Điều thiếu vắng ở chính quyền Biden so với thời ông Trump

Khác với người tiền nhiệm, Tổng thống Joe Biden và chính quyền của ông vẫn chưa bị rò rỉ các thông tin nội bộ.

Cùng thời điểm này 4 năm trước, thông tin về các cuộc điện đàm của Tổng thống Donald Trump về việc chọn cố vấn an ninh quốc gia bị Washington Post đăng tải, việc Nhà Trắng bí mật yêu cầu Cục Điều tra Liên bang (FBI) phủ nhận mối liên hệ giữa ông Trump và giới tình báo Nga xuất hiện trên CNN. Hàng loạt các thông tin nhạy cảm và gây tổn hại đã bị rò rỉ từ chính quyền và xuất hiện trên truyền thông.

Trong khi đó, tháng 1 đến nay, chính quyền của ông Biden chưa phải đối mặt vụ rò rỉ thông tin nội bộ nào. Điều đó khiến báo giới thèm khát các cuộc họp báo của tổng thống, mong muốn ông sẽ nói bất kỳ điều gì để xóa đi sự tĩnh lặng.

Bí mật của ông Biden

Cây bút Jack Shafer của Politico cho rằng nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự thành công của ông Biden trong việc chống rò rỉ thông tin nội bộ là những trải nghiệm của chính ông.

Trong suốt chiến dịch tranh cử của ông Biden, rất ít thông tin đã bị rò rỉ ra ngoài. Điều này phản ánh kinh nghiệm của ông Biden trong thời gian phục vụ trong chính quyền Barack Obama, nơi ông có tham gia vào các hoạt động chống rò rỉ thông tin. Thêm vào đó, ông Biden vốn là một người dễ bị hớ hênh và ông biết phải cẩn trọng hơn trong hành động của mình - từ đó tạo ra một "nhân cách thứ hai" của ông.

 Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki. Ảnh: Getty.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki. Ảnh: Getty.

Chính điều này khiến ông có thể điều hành chiến dịch tranh cử từ tầng hầm mà không cần các thông tin rò rỉ để thu hút sự chú ý của báo chí. Với kinh nghiệm của mình, ông Biden biết cách điều khiển sự chú ý của báo chí một cách hiệu quả và nhanh chóng.

Những kinh nghiệm trên của ông Biden được truyền lại cho cấp dưới của ông, qua đó tạo ra một bộ máy có xu hướng biết giữ bí mật và không đưa ra các bình luận ẩn danh cho báo giới.

Chiến lược "bí mật" trên của ông Biden được công khai ngay trong những ngày đầu ông nắm quyền, khi thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chính quyền mới sẽ có tiếng nói thống nhất - một sự tương phản rõ ràng với hàng loạt các vụ tung tin đồn và rò rỉ thông tin của chính quyền Trump.

"Văn hóa rò rỉ" của chính quyền Trump

Ở phía còn lại, chính quyền của ông Trump lại rò rỉ rất nhiều thông tin. Một nguyên nhân lớn, theo ông Shafer, là việc ông Trump đã tập hợp một nhóm các kẻ thù, thay vì một nhóm các đối thủ để phục vụ trong chính quyền của ông.

Sự thù địch trong chính quyền Trump khiến nhiều nhân vật sẵn sàng dùng báo chí để thúc đẩy các chính sách của mình và tạo ra hình ảnh xấu về những người phản đối họ.

Việc tập hợp một nhóm các kẻ thù khiến cho chính quyền của ông Trump dễ bị rò rỉ thông tin. Ảnh: Wall Street Journal.

Một ví dụ tiêu biểu nhất cho việc này là việc phe Javanka (gồm Ivanka Trump - con gái tổng thống - và chồng cô, Jared Kushner) đã có chính sách quan hệ công chúng khác biệt với tổng thống. Những kẻ thù của cặp đôi đã lợi dụng điều này và rò rỉ hàng loạt thông tin về cặp đôi nhằm vô hiệu hóa họ.

Việc chính quyền của ông Trump có nhiều vụ rò rỉ thông tin hơn một phần nữa là do bộ máy cố vấn của ông, vốn gồm các nhân vật không trong chính giới như Steve Bannon, Roger Stone, Rudy Giuliani và Sean Hannity. Ông Trump thường xuyên trò chuyện với những nhân vật trên để xin lời khuyên, và những cuộc đàm thoại đó có xu hướng bị lộ ra ngoài.

Điều này trái ngược với người kế nhiệm ông, khi cố vấn thân cận của ông Biden đều là những người đã làm việc cùng ông trong nhiều năm.

Điều cuối cùng dẫn đến "văn hóa rò rỉ" trong chính quyền Trump chính là tính cách của ông Trump. Cựu tổng thống nổi tiếng với việc thích xem tivi hơn đọc các báo cáo, và vì thế, cấp dưới của ông chọn cách rò rỉ thông tin cho báo chí để ông chủ của họ xem được thông tin trên các bản tin truyền hình.

Ông Trump, bên cạnh đó, cũng là một người thích những sự rò rỉ. Rất lâu trước khi trở thành tổng thống, ông đã sử dụng bút danh "John Barron" và "John Miller" để rò rỉ các thông tin về đối thủ, chính sách công, truyền hình hay bất kỳ điều gì khác mà ông thích cho báo chí. Thậm chí, nhà báo Ronald Kessler cho rằng ông Trump đã điều khiển báo giới bằng cách gọi điện cho các phóng viên và cung cấp thông tin nội bộ cho họ.

"Ông Trump, cũng như những người ủng hộ ông, tin rằng chính quyền có thể bị điều khiển bằng các thông tin giật gân, vì các thông tin trên có khả năng thu hút sự chú ý của công luận, cũng như đánh lạc hướng công chúng khỏi những vấn đề của ông Trump", nhà báo Shafer bình luận.

Chính quyền Biden sẽ bị rò rỉ thông tin?

Sự im lặng của chính quyền Biden, ngay trong bối cảnh họ phải vật lộn với đại dịch Covid-19 và gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD, cho thấy có sự thống nhất giữa ông Biden và cấp dưới của mình.

Nhà báo Jonathan Swan của Axios cho rằng văn hóa của Nhà Trắng dưới thời ông Trump đã dẫn đến việc "rò rỉ thông tin trước khi thông tin của họ bị rò rỉ". Việc ông Biden tập hợp được một nhóm có ít xung đột sẽ giảm nguy cơ thông tin bị tuồn ra ngoài, ông Swan cho biết thêm.

Ông Biden trong lễ nhậm chức. Ảnh: FT.

Tuy nhiên, sẽ không có gì đảm bảo rằng chính quyền Biden sẽ không bị rò rỉ thông tin - đơn giản là do mọi cơ quan đều bị vậy. Đến một lúc, các căng thẳng trong chính quyền sẽ gia tăng, rồi ai đó sẽ lên tiếng tố cáo và mọi người sẽ bắt đầu bàn tán.

Song, cho đến giờ, những xung đột trên vẫn chưa xuất hiện thật rõ rệt, và ông Biden cùng bộ máy của mình sẽ vẫn tiếp tục giữ được hình ảnh của những chính khách - ông Shafer bình luận.

Quốc Tuệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-thieu-vang-o-chinh-quyen-biden-so-voi-thoi-ong-trump-post1197922.html