Điều trị chốc lở ở trẻ em trong mùa hè

Chốc lở (chốc lây) hay còn gọi là ghẻ phỏng, là một bệnh viêm da nhiễm trùng thường gặp ở trẻ em từ 2-6 tuổi, đặc biệt là mùa hè, bệnh dễ mắc và dễ lây lan.

1. Nguyên nhân gây chốc lở

Nguyên nhân gây bệnh chốc lở là do vi khuẩn tụ cầu vàng hay liên cầu khuẩn hoặc có thể tổn thương da trên da lành trước đó (gọi là chốc nguyên phát) hay chốc hóa trên nền da bệnh như: Ghẻ, thủy đậu, chàm... (chốc thứ phát). Nghĩa là trẻ đang bị ghẻ, chàm, sau đó vi khuẩn xâm nhập và gây tổn thương (hay còn gọi là bội nhiễm).

Tổn thương lây lan từ vùng da bệnh sang vùng da lành trên cùng một trẻ, do tay trẻ chạm vào chỗ tổn thương chảy nước của mình, rồi đưa lên vùng da lành nên lây lan khắp nơi. Hoặc từ trẻ đang mắc bệnh sang trẻ lành do tiếp xúc trực tiếp. Đặc biệt ở môi trường mẫu giáo, khi trẻ lành vui chơi, chạm vào vùng da nhiễm trùng của trẻ mắc bệnh sẽ bị lây bệnh.

Tổn thương do chốc lở.

Tổn thương do chốc lở.

2. Dấu hiệu nhận biết chốc lở

Chốc lở là một bệnh rất dễ chẩn đoán mà không cần làm xét nghiệm gì. Khi mới bắt đầu, các tổn thương da chỉ là ban sẩn nhỏ giống như muỗi đốt. Sau đó hóa bóng nước, mụn mủ rồi vỡ ra làm tổn thương loang rộng. Tổn thương có thể ở khắp nơi nhưng thường gặp ở chi dưới, thân mình và vùng mặt quanh cánh mũi, miệng.

Chỉ cần quan sát vùng da tổn thương và vị trí tổn thương, bác sĩ có thể biết bệnh và đoán được vi trùng nào gây bệnh. Ví dụ nếu chốc ở tay chân, vết loét sâu, có mủ thì thường do liên cầu khuẩn. Chốc ở nửa thân trên, đầu mặt, bóng nước lớn, loét loang rộng nhưng nông thì thường là tụ cầu vàng. Đôi khi cả hai vi khuẩn cùng tổn tại trên một sang thương. Tổn thương không hoặc ít ngứa, các tổn thương thường lớp nông thượng bì nên không để lại sẹo.

3. Điều trị chốc lở thế nào?

- Nếu tổn thương nhẹ và ít, chỉ có một vài tổn thương thì có thể chỉ cần bôi thuốc tại chỗ kết hợp vệ sinh da là bệnh có thể khỏi.

Thuốc bôi hay được lựa chọn là millian hoặc fucidin. Không bôi các thuốc có chất corticoid như gentrisone, eumovate, silkeron... do corticoide sẽ làm chậm liền vết thương và giảm đề kháng tại chỗ.

- Nếu tổn thương da nhiều và kém đáp ứng thuốc bôi thì bác sĩ có thể kê kháng sinh uống kết hợp với thuốc bôi. Kháng sinh đầu tay được lựa chọn là oxacillin, amoxicillin+clavulanic hoặc cephalexin, erythromycin…

Cần điều trị đúng thuốc và đủ liều để tránh bệnh tái phát.

Thông thường chốc lở rất ít khi ngứa, nhưng khi trẻ có ngứa ngáy khó chịu, bác sĩ có thể kê đơn thuốc thuốc chống ngứa kháng histamine như chlopheniramin, cetirizin… để giảm ngứa và tránh cho trẻ cào gãi, bệnh dễ lây lan hơn.

Để tránh lây lan, nên hướng dẫn trẻ không cào gãi hay sờ mó vào vùng da tổn thương. Cắt sạch móng tay, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, cần cho trẻ ở nhà để tránh lây lan sang trẻ khác.

Giặt bằng nước nóng già (hoặc luộc) quần áo, khăn, ga, gối… của trẻ, phơi ngoài nắng to để tiêu diệt vi khuẩn.

Lưu ý: Tuyệt đối không được đắp lá cây, miếng dán hay bất cứ thứ gì lên vùng da tổn thương. Không bọc kín vùng da tổn thương mà cần để hở và khô thoáng để tổn thương mau lành.

Khi chốc lan rộng toàn thân hoặc có biến chứng như viêm da tróc vảy, viêm cầu thận, viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết... với các biểu hiện: Sốt, mệt mỏi, sưng tấy đỏ vùng da xung quanh chốc, phù, đi tiểu ra máu… phụ huynh cần cho trẻ nhập viện ngay để được điều trị.

Phải làm gì khi gặp người bị say nắng, say nóng.

BSCK1. Trần Văn Công

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dieu-tri-choc-lo-o-tre-em-trong-mua-he-169230519201130538.htm