Điều trị cai nghiện ma túy

Sở Y tế luôn quan tâm triển khai các hoạt động góp phần phòng, chống ma túy (MT), nhất là điều trị cai nghiện MT. Công tác xác định tình trạng nghiện, điều trị, cai nghiện, đặc biệt là người nghiện MT tổng hợp, cai nghiện MT tại cộng đồng... được các y, bác sĩ cố gắng trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

Tỉnh có 69 y, bác sĩ có đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy (MT). Việc thực hiện xác định người nghiện nhóm MT tổng hợp tại các đơn vị tuyến huyện giúp giảm chuyển tuyến về Bệnh viện Tâm thần. Những tháng đầu năm, các cơ sở y tế đã xác định 1.714 người nghiện (57 nữ): sử dụng MT tổng hợp 1.648 người, Heroin 60 người, cần sa 6 người. Công tác xét nghiệm tìm chất MT được tổ chức triển khai tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện phục vụ cho đối tượng có nhu cầu như: khám sức khỏe hoặc khi cơ quan Công an đề nghị.

Hiện nay có 3 cơ sở điều trị methadone tại TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc và TX.Hồng Ngự quản lý chặt công tác điều trị nghiện bằng thuốc thay thế (Methadone), không để đối tượng lợi dụng chính sách này để tiếp tục sử dụng trái phép các chất MT. Tuy nhiên vẫn rải rác một số đối tượng sử dụng thêm chất MT tổng hợp. Các y, bác sỹ tại cơ sở đã khéo nhắc nhở những đối tượng này. Đến tháng 9/2018, tổng số người nghiện đăng ký tham gia điều trị tại 3 cơ sở là 420 người, bệnh nhân được phê duyệt tham gia điều trị 279 người, bệnh nhân đến tham gia điều trị 168 người (chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Đồng Tháp tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg là 100 bệnh nhân). Sở Y tế đã khảo sát về cơ sở vật chất tại 3 huyện Lấp Vò, Thanh Bình và Tháp Mười để tham mưu UBND tỉnh thành lập điểm cai nghiện MT bằng thuốc thay thế Methadone.

Thống kê cho thấy điều trị, cai nghiện cho người nghiện MT tổng hợp (ATS) có khoảng 200 loại thuốc và ngày càng có nhiều thuốc mới trong khi đó chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chia sẻ tại hội thảo điều trị nghiện MT tổng hợp mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, phác đồ điều trị MT được áp dụng trước đây là methadone không có tác dụng điều trị với MT tổng hợp, vì thế sự can thiệp về y tế kém hiệu quả. Các biện pháp cai nghiện chủ yếu áp dụng liệu pháp điều trị tâm lý, hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng với sự tham gia của các cấp, ban, ngành, địa phương. Trong lĩnh vực y tế, hỗ trợ tích cực nhất cho nhóm ATS chính là điều trị tâm thần. Hiện nay, ở Việt Nam, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đang triển khai nghiên cứu sử dụng liệu pháp tâm lý Matrix trong hỗ trợ điều trị nghiện và phục hồi chức năng cho người nghiện MT tổng hợp dạng amphetamine.

Từ năm 2014, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện MT tại cộng đồng cho 297 cán bộ y tế là Trưởng khoa khám bệnh các bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện, Trưởng khoa khám bệnh thuộc Trung tâm Y tế TP.Cao Lãnh và TP.Sa Đéc, Trưởng trạm y tế xã, các y, bác sĩ điều trị, điều dưỡng trạm y tế xã. Lực lượng tại các trạm y tế xã đều có thể hướng dẫn người nghiện cai nghiện tại gia đình cộng đồng, nhưng do người nghiện không hợp tác, tâm lý ngán ngại nên thực tế chưa thực hiện.

Hiện nay công tác xét nghiệm, xác định người nghiện MT tại trạm y tế gặp khó khăn do chưa đủ điều kiện thực hiện: phòng cách ly riêng biệt; công tác cai nghiện MT tại gia đình và cộng đồng chưa thực hiện một cách có hiệu quả; nhân sự làm công tác phòng, chống MT còn thiếu; chưa có kinh phí cho công tác xác định người nghiện tại cơ sở y tế. Ngành y tế tỉnh đề xuất không tổ chức xác định người nghiện MT tại trạm y tế mà thống nhất thực hiện tại tuyến huyện trở lên; bổ sung lực lượng y, bác sĩ phục vụ công tác cắt cơn, giải độc tại Cơ sở điều trị nghiện tỉnh, đồng thời xem xét tổ chức điều trị thay thế methadone tại cơ sở này; bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống MT....

TN

Từ khi triển khai thực hiện Nghị định số 221/2013/NĐ-CP (tháng 9/2016) đến nay, Cơ sở điều trị nghiện đã tiếp nhận điều trị cai nghiện cho 675 người (597 người cai nghiện bắt buộc, 78 người cai nghiện tự nguyện). Trong đó, có 302 trường hợp chấp hành xong quyết định của Tòa án về tái hòa nhập cộng đồng, tất cả đều được xét miễn, giảm trước thời hạn; 13 người trả về nơi cư trú; chuyển cơ quan điều tra 42 trường hợp; tạm đình chỉ cai nghiện 6 người, bỏ trốn 24 đối tượng và chết 3 người; 72 đối tượng cai tự nguyện về hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, cơ sở đang quản lý 215 người cai nghiện (209 cai nghiện bắt buộc và 6 người cai nghiện tự nguyện).

Trong số 597 người cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án, Cơ sở điều trị nghiện tổ chức được 133 phiên họp, ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cai nghiện bắt buộc 216 người, trả về nơi cư trú 8 người (đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định); ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cai nghiện bắt buộc tại cơ sở 373 người (đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định).

P.L

“Mục tiêu cuộc đời” là chủ đề của chương trình sinh hoạt do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Tỉnh đoàn và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp tổ chức tại Cơ sở điều trị nghiện tỉnh.

Học viên giao lưu với tiến sĩ Huỳnh Anh Bình

Tại buổi sinh hoạt, trên 100 học viên của Cơ sở điều trị nghiện tỉnh được nghe chia sẻ của tiến sĩ Huỳnh Anh Bình - chuyên gia tâm lý, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và Đào tạo kỹ năng sống, giá trị sống. Tiến sĩ Bình đã kể các câu chuyện sinh động mà giàu cảm xúc về những người vượt lên nghị lực, tình cảm gia đình, tình bạn,... với thông điệp gửi đến học viên là hãy sống có mục tiêu, mục đích cuộc đời để thay đổi cuộc sống.

Tại buổi sinh hoạt, học viên còn được giao lưu văn nghệ, tham gia các trò chơi, xem clip thanh niên giàu nghị lực, cai nghiện thành công.

Hữu Nghĩa

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/newsdetails/1d3fe19096a/dieu_tri_cai_nghien_ma_tuy.aspx