Điều tra kẻ lạ mặt chuyên đột nhập trụ sở cơ quan để “cuỗm" tài sản

Trong một thời gian ngắn, huyện nghèo miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) liên tục bị kẻ lạ mặt đột nhập vào nhiều trụ sở cơ quan nhà nước để “cuỗm” tài sản.

Ngày 1/12, tin tức từ Công an huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) cho biết, đơn vị đang tiến hành thu thập chứng cứ, khám nghiệm hiện trường Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để điều tra làm rõ vụ mất trộm 1 máy tính xách tay.

Theo đó, vào rạng sáng ngày 30/11, kẻ gian đã dùng tuốc nơ vít phá cửa để đột nhập vào Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông để “cuỗm” 1 máy tính xách tay hiệu Lenovo màu đen.

Qua khám nghiệm hiện trường, Công an huyện Nam Đông xác định được đối tượng trộm cắp đã sử dụng găng tay và có thủ đoạn chuyên nghiệp để đột nhập vào bên trong trụ sở.

Công an khám nghiệm hiện trường vụ trộm ở Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông.

Nguồn tin từ CQĐT cho hay, từ ngày 23/11 đến nay, kẻ gian đã đột nhập vào Phòng kinh tế và hạ tầng, UBND thị trấn Khe Tre, trụ sở Công an xã Hương Phú và Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện lấy đi tài sản gồm 2 máy tính xách tay và 1 bình điện ắc quy.

Ngoài ra, trước đó vào sáng ngày 9/10, kẻ gian dùng vật cứng để cắt khóa rồi đột nhập, phá 3 két sắt đặt tại phòng kế toán của trụ sở các xã Thượng Long, Thượng Quảng và Hương Hữu, huyện Nam Đông.

Tại 2 xã Thượng Quảng và Hương Hữu, đối tượng đã phá phần trên của tủ sắt nhưng không lấy được tài sản. Riêng ở trụ sở UBND xã Thượng Long, đối tượng phá két sắt và cuỗm được số tiền gần 59 triệu đồng. Theo cơ quan công an, đây là số tiền người dân trong xã mới nộp để mua bò.

Hiện, vụ việc đang được Công an huyện Nam Đông tích cực điều tra, xác minh làm rõ.

Khoản 1,2 Điều 138. Tội trộm cắp tài sản. (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009)

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/dieu-tra-ke-la-mat-chuyen-dot-nhap-tru-so-co-quan-de-cuom-tai-san-a172335.html