Điều tôi biết về Chu Cẩm Phong

Trong những năm chiến tranh và ngay những ngày hòa bình sau này, ai hỏi những gì về Chu Cẩm Phong tôi đều trả lời một cách trôi chảy, rành rọt. Cũng dễ hiểu thôi vì chúng tôi cùng ở một chiến trường nổi tiếng về sự ác liệt cả về bom đạn cũng như thiếu đói.

Tôi nhập ngũ 1965, chiến đấu ở chiến trường đường 9 rồi vào Huế hồi Tết Mậu Thân, cuối năm 1968 mới vào Khu Năm. Anh Chu Cẩm Phong đã vào chiến trường này từ mấy năm trước. Những vùng đất trong các tác phẩm của anh như: Gió lộng từ Cửa Đại, Mặt biển Mặt trận, Rét tháng Giêng... tôi đã từng qua, từng biết. Đi với bộ đội, du kích, đến các căn cứ vùng Hòn Tàu, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình... không khó để nghe được những chuyện về anh. Những câu chuyện kể về một người hoạt động văn nghệ, một nhà báo dũng cảm, cần cù trong công việc, gương mẫu, tận tình với đồng chí, đồng đội, thâm nhập sâu sắc vào đời sống chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ. Những câu chuyện mà tôi nghe được về anh, những tác phẩm của anh mà tôi nghe lúc được lúc mất trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam dần dần ngấm vầo tôi, trở thành những kỷ niệm của tôi về anh, có thể kể lại với bất cứ ai.

Nhà văn Chu Cẩm Phong và tác phẩm "Nhật ký chiến tranh" (ảnh vanvn)

Nhà văn Chu Cẩm Phong và tác phẩm "Nhật ký chiến tranh" (ảnh vanvn)

Nhưng thực ra tôi chưa từng gặp Chu Cẩm Phong bao giờ.

Khoảng tháng Ba năm 1969, chúng tôi theo một tiểu đoàn của trung đoàn 38 về hoạt động vùng Đông Duy Xuyên, Thăng Bình. Đội phẫu thuật chúng tôi đóng tại căn cứ lõm thôn 6 xã Bình Dương anh hùng. Ngoài những lúc cứu chữa thương binh trong các chiến dịch tấn công của quân ta, chúng tôi còn chia nhau về các thôn xã để giúp đỡ các trạm xá của dân y. Nói chuyện với anh em du kích, tôi thường được nghe những câu như: Có một ông nhà báo tối qua ngủ hầm này vừa mới sang Bình Minh. Hay: Ông nhà báo hôm trước cùng núp pháo bầy với tụi em đó. Hay: Bữa trước ông nhà báo bám trụ vùng Đông mình nói chuyện văn thơ với bà con thôn 5 hay lắm... Cái ông nhà báo mà đến đâu cũng nghe nói đó suốt ba tháng cùng với bộ đội chiến đấu ở vùng Đông ác liệt tôi không thể nào gặp được.

Cuộc chiến đấu khắc nghiệt không cho phép ai rời bỏ vị trí chiến đấu của mình, dù đó là việc đến tìm thăm người mình hâm mộ. Sau này khi nghe bài bút ký nổi tiếng Mặt biển Mặt trận của anh, những điều anh viết trong đó vốn thân thuộc với mình thế mà tiếc sao không gặp được tác giả.

Có một lần tôi đã ở một nơi rất gần Chu Cẩm Phong. Đó là đêm mùng 1 tháng 5 năm 1971. Chúng tôi hành quân vượt sông Thu Bồn đoạn gần chợ Mỹ Lược để vào đánh Ái Nghĩa. Khi dừng lại nghỉ chân trên bãi cát bờ sông , tôi nghe mấy cậu du kích thì thầm với nhau chuyện một ông nhà báo hy sinh buổi chiều vì bị khui hầm. Ông đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Qua câu tôi biết nơi tôi ngồi nghỉ đến chỗ ông nhầ báo hy sinh chỉ cách nhau mấy trăm mét. Tôi không thể hỏi ham gì thêm vì chúng tôi được lệnh hành quân. Sau chiến dịch tôi được một ông cán bộ Tuyên huấn Mặt trận nói cho biết ông nhà báo hy sinh ngày 01 tháng 5 đó là Chu Cẩm Phong. Tôi thật là không may mắn cho tôi vì sau chiến dịch đó, tôi được nhà văn Nguyên Ngọc rút về Ban Văn học Quân khu 5, rất gần gũi với Tiểu ban Văn nghệ Khu ủy, nơi Chu Cẩm Phong công tác.

Nhiều người đã viết về Chu Cẩm Phong. Khi lên Ban Văn học Quân khu tôi được nghe các anh từng sống, từng chiến đấu, từng gần gũi, từng chia ngọt xẻ bùi trong gian khổ, ác liệt với Chu Cẩm Phong kể về anh, tôi càng kính phục, càng tự hào về anh dù chưa một lần gặp mặt.

Tôi có cảm giác rằng những trang viết anh để lại cho chúng ta hôm nay còn lâu mới bằng con người anh. Những điều anh muốn nói đã chưa kịp nói ra. Đó là một tổn thất cho văn học. Nhưng những điều anh để lại, con người và tác phẩm là tài sản vô giá mà một nhà văn đã cống hiến cho đất nước, cho nhân dân mà anh hết lòng yêu quí, mà anh đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng.

Thái Bá Lợi

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chan-dung/dieu-toi-biet-ve-chu-cam-phong-262993.html