Điều tốt vẫn còn mãi...

Buổi lễ tưởng niệm sinh viên Nguyễn Văn Nhã quên mình cứu 3 người đuối nước diễn ra tối 4/5 tại Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế. Đông đảo sinh viên của ĐH Huế đã có mặt, ai cũng lặng lẽ cầm trên tay một cây nến nhỏ, một bông hoa đến tiễn đưa người anh hùng quên mình cứu bạn.

Chiều 30/4, Nguyễn Văn Nhã (sinh viên năm 4 ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học) cùng nhóm bạn trong lớp về tắm tại bãi biển Thuận An (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Trong lúc tắm, nghe tiếng 3 bạn nữ trong nhóm kêu cứu do đuối nước, bị sóng biển cuốn ra xa bờ, Nhã bơi đến ứng cứu. Sau khi cứu 3 bạn vào gần bờ, anh đuối sức, bị sóng biển cuốn trôi mất tích. Chủ tịch Nước đã đề nghị các cơ quan chức năng xem xét truy tặng Huân chương Dũng cảm, công nhận liệt sĩ cho Nguyễn Văn Nhã.

Đó là câu chuyện mới nhất về một người tốt, như một ánh lửa hồng được thắp lên sưởi ấm lòng người. Trước đó cũng đã liên tục xuất hiện những người tốt, với những hành động khiến nhiều người cảm phục. Đó là nữ sinh Bùi Thị Mỹ Dung (16 tuổi, học sinh lớp 10A2 trường THPT Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) trên đường đi học về qua cầu Đông Hải (thôn 13 xã Gia Phố, huyện Hương Khê) đã nhặt được túi xách màu vàng. Dừng xe kiểm tra, nữ sinh phát hiện rất nhiều tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng và một số vàng. Dung đã quyết định đứng chờ người đánh rơi để trả lại.

Khoảng nửa tiếng sau, chị Lê Thị Thắm (trú thôn 1, xã Hương Thủy, Hương Khê), người đánh rơi số tài sản trên quay lại gặp Dung để xin nhận tài sản, gồm gần 300 triệu đồng và 3 cây vàng. "Em là người không tham lam. Lúc đó, em chỉ sợ người nào đó nhặt được lấy mất nên em đã cố gắng đứng đợi chủ nhân đến nhận lại", Dung chia sẻ. Được biết Dung là học sinh ngoan, hiền lành, gia cảnh khó khăn, nhà nghèo, bố mẹ đi làm thuê xa.

Ngay cả một người tật nguyền, nghèo khó cũng từ chối nhận sự hỗ trợ của cộng đồng, như câu chuyện về ông Vũ Văn Sơn (63 tuổi) bán vé số ở TP. Hồ Chí Minh. Chuyện rằng qua mạng xã hội, chị Nguyễn Đỗ Trúc Phương (25 tuổi, ngụ tại TP. Hồ Chí Minh) vô tình thấy ông Sơn với tấm biển: "Tôi bị câm điếc, xin cô bác làm ơn giúp đỡ". Chị Phương đứng ra kêu gọi sự giúp đỡ của nhà hảo tâm cho ông Sơn được 75 triệu đồng. Chị tìm ông Sơn để trao tiền thì ông từ chối, không nhận. Trở lại gặp ông Sơn lần nữa, chị Phương muốn trao cho ông 20 triệu đồng và dành số tiền còn lại cho những hoàn cảnh khó khăn khác. Nhưng phải "năn nỉ" thì ông mới chịu nhận 5 triệu đồng và ra hiệu cho chị Phương tặng 15 triệu đồng còn lại cho những người khó khăn khác.

Ở TP. Hồ Chí Minh có một nhóm bạn trẻ là dân tứ xứ lập nên dự án với tên gọi "Sài Gòn tử tế". Đó là điểm gặp nhau của những tấm lòng cùng muốn làm điều có ích cho cộng đồng, như thường xuyên tặng hoa cho nhiều anh, chị lao công, như một cách động viên tinh thần những người đã âm thầm làm đẹp cho thành phố, để nói với họ rằng họ đáng được trân trọng với công việc hằng ngày của mình. Rồi chính mỗi anh, chị lao công lại gửi đi thông điệp trên từng tấm bảng, là lời nhắn gửi với mọi người về ý thức giữ gìn môi trường để thành phố ngày càng sạch, đẹp hơn. Đó còn là việc bơm bánh xe miễn phí hay đặt những bảng chỉ đường cho khách vãng lai...

Những điều tốt vẫn diễn ra từng ngày, từng giờ không chỉ mang lại cho người trẻ những tấm gương sáng để noi theo, mà còn tiếp thêm niềm tin rằng điều tốt vẫn luôn hiện hữu trong đời sống, là nguồn động lực để những người trẻ phấn đấu trở thành những người tốt, sống có ích cho cộng đồng, xã hội...

BẢO KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/dieu-tot-van-con-mai-20210506062926445.htm