Điều trẻ em lo lắng nhất…

Những vấn đề trẻ em lo lắng nhất hiện nay là gì? Các hình thức xâm hại trẻ em phổ biến nào đang và có thể xảy ra tại gia đình, nhà trường và cộng đồng của em?...

Học sinh tham gia diễn đàn

Gần 200 trẻ em đến từ nhiều trường tiểu học, THCS đã nêu những tâm tư, nguyện vọng lẫn bức xúc của mình tại Diễn đàn về phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em (do Tổ chức Cứu trẻ em quốc tế phối hợp với các địa phương tổ chức, diễn ra tại UBND Q.Gò Vấp, TP.HCM vào ngày 28.6).

“Con không muốn học thêm nữa !”

Không hẹn mà gặp, nhiều học sinh có chung một nguyện vọng: “Ba mẹ ơi, con không muốn học thêm nữa!”. Các học sinh này phản ánh: “Con rất thích học vẽ nhưng mẹ cứ bắt con học Anh văn. Vào những ngày nghỉ, bố mẹ cứ bắt con học. Vậy con phải làm sao để bố mẹ không bắt con đi học thêm nữa?”; “Mẹ bắt con đi học thêm quá nhiều, nhưng con thích đi học bơi để giải trí hơn”. Một số trẻ khác phản ánh: “Con thường bị đánh rất đau. Vậy làm thế nào để cô giáo không đánh con nữa?”…

Nhiều nhóm học sinh cho rằng những điều các em lo lắng hiện nay chính là: sợ ba mẹ so sánh với người khác, sợ bị xâm hại, bị đánh đập, bị buôn bán, bắt lao động nặng nề, bị ở một mình, bị lơ là ý kiến, sợ bị ăn hiếp...

Minh Triết, học sinh Trường tiểu học Lê Quý Đôn (Q.Gò Vấp), chia sẻ: “Chúng em sợ ba mẹ đi làm từ sáng đến tối và bỏ rơi, không quan tâm. Chúng em cũng sợ nạn bắt cóc trẻ em, sau đó làm nhục và bỏ lại ở một nơi tối tăm. Có những trẻ em bị ba mẹ bắt thi các cuộc thi hát, nhảy, múa, không cho nghỉ ngơi”.

Ngọc Hân, học sinh Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ (Q.Gò Vấp), nêu ý kiến: “Em lo lắng tình trạng những “anh đại”, “chị đại” ỷ lớn ăn hiếp học sinh yếu thế trong trường. Em cũng thấy lo trước nạn chăn dắt trẻ em ăn xin, dù đã có đưa lên báo đài nhưng chưa được các địa phương giải quyết”.

Đề xuất như người trong cuộc

Đề cập đến những yếu tố đang ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ, một số học sinh cho biết cha mẹ, các thành viên trong gia đình hoặc người nuôi dưỡng trẻ có những hành vi bạo hành trẻ như: đánh đập, bắt quỳ, bắt nhịn ăn, miệt thị, chê bai. Bên cạnh đó là nạn phân biệt đối xử giữa trẻ em nam và trẻ em nữ, xâm hại tình dục từ người thân trong gia đình, lợi dụng sức lao động trẻ em để thu lợi…

Cũng theo các học sinh nói trên, trong trường học, giáo viên dùng các hình thức xử phạt khi trẻ phạm lỗi, gây ra những tổn thương về thể chất và tâm lý, tình cảm của trẻ em như dùng cây đánh vào người, tát vào mặt, nhéo tai, bắt quỳ, phơi nắng hay mắng nhiếc.

Một học sinh bổ sung: “Đó còn là những bữa ăn không đảm bảo đủ dinh dưỡng hoặc an toàn. Thầy cô đặt thành tích gây áp lực, ép trẻ học quá nhiều và bỏ qua những ý kiến của trẻ. Một số thầy không có tâm với nghề và có những hành vi lạm dụng trẻ em”.

Trong khi đó, ở cộng đồng, một số người lớn có những hành vi cư xử thô bạo với trẻ em, bóc lột sức lao động và dụ dỗ các em. “Người lớn xả rác quá nhiều, làm ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Em thấy nhiều nhà được xây lên, không có chỗ cho trẻ em vui chơi. Nhiều người đi xe quá tốc độ ảnh hưởng đến sự an toàn cho trẻ”, một học sinh tâm tư.

Tự đưa ra những đề xuất như người trong cuộc, nhiều bạn trẻ tham gia diễn đàn cho rằng: Đối với học sinh, cần cố gắng mở rộng nhận thức của bản thân và tham gia các sân chơi đồng thời tránh sự thờ ơ, vô cảm. Đối với gia đình, phụ huynh nên dành nhiều thời gian để yêu thương, quan tâm con em; thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng diễn biến tâm lý của con. Còn nhà trường thì cần sẵn sàng tư vấn tâm lý, giải tỏa những vướng mắc trong cuộc sống và học tập của trẻ.

Như Lịch

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/dieu-tre-em-lo-lang-nhat-850058.html