ lệ bệnh nhân sống thêm 5 năm ở giai đoạn sớm có thể lên tới hơn 98%. Hay có tới 80% bệnh nhân ung thư vú có thể chữa khỏi ở giai đoạn đầu, nhiều bệnh nhân đến nay vẫn sống tốt sau hàng chục năm…

GS. Trần Văn Thuấn cũng khuyến cáo, người dân cần chú ý một số dấu hiệu ung thư sớm có thể phát hiện được trên lâm sàng như: Khối u cục, vết loét khó lành, chảy máu bất thường, khó tiêu dai dẳng, khàn giọng mãn tính… Việc sàng lọc ung thư có thể thực hiện bằng việc sử dụng một số xét nghiệm đơn giản để phát hiện cho những người khỏe mạnh, chưa có triệu chứng.

Riêng với ung thư vú, để phát hiện và tầm soát bệnh sớm, các bác sĩ khuyến cáo ngay cả người trẻ cũng nên khám, kiểm tra định kỳ tuyến vú. Hàng tháng có thể kiểm tra ngay tại nhà sau sạch kinh 3-5 ngày bằng cách tự sờ nắn, khi thấy bất thường, đau tức vú, ngực có hạch ở nách, vú thì cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra. Riêng đối với những trường hợp, trong gia đình có tiền sử người thân bị các bệnh ung thư thì nên tầm soát ung thư vú định kỳ, nhất là phụ nữ ở tuổi ngoài 40 nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dieu-tri-chua-ung-thu-tai-nha-chuyen-cu-ma-khong-cu-95617.html