Điều tra gene theo phả hệ buộc gã sát nhân Mỹ hầu tòa sau 32 năm

Kỹ thuật điều tra mới này đã giúp cảnh cảnh sát Mỹ phá được những vụ án tưởng chừng như không thể giải quyết được trong suốt hàng chục năm qua.

Vụ án đầy bế tắc

Theo AP, ngày 13/6, một tên sát nhân dự kiến ra hầu tòa tại bang Washington, Mỹ vì đã giết một cặp đôi người Canada từ năm 1987. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là vụ việc này sẽ không gây ra nhiều chú ý đến vậy nếu như trong suốt hơn 30 năm qua, cảnh sát Mỹ dù đã tìm mọi cách cũng không thể buộc kẻ thủ ác phải thú nhận hành vi của mình.

Giới chức điều tra Mỹ thông tin về vụ sasrt hại cặp đôi Tanya Van Cuylenborg (18 tuổi) và bạn trai Jay Cook (20 tuổi). Ảnh: AP

Giới chức điều tra Mỹ thông tin về vụ sasrt hại cặp đôi Tanya Van Cuylenborg (18 tuổi) và bạn trai Jay Cook (20 tuổi). Ảnh: AP

Chỉ đến khi kỹ thuật điều tra mới mang tên điều tra gene theo phả hệ được áp dụng, mọi chuyện mới rõ ràng và tên William Earl Talbott II mới phải ra hầu tòa. Talbott chỉ là một trong số hàng chục tên tội phạm khác bị bắt giữ trong những vụ án không thể giải quyết được trong quá khứ.

Để thực hiện kỹ thuật này, các nhân viên điều tra sẽ lục lại những bằng chứng về ADN liên quan đến những tên tội phạm mà các đồng nghiệp trước đó đã thu thập tại hiện trường các vụ án và so sánh với các mẫu ADN trong cơ sở dữ liệu chung mà mọi người thường sử dụng để xác định các thành viên nằm trong cây phả hệ của gia đình.

Trở lại vụ án của Talbott, vào tháng 11/1987, Tanya Van Cuylenborg (18 tuổi) và bạn trai Jay Cook (20 tuổi) đột ngột biến mất sau chuyến đi chơi qua đêm từ Saanich đến Seattle, nơi cha của Cook làm việc. Sau hơn một tuần tìm kiếm liên tục, thi thể của Van Cuylenborg được tìm thấy ở trên bờ sông đoạn chạy qua hạt Skagit, phía Bắc Seattle với một phát đạn từ phía sau đầu. 2 ngày sau, thi thể của Cook được tìm thấy gần cây cầu bắc qua sông Snoqualmie ở Monroe, cách thi thể của Van Cuylenborg 95km với nhiều vết đánh đập.

Trong suốt 30 năm qua, các nhân viên cảnh sát đã lần theo hàng trăm manh mối mà không phát hiện ra điều gì. Mãi đến năm 2017, cảnh sát trưởng hạt Snohomish Jim Scharf tình cờ biết đến Phòng thí nghiệm Parabon ở Reston, Virginia, nơi đang tiến hành các kỹ thuật điều tra bằng ADN mới để có thể trích xuất thêm các thông tin từ những mẫu ADN của những kẻ phạm tội.

Tên William Earl Talbott II. Ảnh: AP

Kỹ thuật mới khiến kẻ thủ ác lộ mặt

Một trong những “ngôi sao sáng” của phòng thí nghiệm này là CeCe Moore, người từng được mời xuất hiện trên loạt phim tài liệu “Tìm về nguồn cội”. Bằng kỹ thuật điều tra gene theo phả hệ, CeCe Moore đã giúp rất nhiều người tìm được người thân xa thông qua dữ liệu gene được công bố công khai trên trang web cơ sở dữ liệu gene GEDmatch.

Từ mẫu ADN trên quần của Van Cuylenborg được tìm thấy trong xe của cặp đôi này tại Bellingham, Washington sau khi họ bị sát hại, Moore đã xây dựng lên một cây phả hệ, trong đó xác nhận rằng, mẫu ADN này chắc chắn là từ một cậu con trai của ông bà William và Patricia Talbott trong khi tên William Talbott II là con trai duy nhất của họ. Vào thời điểm xảy ra vụ án mạng, hắn mới 24 tuổi và sống gần nơi tìm thấy thi thể của Cook.

Các nhân viên điều tra sau đó theo dõi sát sao tên Talbott và ngay khi hắn vứt một cốc cà phê đi, họ nhặt lấy và kiểm tra ADN trên chiếc cốc. Mẫu ADN này hoàn toàn trùng khớp với những gì họ tìm thấy từ dấu vết lòng bàn tay ở cửa sau chiếc xe của cặp đôi Van Cuylenborg và Cook. Ngay khi kết quả điều tra được công bố, rất nhiều bạn bè của Talbott bị sốc, họ viết thư gửi đến tòa và nói rằng, hắn là một người bạn tốt, chân thành và tử tế.

Phiên toàn xét xử Talbott bắt đầu diễn ra trong ngày 13/6 và dự kiến sẽ kéo dài 4 tuần. Trước đó, các công tố viên và luật sư bào chữa cho tên Talbott đã thống nhất rằng, bồi thẩm đoàn sẽ không cần nghe lời chứng thực của các chuyên gia về điều tra gene theo phả hệ nữa. Thay vào đó, bồi thẩm đoàn sẽ được nghe về toàn bộ quá trình điều tra dẫn đến việc bắt giữ Talbott.

Tanya Van Cuylenborg và bạn trai Jay Cook trước khi bị sát hại năm 1987. Ảnh: AP

Còn đó những tranh cãi

Cũng trong thời gian diễn ra vụ điều tra Talbott, hồi năm 2018, bằng cách sử dụng kỹ thuật tương tự, các nhân viên điều tra tại California cũng đã bắt giữ một gã đàn ông với biệt danh “sát thủ tiểu bang Vàng [ám chỉ bang California-ND]”, kẻ đã sát hại 13 người và hãm hiếp gần 50 phụ nữ trong giai đoạn những năm 70-80 của thế kỷ trước.

Dù kỹ thuật này tỏ ra rất có hiệu quả, nó vẫn gây ra nhiều lo ngại liên quan đến vấn đề bảo mật riêng tư của các cá nhân. Kỹ thuật này cho phép các nhân viên điều tra dù không cần xin giấy phép từ tòa án vẫn có thể xác minh danh tính một người chỉ thông qua cơ sở dữ liệu từ những người thân xa của họ được cung cấp công khai.

Giáo sư luật tại Đại học Washington Mary D. Fan, người từng là công tố viên liên bang, cho rằng, việc sử dụng kỹ thuật mới này để bắt giữ những tên tội phạm giết người hàng loạt hoặc phá những vụ trọng án đi vào ngõ cụt từ lâu chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ tích cực của cộng đồng.

Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ rất khác nếu nó được sử dụng chỉ để xác định danh tính của những tên trộm vặt hoặc những đối tượng chỉ mới dừng ở dạng nghi can trong những vụ án nhỏ lẻ. Các nhà lập pháp Mỹ cần đặt ra giới hạn rõ ràng trong việc khi nào kỹ thuật này được sử dụng.

Bản thân GEDmatch gần đây cũng đã thay đổi chính sách của mình, theo đó, những người muốn đăng tải thông tin trên trang web này sẽ buộc phải lựa chọn có cho phép các nhà điều tra tiếp cận hồ sơ ADN của mình hay không. Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà điều tra có thể sẽ không được tiếp cận với khoảng hơn 1 triệu dữ liệu hồ sơ ADN. Trong khi đó, GEDmatch cho biết, mới chỉ có 50.000 người đồng ý chia sẻ dữ liệu của mình, dù vậy, con số này đang có xu hướng tăng dần.

Tuy nhiên, đối với John Van Cuylenborg, em trai của Tanya Van Cuylenborg, việc giải quyết được các vụ trọng án bằng kỹ thuật này rất đáng làm dù cái giá phải trả có thể là việc mất quyền riêng tư của một ai đó. Ông John vẫn nhớ như in chị gái mình là một người “hết sức dễ thương” và ngày ông phải có mặt để nhận diện thi thể người thân là “một trong những ngày đen tối nhất trong cuộc đời”. Chính vì thế, theo ông John Van Cuylenborg: “Kỹ thuật mới tận dụng sức mạnh của vi tính và công nghệ ADN là một điều tuyệt vời để có thể biến những điều không thể thành có thể”./.

Trần Khánh/VOV.VN biên dịch
Theo AP

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/dieu-tra-gene-theo-pha-he-buoc-ga-sat-nhan-my-hau-toa-sau-32-nam-920596.vov