Điều thú vị của Liên hoan âm nhạc Việt Nam Connection 2018

Ban tổ chức Liên hoan Âm nhạc Việt Nam Connection 2018 (Vietnam Connection Music Festival - VNCMF) cho biết năm nay liên hoan sẽ thay đổi cách tổ chức để âm nhạc thính phòng dễ tiếp cận thính giả Việt Nam hơn.

Ngày 12.8, Liên hoan Âm nhạc Việt Nam Connection 2018 (VNCMF) đã có buổi hòa nhạc khai mạc tại Đại học Văn Lang. Tại đây, đại diện Ban tổ chức VNCMF đã có nhiều chia sẻ về mong muốn đưa nhạc thính phòng đến gần với khán-thính giả Việt Nam hơn của mình.

Theo VNCMF, sau 3 lần tổ chức, năm nay nội dung của liên hoan sẽ có nhiều thay đổi, nhằm hướng đến sự đa dạng, phong phú và mới mẻ hơn với những tác phẩm mới lần đầu tiên được biểu diễn tại Việt Nam.

“VNCMF kết nối âm nhạc với người nghe, kết nối những nghệ sĩ trong và ngoài nước. Từ những chương trình được biểu diễn trong không gian nhỏ, ấm cúng, chúng tôi mong sẽ có thể nhân rộng thành những chương trình với quy mô lớn hơn, góp phần đưa nhạc cổ điển đến gần người thưởng thức”, nghệ sĩ Tăng Thành Nam, đại diện VNCMF 2018 chia sẻ.

Thật vậy, dù Việt Nam có nhiều nghệ sĩ thành danh nhờ nhạc cổ điển, được chứng minh qua hàng loạt giải thưởng âm nhạc cổ điển của các tài năng trẻ trong những năm qua, nhưng nhìn chung nhạc cổ điển vẫn có khoảng cách với công chúng yêu nhạc trong nước vì bị gắn mác "nhạc bác học".

Ngoài chuyện bị gắn mác, còn khá nhiều lý do để nhạc cổ điển khó tiếp cận công chúng như thiếu phòng hòa nhạc đủ chuẩn, học viện dạy nhạc chuyên nghiệp thiếu cơ sở vật chất... Đại diện Đại học Văn Lang cho hay trường này dù chỉ mới đào tạo ngành văn hóa, nghệ thuật, truyền thông từ năm 2017 nhưng đã có những bước chuẩn bị về cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ cho nhu cầu giảng dạy, học tập nhạc thính phòng.

“Đêm hòa nhạc khai mạc VNCMF 2018 là một trong những chương trình có sự chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng, từng bước đưa Trường đại học Văn Lang đến gần hơn với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật”, nhà báo Dương Trọng Dật, Giám đốc Truyền thông, Viện trưởng Viện Đào tạo văn hóa - nghệ thuật - truyền thông nói.

Được biết Đại học Văn Lang đang tiến hành xây dựng cơ sở mới với phòng học, phòng hòa nhạc đủ chuẩn cho các buổi hòa nhạc lớn với số ghế lên tới 1.200.

VNCMF được thành lập vào năm 2015 với mục đích chính là biểu diễn và giảng dạy âm nhạc cổ điển. Sau 3 lần tổ chức, VNCMF đã dần trở thành sân chơi giao lưu, kết nối những người yêu thích nhạc cổ điển, là nơi hội tụ các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, vì vậy sân chơi này bước sang giai đoạn mới, tiếp cận hơn với khán giả đại chúng là điều dễ hiểu. Năm nay, VNCMF sẽ được tổ chức tại 3 thành phố là TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội với nhiều buổi hòa nhạc khác nhau kéo dài từ nay tới ngày 25.8.

Thiên Hà

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/am-nhac-c-126/dieu-thu-vi-cua-lien-hoan-am-nhac-viet-nam-connection-2018-94469.html