Điều tra tai nạn máy bay - Tại sao vẫn phụ thuộc vào hộp đen?

Cuộc săn lùng hộp đen là công việc quan trọng nhất trong bất kỳ cuộc điều tra tai nạn máy bay nào. Nhưng chính xác thì hộp đen là gì? Tại sao chúng không phải màu đen? Và tại sao chưa có nhiều hãng hàng không sử dụng công nghệ theo dõi vệ tinh thay thế hộp đen?

Ngày 1/11, chiếc hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay Lion Air JT 610 đã được tìm thấy, giúp các nhà điều tra tìm ra lý do tại sao chiếc máy bay lại bị rơi ngoài khơi bờ biển Indonesia hôm 29/11.

Chiếc Boeing 737 MAX 8 lao xuống biển Java chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ Jakarta, 189 người bao gồm cả hành khách và phi hành đoàn trên máy bay thiệt mạng, là thảm họa hàng không tồi tệ nhất ở Indonesia kể từ năm 1997. Hiện tại, người ta vẫn chưa tìm ra chính xác nguyên nhân vụ tai nạn, mặc dù chiếc máy bay này được cho là đã gặp phải các vấn đề kỹ thuật trong chuyến bay trước đó từ Bali đến Jakarta và đã được hãng Lion Air khắc phục.

Hộp đen giúp tìm rõ chính xác điều gì đã xảy ra trong những khoảng khắc cuối cùng trên chuyến bay. (Nguồn: Istock)

Hộp đen hoạt động như thế nào?

Mỗi máy bay thương mại được trang bị hai máy ghi hành trình chuyến bay, được gọi là hộp đen. Một hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay (Flight Data Recorder - FDR), chứa tất cả các lệnh được gửi tới bất kỳ hệ thống điện tử nào trên máy bay. Vì vậy, tất cả các thông tin quan trọng của máy bay như tốc độ bay, độ cao, lưu lượng nhiên liệu... đều được ghi lại trong FDR.

Hộp đen khác là Cockpit Voice Recorder (CVR), ghi lại những gì các phi công trao đổi với nhau và trao đổi với nhân viên kiểm soát không lưu. CVR cũng ghi lại âm thanh môi trường xung quanh từ boong máy bay. Vì vậy, CVR có thể cung cấp manh mối quan trọng về những gì đã xảy ra trong những khoảnh khắc cuối cùng trước khi máy bay gặp sự cố.

Hộp đen được tìm thấy như thế nào?

Hộp đen chứa đèn hiệu định vị dưới nước. Ngay sau khi máy bay bị rơi xuống bất kỳ loại chất lỏng nào, hộp đen bắt đầu gửi tín hiệu ping - một dạng sóng siêu âm. Hộp đen được thiết kế để có thể gửi tín hiệu lên trên mặt đất ngay cả khi nó ở độ sâu 6.000m dưới lòng biển và nó gửi tín hiệu ping 1 lần/giây trong 30 ngày trước khi hết pin.

Nếu một hộp đen được cho là nằm ở dưới đáy đại dương, các đội tìm kiếm có thể dò tín hiệu từ các ngọn hải đăng.

Tại sao hộp đen không có màu đen?

Vỏ hộp đen có "màu cam quốc tế", một màu được sử dụng trong ngành công nghiệp vũ trụ để giúp một vật thể nổi bật so với môi trường xung quanh. Người ta không biết thuật ngữ “hộp đen” xuất phát từ đâu (có lẽ vì thiết kế ban đầu có màu đen bên trong) nhưng các chuyên gia hàng không thường đề cập tới thiết bị này như một máy ghi dữ liệu quan trọng của chuyến bay.

Tuy nhiên, vào đầu những năm 50 của thế kỷ XX, nhà khoa học người Australia David Warren đã chế tạo ra thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay, thiết bị này được ông gọi là "Red Egg" (tạm dịch quả trứng đỏ), có lẽ bởi thiết kế hình bầu dục và màu đỏ tươi của thiết bị.

Hộp đen không thể phá hủy?

Hộp đen được gắn ở đuôi máy bay, phần ít chịu ảnh hưởng nhất khi có tai nạn xảy ra.

Trong lịch sử các vụ tai nạn máy bay, rất hiếm khi một hộp đen bị phá hủy hoàn toàn đến mức không thể khôi phục dữ liệu. (Nguồn: Istock)

Hộp đen thực sự rất bền vững. Được bọc trong vỏ bằng titan hoặc thép không gỉ, hộp đen được thiết kế để chịu được tác động mạnh và nhiệt độ khắc nghiệt. Nó có thể chịu được một lực tác động với vận tốc lên tới hơn 300mph (hơn 482km/h) và nhiệt độ hơn 1.000 độ C trong 1 tiếng đồng hồ.

Trong lịch sử các vụ tai nạn máy bay, rất hiếm khi một hộp đen bị phá hủy hoàn toàn đến mức không thể khôi phục dữ liệu.

Tại sao lại cần đến hộp đen để lưu giữ liệu chuyến bay?

Trong thế giới hiện đại, nơi dữ liệu kỹ thuật số có thể dễ dàng được truyền và phát trực tiếp, câu hỏi đặt ra là tại sao máy bay vẫn lưu trữ thông tin chuyến bay và bản ghi âm của họ trên một hộp đen vật lý, thay vì cập nhật công nghệ iCloud.

Trên thực tế, công nghệ này đã được phát minh nhưng vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. FLYHT Aerospace (nhà cung cấp truyền thông vệ tinh hàng đầu thế giới, chuyên cung cấp các thiết bị theo dõi chuyến bay) đã thiết kế một hệ thống theo dõi máy bay. Hệ thống này truyền dữ liệu bao gồm cả tọa độ, tốc độ và độ cao một cách trực tuyến xuống vệ tinh mặt đất ngay khi máy bay đột nhiên mất độ cao, hoặc có rung lắc động cơ.

Tuy nhiên, dịch vụ phát trực tuyến này không hề rẻ, khoảng hơn 120.000 USD cho mỗi máy bay.

Tại sao máy bay không được các vệ tinh theo dõi?

Khi chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia mất tích vào ngày 8/3/2014, nhiều người ngạc nhiên, thậm chí không thể tin rằng, một thứ gì đó lớn như chiếc Boeing 777 có thể biến mất khỏi màn hình radar. Và bạn sẽ càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng, khi bạn đang ở trên máy bay thì bạn nắm những thông tin về chuyến bay còn chính xác hơn cả nhân viên kiểm soát không lưu!

Khi bạn đang ở trên máy bay thì bạn nắm những thông tin về chuyến bay còn chính xác hơn cả nhân viên kiểm soát không lưu.

Những chiếc máy bay thương mại được trang bị bộ thu phát chuyển tiếp vị trí thông qua radar, nhưng khi máy bay đạt độ cao 150 dặm so với mặt đất thì radar không nhận được tín hiệu. Với sự tiến bộ của công nghệ, hiện nay, hệ thống theo dõi Automatic Dependent Surveillance-Broadcast (ADS-B) được trang bị trên máy bay, giúp hệ thống radar mặt đất có thể theo dõi máy bay ở độ cao tới 290 dặm từ bờ biển.

Với hệ thống này, những chiếc máy bay sẽ được theo dõi từng phút, với vùng phủ trên toàn thế giới, ngay cả trên đại dương, các cực và vùng sâu vùng xa. Hệ thống theo dõi vệ tinh này được vận hành bởi 3 công ty: Aieron, Sitaonair và FlightAware. Nó sử dụng hệ thống gồm 72 vệ tinh do công ty Iridium của Mỹ điều hành (lĩnh vực hoạt động chính là bán điện thoại kết nối vệ tinh).

Tháng 4/2017, sau thảm họa MH370, Malaysia Airlines là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới sử dụng dữ liệu ADS-B. Hiện mới có rất ít hãng hàng không sử dụng dịch vụ công nghệ này.

(theo Telegraph)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/dieu-tra-tai-nan-may-bay-tai-sao-van-phu-thuoc-vao-hop-den-80796.html