Điều Ronaldo không sai khi chỉ trích MU

Những chỉ trích của Ronaldo về việc Man United gần như không tiến bộ từ sau khi Sir Alex ra đi rõ ràng để lại nhiều suy ngẫm.

 Ronaldo nhận nhiều ý kiến trái chiều từ bài phỏng vấn chấn động. Ảnh: Reuters.

Ronaldo nhận nhiều ý kiến trái chiều từ bài phỏng vấn chấn động. Ảnh: Reuters.

Ngoài những phát biểu chấn động về việc MU "phản bội" mình, Ronaldo còn nhấn mạnh: "Không gì thay đổi ở MU cả từ khi tôi ra đi. Bồn tắm, jacuzzi, phòng gym, cả một số công nghệ hỗ trợ. Thậm chí cả đầu bếp. Khi trở lại MU, tôi kỳ vọng thấy được sự thay đổi. Nhưng mọi thứ vẫn hệt như thời còn 20 tuổi. MU gần như dừng lại sau khi Sir Alex Ferguson ra đi".

Bất chấp việc luôn tự hào là một trong những CLB giàu có nhất thế giới, MU không phải lúc nào đội bóng cũng cư xử đúng với tầm vóc ấy.

Lời phàn nàn của Ibrahimovic

Những chỉ trích của Ronaldo về cơ sở vật chất của MU không phải lời nói ác ý. Khi Ole Solskjaer trở lại MU trong vai trò HLV vào cuối năm 2018, nhà cầm quân người Na Uy từng tạo ấn tượng tốt bởi việc tặng quà cho toàn bộ nhân viên của "Quỷ đỏ".

Những người này vốn làm việc tại Old Trafford từ khi Solskjaer giải nghệ. Sau 11 năm, Ole trở lại, và mọi chuyện vẫn như ngày hôm qua.

Zlatan Ibrahimovic là một trường hợp khác lên tiếng chỉ trích MU vì những vấn đề ngoài sân cỏ. "Tất cả đều nghĩ MU giàu có và quyền lực hàng đầu thế giới. Ban đầu tôi cũng tưởng vậy. Nhưng khi tới đây, tôi chỉ thấy một CLB bảo thủ với tầm tư duy hạn hẹp", Ibra viết trong cuốn tự truyện.

Ibrahimovic chỉ trích MU là CLB với "tư duy hẹp hòi". Ảnh: Reuters.

Tiền đạo người Thụy Điển không chỉ trích suông. Anh lấy ví dụ: "Có một lần, tôi đang trong khách sạn đợi thi đấu trên sân khách thì thấy khát. Tôi ra quầy bar và lấy một chai nước ép. Thông thường tôi chẳng để ý đến phiếu lương. Nhưng lần ấy, tôi thấy bất ngờ khi thấy lương của mình bị trừ mất 1 bảng.

Tôi gọi cho quản đội và nghe giải thích rằng đấy là tiền của chai nước ép ở quầy mini-bar. "Ông đùa à?", tôi hỏi. "Không. Ở đây, anh mua gì thì phải tự trả tiền", ông ta đáp. "Đúng. Nhưng tôi đâu có đi chơi. Tôi đến đây để thi đấu cho MU cơ mà".

Ibra còn kể một chuyện khác. Lần này là ở cửa bảo vệ: "Ngày nào tôi cũng phải đưa giấy tờ để đi vào sân tập. Một lần, tôi hạ cửa kính xe và nói thẳng với bảo vệ. "Này anh bạn, ngày nào tôi cũng đến đây trong cả tháng qua. Tôi là cầu thủ hay nhất thế giới. Nếu cậu không nhận ra tôi thì cậu làm nhầm việc rồi đấy".

Romelu Lukaku là một trường hợp khác. Trong giai đoạn cuối khoác áo MU, chân sút người Bỉ tăng cân phi mã mà không rõ lý do. Khi chuyển tới Inter, đội ngũ bác sĩ tại Italy phát hiện chế độ ăn tại MU khiến Lukaku gặp vấn đề về ruột. Phía Inter chỉ mất 3 tuần để giải quyết trọn vẹn vấn đề về cân nặng của tiền đạo người Bỉ, và biến anh thành cỗ máy trái ngược hoàn toàn so với những gì diễn ra tại Old Trafford.

Ba câu chuyện cả trực tiếp lẫn gián tiếp từ Ibrahimovic, Lukaku và Solskjaer, cùng lời phàn nàn của Ronaldo, là minh chứng cho thấy vấn đề của MU. Bất chấp khả năng kiếm tiền ngoại hạng, "Quỷ đỏ" lại tụt lùi ở chính những khâu cơ bản nhất của một CLB: nhân sự, trang thiết bị cho cầu thủ, và cả tư duy chi tiền nội bộ.

Bài học PSG

PSG lúc này là một trong những thương hiệu thể thao hàng đầu thế giới. Lionel Messi, Neymar, Mbappe đều đang chơi tại đây. Nếu thực sự muốn, PSG có thể mang bất kỳ ngôi sao nào về Parc des Princes.

Song không nhiều người biết những năm đầu của người Qatar tại đội bóng thủ đô nước Pháp diễn ra không dễ dàng. Ancelotti từng dẫn dắt PSG trong giai đoạn này, và kể lại vài chuyện trong cuốn tự truyện của mình. Ancelotti viết:

"Câu lạc bộ này rất khác so với Milan hay Chelsea, những nơi mà mọi thứ đều sẵn có và người ta đã biết cách quản lý. PSG rất giống với các CLB mà tôi từng làm HLV trưởng trong những năm đầu sự nghiệp, chứ không phải là một tổ chức với tham vọng trở thành thế lực bóng đá ở tầm toàn cầu.

MU giàu không kém PSG, nhưng bị đội bóng Pháp bỏ xa. Ảnh: Reuters.

Chúng tôi đến đá một trận trên sân khách vào ngày thứ 5, người quản trị viên hỏi chúng tôi muốn ăn gì vào đêm thứ 7: Cá hồi nhé các bạn, hay các món gà. Là sao? Anh đang hỏi tôi câu này vào ngày thứ 5 - tại sao chương trình không được hoạch định sẵn sàng từ trước? Câu lạc bộ này thậm chí không có riêng một nhà hàng. Các cầu thủ sẽ đến sân 30 phút trước khi tập luyện và ra về ngay sau khi hoàn tất buổi tập".

PSG giờ đã thay đổi chóng mặt. Đội bóng Pháp giờ sở hữu trang thiết bị tối tân nhất châu Âu. Trong nhiều năm qua, PSG đã sử dụng flycam để ghi lại cách di chuyển của cầu thủ, đồng thời tổng hợp các thông số về bàn thắng kỳ vọng, đường chuyền kỳ vọng của cầu thủ để đánh giá năng suất.

PSG đã đốt cháy quãng thời gian vươn lên đó bằng tiền. 408 triệu euro, số tiền mà đội bóng này đã bỏ ra để có Neymar và Mbappe, chỉ là một phần trong hàng tỷ euro đã được những người Qatar dồn vào đội bóng Pháp.

MU không thiếu tiền. Chỉ cần nhìn vào cách "Quỷ đỏ" mua cầu thủ là rõ. Họ chi 1,19 tỷ bảng chỉ để mua cầu thủ, nhiều tiền hơn cả Man City trong gần 10 năm qua. Nhưng trong khi trang thiết bị, cách huấn luyện của đội bóng hàng xóm được tối ưu hóa đến mức độ nổi tiếng tại Anh, thì điều tương tự không hề diễn ra ở Old Trafford.

Ronaldo nhấn mạnh "đến lúc tất cả phải biết sự thật" về MU qua đoạn phỏng vấn với Piers Morgan. Dĩ nhiên, không phải điều gì cũng đúng từ những phát biểu hằn học này của CR7.

Song những chỉ trích Ronaldo nhắm vào cơ sở vật chất, nhân sự, nói chung là các vấn đề ngằm ngoài sân cỏ của "Quỷ đỏ", rõ ràng có lý. Không phải ngẫu nhiên MU chi nhiều tiền nhất Premier League để mua cầu thủ nhưng lại là đội bóng lớn gây thất vọng nhất trong 10 năm qua.

Khoảnh khắc Bruno chạm mặt Ronaldo ở tuyển Bồ Đào Nha Bruno Fernandes và Diogo Dalot là hai đồng đội của Cristiano Ronaldo ở Man United được triệu tập lên tuyển Bồ Đào Nha dự World Cup 2022.

Nhật Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-ronaldo-khong-sai-khi-chi-trich-mu-post1375473.html