Điều tiết giảm công suất phụ tải đỉnh hệ thống điện EVNSPC

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) vừa ban hành Chương trình Quản lý nhu cầu điện (DSM) giai đoạn 2019-2020.

Sửa chữa lưới điện tại Côn Đảo. Nguồn: Mai Phương/Bnews/TTXVN

Sửa chữa lưới điện tại Côn Đảo. Nguồn: Mai Phương/Bnews/TTXVN

Mục tiêu của Chương trình là điều tiết giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện EVNSPC và công suất phụ tải điện tương ứng với kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao vào năm 2020.

Vận động thỏa thuận 100% khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm, khách hàng phân kỳ và khách hàng có sản lượng tiêu thụ điện lớn khác ký kết tham gia Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện (DR) của Tổng công ty với chỉ tiêu đạt mức điều chỉnh phụ tải theo kế hoạch giao của EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) trong trường hợp mất cân đối cung cầu điện trên hệ thống điện miền Nam.

Cùng với đó, hoàn thành toàn bộ việc lắp đặt công tơ biểu giá điện theo thời gian (công tơ điện tử) đối với khách hàng sử dụng điện thuộc diện lắp đặt công tơ 3 giá, các vị trí ranh giới giao nhận điện, trạm công cộng; kết hợp hoàn thiện phần mềm giám sát phụ tải để đảm bảo yêu cầu về dự báo phụ tải, nghiên cứu phụ tải, giám sát hoạt động điều chỉnh phụ tải của khách hàng và toàn hệ thống điện phục vụ Chương trình DSM, nâng cao hiệu quả hoạt động Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện.

Trong giai đoạn này, EVNSPC cũng lắp đặt 100% hệ thống điện mặt trời áp mái tại các cơ sở Điện lực có điều kiện kỹ thuật lắp đặt và vận động hộ gia đình/doanh nghiệp/khách hàng sử dụng điện khác lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, phấn đấu đến 31/12/2020 lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất đạt tương ứng kế hoạch EVN giao vào năm 2020, làm cơ sở hỗ trợ giảm công suất đỉnh 2 giờ cao điểm sáng.

Chương trình Quản lý nhu cầu điện còn phối hợp các hoạt động truyền thông sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và các cơ chế hỗ trợ tài chính vận động toàn khu vực thực hiện tiết kiệm điện với chỉ tiêu tiết kiệm điện ≥ 1,5% so với sản lượng điện thương phẩm hàng năm.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, theo Tổng Giám đốc EVNSPC Nguyễn Phước Đức, 21 Công ty điện lực thuộc các tỉnh/thành phố phía Nam căn cứ các quy định của Chính phủ và hướng dẫn của EVN/EVNSPC khảo sát cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm về dây chuyền công nghệ, chủ động làm việc thỏa thuận với tất cả khách hàng cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (có sản lượng điện tiêu thụ từ 3 triệu kWh/năm trở lên) trên địa bàn tỉnh/thành phố có khả năng giảm phụ tải từ 10-20% công suất so với nhu cầu phụ tải thực tế.

Các Công ty Điện lực vận động khách hàng tự nguyện tham gia và đồng ý ký kết Thỏa thuận Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện với biên độ điều chỉnh phụ tải từ 10-20%.

Các Công ty Điện lực cam kết rút ngắn 50% thời gian giải quyết các yêu cầu của khách hàng, thực hiện bảo trì, bảo dưỡng các trạm biến áp miễn phí, đảm bảo điện ưu tiên khi có tình huống mất cân đối cung cầu của hệ thống điện.

Đồng thời nâng cao độ tin cậy cung cấp điện (cấp điện từ 2 nguồn); chất lượng dịch vụ khách hàng, hỗ trợ tối đa các yêu cầu phát sinh trong quá trình sử dụng điện, rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện; đưa vào danh sách khách hàng ưu tiên khi hệ thống thiếu nguồn điện, tư vấn miễn phí về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả...

Căn cứ theo đăng ký dây chuyền công nghệ và dữ liệu tiêu thụ điện của khách hàng cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, các Công ty Điện lực lập danh mục chi tiết cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc ký kết thỏa thuận tham gia Chương trình DR theo các đối tượng ưu tiên sau: Khách hàng mua điện phân kỳ, khách hàng có lắp đặt trạm chuyên dùng, khách hàng khác có lắp đặt công tơ đảm bảo yêu cầu truy xuất dữ liệu từ xa theo chương trình theo dõi phụ tải.

Công nhân Công ty Điện lực An Giang đến nhà dân kiểm tra tình trạng sử dụng thiết bị điện. Nguồn: Mai Phương/Bnews/TTXVN

Trung tâm Chăm sóc khách hàng phối hợp với Công ty Điện lực đào tạo đội ngũ điện thoại viên có nghiệp vụ cao để phục vụ cho nhóm khách hàng này.

100% cuộc gọi từ các khách hàng sẽ được Trung tâm Chăm sóc khách hàng gọi lại để đánh giá mức độ hài lòng sau dịch vụ.

Ngay trong tháng 4 này, Trung tâm đảm bảo dịch vụ 24/7, tư vấn đầy đủ khi khách hàng có yêu cầu, cung cấp báo cáo tình hình sử dụng điện định kỳ qua phân tích dữ liệu đo ghi từ xa, kết hợp thông báo điều chỉnh phụ tải DR cho khách hàng, cung cấp dịch vụ kiểm toán năng lượng cho khách hàng khi khách hàng có nhu cầu.

Để xây dựng chương trình truyền thông tổng thể về DSM giai đoạn 2019-2020, theo ông Nguyễn Phước Đức, các Công ty Điện lực tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp, các đoàn thể địa phương, rà soát, đánh giá hoạt động tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

Cải tiến hoạt động truyền thông qua ứng dụng các công cụ điện tử. Xây dựng giải pháp truyền thông tiết kiệm điện cho các nhóm phụ tải.

Đồng thời xây dựng cơ chế, hỗ trợ, truyên truyền nhằm khuyến khích khách hàng đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái theo hướng dẫn của EVN.

Bên cạnh đó, chuẩn bị nguồn nhân lực được trang bị về nhận thức, kỹ năng triển khai các hoạt động và ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ thực hiện Chương trình DSM.

Ngành điện miền Nam đến các vùng nuôi tôm phổ biến các biện pháp tiết kiệm điện cho người nuôi. Ảnh: Mai Phương/Bnews/TTXVN

Chương trình Quản lý nhu cầu điện cũng nghiên cứu đề xuất các mô hình kinh doanh phù hợp, theo hướng xã hội hóa, thúc đẩy và hỗ trợ nhiều thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt là các đơn vị Công ty dịch vụ năng lượng-ESCO, tư vấn sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, kiểm toán năng lượng, doanh nghiệp trung gian…

Căn cứ yêu cầu của Chương trình DSM, cơ chế tài chính của EVN, EVN SPC xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình DSM giai đoạn 2019-2020 với cơ chế tài chính như: Sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để triển khai các mô hình tiết kiệm điện thí điểm; sử dụng định mức chi phí “Chăm sóc khách hàng và truyền thông” để thực hiện các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức về Chương trình DSM; Thu xếp các khoản vay thương mại trong và ngoài nước để thực hiện Chương trình.

Để đảm bảo có kinh phí thực hiện các Chương trình DSM bền vững, Tổng công ty đề nghị EVN kiến nghị đến các bộ ngành xem xét ban hành cơ chế tài chính theo hướng cho phép Tổng công ty hạch toán kinh phí thực hiện các Chương trình DSM vào giá thành sản xuất điện./.

Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/dieu-tiet-giam-cong-suat-phu-tai-dinh-he-thong-dien-evnspc/117359.html