Điều tiết, tránh ùn tắc nông sản ở cửa khẩu

Trao đổi với PV Tiền Phong, liên quan việc nhiều xe nông sản vẫn ùn ùn kéo lên cửa khẩu các tỉnh giáp biên, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc này cần điều tiết nhịp nhàng, tránh thiệt hại cho các chủ hàng, nông dân.

Hàng và người sang Trung Quốc được kiểm soát chặt chẽ

Hàng và người sang Trung Quốc được kiểm soát chặt chẽ

Theo ông Toản, các địa phương, đặc biệt là những nơi đang vào vụ thu hoạch nhiều thanh long, dưa hấu, mít, xoài… cần bám sát thông tin từ các địa phương ở biên giới, nhất là ở các tỉnh như Lạng Sơn, Lào Cai và Quảng Ninh về tình hình tiêu thụ nông sản qua biên giới, đồng thời thông tin rộng rãi cho bà con nông dân, HTX, doanh nghiệp.

Từ đó, chủ động, nhịp nhàng việc đưa hàng lên các cửa khẩu, tránh tình trạng ùn ùn kéo đến, nhưng không xuất được, doanh nghiệp lại tốn chi phí lưu kho, bến bãi, thậm chí cả chất lượng nông sản.

Hiện nay, năng lực thông quan ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) khoảng 100 công - ten - nơ/ngày, ở Lào Cai khoảng 65 công - ten - nơ /ngày. Tuy nhiên, chỉ có 9 mặt hàng nông sản mới được xuất chính ngạch qua các cửa khẩu này là thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.

Theo ông Toản, để giảm áp lực đẩy hàng lên biên giới, các địa phương, DN cũng cần khai thác tốt kênh phân phối nội địa, như hệ thống siêu thị Big C, Co.opmart… “Vừa rồi, với sự vào cuộc của các DN chế biến, cũng như các siêu thị, giá nông sản đã cải thiện đáng kể, chẳng hạn, giá thanh long ruột đỏ ở Long An đã tăng từ khoảng 5.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg…”, ông Toản nói.

Ông Toản cũng cho rằng, tình hình dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp, nên các địa phương cần rà soát, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, nâng cao chất lượng nông sản để cung cấp cho thị trường nội địa, cũng như điều tiết hàng đưa lên biên giới.

Nam Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/dieu-tiet-tranh-un-tac-nong-san-o-cua-khau-1521440.tpo