Điều tra xã hội học trong quá trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư

Tinh thần của luật đất đai là, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến người dân trong khu vực có đất thu hồi, để người dân hiểu rõ chủ trương và tham gia trao đổi dân chủ từ đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp, cũng như các nghĩa vụ của mình khi nhà nước thu hồi đất.

QUAN TÂM BỐ TRÍ CHỖ Ở TẠM CƯ

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, Luật Đất đai chưa có quy định về “công tác điều tra xã hội học” trong quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ngay từ thời điểm đầu tiên thông báo chủ trương thu hồi đất và xuyên suốt quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Thực hiện tốt công tác điều tra xã hội học sẽ giúp cho cơ quan nhà nước nắm được nhu cầu, hoàn cảnh, sinh kế, kể cả tâm tư, nguyện vọng của người có đất bị thu hồi, giúp việc thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sát thực tế và phù hợp nhu cầu của người dân, tránh tình trạng dư thừa nhà tái định cư như trong những năm gần đây. Điều cần lưu ý trong quá trình thực hiện, đó là người có đất thu hồi thường có thể thay đổi ý kiến theo thời gian.

Cần quan tâm hơn nữa việc hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ chỗ ở tạm (tạm cư) trong thời gian chờ tái định cư tại chỗ. Theo Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 9-8-2018 của UBND thành phố Hồ Chí Minh “Ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”, quy định suất tái định cư tối thiểu là 30 m2 căn hộ chung cư, hoặc 45 m2 nền nhà để hỗ trợ cho đối tượng tái định cư; nếu có chênh lệch giữa giá trị căn hộ, nền đất hộ dân được bố trí với số tiền hộ dân nộp lần đầu thì sẽ được trả góp với thời hạn tối đa là 15 năm và được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn. Trường hợp khi đến nơi ở mới chưa có việc làm ổn định, thì được chậm trả tiền mua nhà, hoặc hoãn trả tiền thuê nhà trong thời hạn không quá 5 năm.

Căn cứ Khoản (1.a) Điều 79 Luật Đất đai quy định khi Nhà nước thu hồi đất ở thì người sử dụng đất được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở, hoặc được bồi thường bằng tiền, và xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân. Cần chú trọng ba phương thức tái định cư để người dân lựa chọn: (i) Tái định cư tại chỗ là tốt nhất vì gắn liền với sinh kế và các mối quan hệ xã hội của người dân; (ii) Tái định cư nơi khác, trước hết cần ưu tiên tái định cư trong phạm vi cùng quận, huyện; trường hợp bất khả kháng thì bố trí tái định cư ở quận, huyện liền kề; (iii) Hoặc người dân đề nghị được nhận tiền và tự lo tái định cư. Đồng thời, đề nghị quy hoạch khu tái định cư phải có đầy đủ tiện ích, dịch vụ, kết nối giao thông thuận tiện, tạo được một số việc làm tại chỗ cho cư dân.

Về chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất và nhu cầu bố trí chỗ ở tạm (tạm cư) trong khi chờ tái định cư tại chỗ. Các quy định của Luật Đất đai đặt trên cơ sở yêu cầu phải xây dựng trước khu tái định cư, để khắc phục tình trạng trước đây, người dân bị thu hồi đất ở, nhà ở nhưng không được kịp thời bố trí tái định cư; hoặc bố trí chỗ ở tạm thời (tạm cư) kéo dài. Tuy nhiên, các quy định này chưa đáp ứng được các trường hợp người dân lựa chọn tái định cư tại chỗ khi thực hiện các dự án xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng; hoặc chỉnh trang khu vực nhà trên và ven kênh, rạch; hoặc chỉnh trang khu phố lụp xụp. Các trường hợp yêu cầu tái định cư tại chỗ này đòi hỏi phải bố trí tạm cư trong thời gian chờ xây dựng mới nhà tái định cư.

Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 chưa có quy định về “tạm cư”, mà chỉ có quy định các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất (Khoản 2 Điều 83), trong đó có “hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ khác”. Có thể hiểu “hỗ trợ khác” trong đó, có hỗ trợ về chỗ ở tạm thời (tạm cư). Do vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét bổ sung nội dung “hỗ trợ bố trí chỗ ở tạm thời (tạm cư)” vào Khoản 2 Điều 83 Luật Đất đai để các địa phương dễ thực hiện và người dân yên tâm.

ĐỐI THOẠI TRỰC TIẾP VỚI DÂN

Vấn đề rất quan trọng là, nâng cao chất lượng các cuộc họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi để có cơ sở vững chắc xây dựng chính sách và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sát thực tế và đáp ứng đúng nhu cầu của người dân. Trong những năm qua, khi Nhà nước thu hồi đất, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại một số dự án đã xảy ra một số vấn đề như sau: Một số trường hợp người dân không dự họp thông báo thu hồi đất; không hợp tác trong quá trình đo đạc, kiểm đếm; không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ; không bàn giao đất thu hồi; không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Một số trường hợp khiếu kiện, thậm chí dẫn đến khiếu kiện gay gắt, đông người, kéo dài, tiềm ẩn yếu tố gây bất ổn xã hội. Hoặc có nhiều trường hợp không nhận nền nhà hoặc nhà tái định cư dẫn đến dư thừa...

Một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng nêu trên là do thiếu công tác điều tra xã hội học và chất lượng các cuộc họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi không cao; chưa phản ánh đầy đủ nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của người có đất thu hồi. Điều này dẫn đến hệ quả công tác xây dựng chính sách và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa sát thực tế cuộc sống, chưa đáp ứng đúng nhu cầu của người dân. Do vậy, thời gian tới, đề nghị bổ sung các quy định cơ chế thực hiện nhằm nâng cao chất lượng các cuộc họp trực tiếp với từng hộ dân trong khu vực có đất thu hồi. Trong đó, đề nghị hết sức coi trọng vai trò của MTTQ phường, xã; các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt Hội Phụ nữ, Hội Nông dân; tổ dân phố; người có uy tín tại địa phương. Các cơ quan, ban, ngành hữu quan xem xét có thể tập hợp từng nhóm 5 đến 10 người có đất thu hồi để vận động, thuyết phục bằng nhiều phương thức linh hoạt (như kinh nghiệm thực hiện của Nhật Bản); từ đó lên kế hoạch tiếp xúc phù hợp hoàn cảnh của từng hộ dân, kể cả ngoài giờ hành chính.

LÊ HOÀNG CHÂU

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/37967902-dieu-tra-xa-hoi-hoc-trong-qua-trinh-boi-thuong-ho-tro-tai-dinh-cu.html