Điều rất đáng lo ngại đối với tất cả chúng ta sau vụ cháy thiệt hại lớn ở chợ Quang Hà Nội

Hầu hết, rất ít tiểu thương hay chủ sạp hàng trang bị bình chữa cháy xách tay để ứng cứu khi có sự cố, tai nạn cháy nổ xảy ra. Chưa kể còn rất nhiều những nguy cơ cháy nổ có thể bùng phát bất cứ lúc nào...

Nhiều tiểu thương trắng tay

Chiều 1/4, lực lượng chức năng vẫn phong tỏa hiện trường vụ cháy ở chợ Quang (Thanh Trì, Hà Nội) xảy ra một ngày trước đó khiến 10 kiot và 40 sạp hàng bị thiêu rụi, thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng. Đến thời điểm hiện tại, các tiểu thương vẫn ngóng phía ngoài cổng, chờ được vào thu dọn những gì còn sót lại sau vụ cháy kinh hoàng.

Anh Thắng người có 7 ki ốt kinh doanh đồng hồ và đồ điện máy cho biết: “Vụ cháy xảy ra, tôi ôm bình cứu hỏa chạy ra chữa cháy nhưng cháy quá to, đám cháy lan ra rất nhanh nên tôi phải bỏ chạy, bỏ lại toàn bộ hàng hóa và túi tiền hàng chục triệu ở lại để thoát thân. Từ lúc phát hiện vụ cháy đến khi chạy thoát ra ngoài đường chỉ trong vòng 5 phút. Toàn bộ tài sản tại 7 ki ốt trị giá khoảng 2 tỷ đồng là tài sản bao năm tích cóp của gia đình bị thiêu rụi”.

Đám cháy lan nhanh, người dân chỉ kịp chạy thoát thân. Ảnh: Đồng Chung

Đứng thất thần trước cổng chợ, mắt đỏ hoe liên tục dõi vào phía trong, chị Hồng không nói nên lời. Chị cho biết 3 ki ốt bán quần áo của nhà chị nằm sát ngay nơi bùng phát đám cháy. Buổi trưa, chi và chồng về nhà để ăn cơm, dọn dẹp nhà cửa, nghe tin cháy chợ, chị cùng chồng vội vã chạy đến thì hàng hóa trong quầy đã chìm trong lửa.

“Toàn bộ vốn liếng tôi đổ dồn hết vào lô hàng. Tất cả quần áo, đồ sơ sinh đều đã thành tro. Hàng trăm triệu đồng mất trắng sau vài tiếng”, chị Hồng khóc nấc.

Một người dân sống gần chợ cho biết: Chợ Quang là chợ lớn nhất ở Thanh Liệt, mới được mở khoảng 4 - 5 năm nay, bán đủ các thứ đồ phục vụ đời sống dân sinh. Chợ rộng 1.600 m2 gồm một nhà khung thép lợp tôn và vây tôn cao hai tầng, trong đó tầng một có 90 kiốt bán hàng; tầng 2 là các phòng tập thể thao. Khi cháy xảy ra đang giờ nghỉ trưa nên hầu hết các tiểu thương đều về nhà nghỉ nên không có thiệt hại về người, nhưng về tài sản thì thiệt hại rất lớn. Cháy chợ khiến nhiều tiểu thương tay trắng sau nhiều năm tích cóp.

Chỉ sau ít phút, khu chợ đã bị thiêu rụi.

Đáng lưu ý, trong số hàng trăm người dân tốt bụng, nỗ lực cứu người bị nạn, đưa hàng hóa giúp các tiểu thương ở chợ Quang ra ngoài thì một chủ tiệm vàng cho biết một số đối tượng đã trà trộn, nhân lúc mọi người hoảng loạn để lấy trộm tài sản của người dân.

Theo đó, trong lúc anh Vũ Đức Anh - chủ tiệm vàng Đức Anh ở chợ Quang tham gia dập lửa và thu dọn hàng giúp các tiểu thương trong vụ cháy thì sau khi về nhà xem lại camera, anh phát hiện có hai đối tượng lạ mặt thay vì giúp đỡ người dân lại đi lấy trộm tài sản.

Anh Đức Anh cho biết, anh đã có đơn trình báo cơ quan chức năng về vụ việc. Hiện tại, toàn bộ chứng cứ trích xuất từ camera đã được nộp cho cơ quan công an.

Mất bò vẫn chưa lo làm chuồng - Điều rất đáng lo ngại

Một ngày sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn tại chợ Quang, theo ghi nhận thực tế của phóng viên tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, việc thờ ơ với hỏa hoạn vẫn diễn ra tại các chợ như Nghĩa Tân, chợ Xanh (Cầu Giấy), chợ Gia Lâm (Long Biên), chợ Nhật Tân (Tây Hồ), chợ Phan Kế Bính (Ba Đình)...

Người dân phá tường giúp tiểu thương đưa hàng hóa ra ngoài sau vụ cháy.

Vi phạm từ việc sắp xếp hàng hóa, cho đến bày biện hàng hóa vi phạm lối đi, khoảng cách hàng hóa ngăn cháy lan... Ý thức tiểu thương về an toàn PCCC đã kém, nhưng ý thức người đi chợ còn kém hơn, trong cảnh hỗn loạn vải vóc, quần áo bày bán la liệt, người qua lại hút thuốc lá bốc khói nghi ngút vẫn xảy ra.

Bên trong các kiot bán cá, hàng ăn… các tiểu thương tự ý câu mắc điện tràn lan. Nhiều dây điện cũ kỹ, vỏ bị bong tróc nhưng tiểu thương vẫn “tận dụng” chắp nối, bọc sơ sài bằng bao ni lông. Có trường hợp sử dụng dây điện cắm trực tiếp vào ổ cắm (không lắp phích cắm), tia lửa điện liên tục bén ra xung quanh, rất dễ gây cháy.

Đáng lo ngại hơn, đối với một số ki ốt bán vàng mã tại chợ Gia Lâm, chợ Phan Kế Bính còn có nhiều loại dầu cho đèn thắp ban thờ, trong khi đó nhiều tiểu thương sinh hoạt nấu nướng tại đây, thậm chí có tiểu thương còn đốt hương suốt để quảng cáo rằng có hương thơm. Những điều tưởng như nhỏ nhưng đối với hỏa hoạn thì dù nhỏ hay to đều là nguy cơ xảy cháy.

Hầu hết các tiểu thương tại một số chợ đi thực tế, rất ít chủ sạp hàng trang bị bình chữa cháy xách tay để phòng khi có sự cố, tai nạn cháy nổ xảy ra thì có thể ứng phó kịp thời. Một số ít trường hợp để bình CO2, nhưng gần như chỉ trang bị cho có, thiết bị chữa cháy đã cũ kỹ, để ở nơi rất khó lấy, bị hàng hóa che lấp. Tại khu vực bán hàng ăn uống, nhiều chủ sạp lắp đặt bếp nấu ngay sát quầy hàng quần áo, tạp hóa, đồ nhựa…

Chính sự chủ quan của người dân dẫn đến nhiều nguy cơ cháy nổ.

Theo Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng Phòng kiểm tra hướng dẫn về Phòng cháy thuộc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội hiện nay trên địa bàn Thành phố Hà Nội có khoảng trên 411 chợ, trong đó có 3 chợ đầu mối, 380 chợ đã được phân hạng, bao gồm 12 chợ hạng 1, 69 chợ hạng 2, 299 chợ hạng 3.

Xác định tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao thời gian qua, Cảnh sát PCCC đã triển khai nhiều giải pháp PCCC đối với chợ, cũng như TTTM bằng các biện pháp như: Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; mở rộng hình thức tuyên tuyền, tập huấn, phổ biến kiến thức đến tiểu thương, người dân… Đến nay, ý thức của tiểu thương, ban quản lý chợ, người dân có nâng lên, tuy nhiên tại các chợ vẫn còn tồn tại nhiều lỗi vi phạm về PCCC.

Vị chỉ huy này cho biết, để công tác PCCC tại các chợ được tốt, hiện Cảnh sát PCCC thành phố đang phối hợp cùng UBND các quận, huyện, sở - ngành tập trung kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các vi phạm, nhất là các TTTM quy mô lớn, chợ đầu mối. Trong đó, lực lượng chức năng sẽ cương quyết xử lý nghiêm các lỗi vi phạm có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ, hoặc trực tiếp ảnh hưởng đến điều kiện thoát nạn như: tự ý câu mắc điện không đúng kỹ thuật, lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất cao, sử dụng lửa trần trong chợ (đốt vàng mã, nhang đèn, hút thuốc), sắp xếp bố trí hàng hóa trên lối thoát hiểm… Thậm chí sẽ tạm đình chỉ hoạt động nếu vi phạm tái diễn, tồn tại kéo dài.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dieu-rat-dang-lo-ngai-doi-voi-tat-ca-chung-ta-sau-vu-chay-thiet-hai-lon-o-cho-quang-ha-noi-20180401174031387.htm