Điều người dân cần

Một năm trước, công dân da màu George Floyd chết vì ngạt thở dưới đầu gối của một cảnh sát da trắng ở Minneapolis, Minnesota. Đoạn clip 9 phút đau đớn về người Mỹ gốc Phi 46 tuổi này đã làm rung chuyển cả thế giới, kích động các cuộc biểu tình chưa từng có ở Mỹ chống lại bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc.

Derek Chauvin trong phiên tòa hôm 20-4-2021 ở Minneapolis, Mỹ. Ảnh: REUTERS

Derek Chauvin trong phiên tòa hôm 20-4-2021 ở Minneapolis, Mỹ. Ảnh: REUTERS

Trong khi sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin bị kết tội giết người, sẽ nhận phán quyết vào ngày 25-6 tới, thì các hoạt động thực thi pháp luật ở Mỹ vẫn là tâm điểm tranh luận.

Theo báo Pháp Le Monde, trong những tuần sau cái chết của George Floyd, dự luật Công lý George Floyd đã được đa số nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện thông qua.

Trong đó có điều khoản hạn chế nguyên tắc cho phép cảnh sát được miễn trách nhiệm đối với một số “sai lầm” nhất định cũng như cấm các kỹ thuật bóp cổ trong khi bắt giữ. Nhưng cải cách này vẫn bị chặn tại Thượng viện bởi vẫn còn một số nghị sĩ đảng Cộng hòa chưa đồng thuận.

Đồng thời, nhận thức trong dư luận cũng đã có biến chuyển. Đã có nhiều người da trắng tham gia vận động thúc đẩy cải cách và thay đổi hành vi ở Mỹ, quốc gia nơi mà người gốc Phi có nguy cơ chết do cảnh sát cao gấp đôi so với người da trắng. Ngoài đường phố, các camera giám sát cũng tăng, có thêm nhiều khóa huấn luyện nghiệp vụ...

Tuy nhiên, việc thay đổi cách làm của cảnh sát phụ thuộc vào nỗ lực đào tạo, giám sát tốt hơn hoặc các hình phạt nghiêm khắc dành cho người mắc lỗi. Thực tế, người da màu tiếp tục gục ngã dưới làn đạn của cảnh sát.

Ngày 31-5 và ngày 1-6 đánh dấu 100 năm cuộc thảm sát chủng tộc Tulsa, giết chết khoảng 300 người da màu trong một trận mưa đạn và bom nhựa thông rải trên không, phá hủy hoàn toàn cộng đồng Greenwood thịnh vượng, còn được gọi là Phố Wall Đen.

Theo Washington Post, tuần trước, Phó Tổng thống Harris khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Sự thật, phân biệt chủng tộc là có thật ở Mỹ. Phân biệt giới tính, kỳ thị người đồng tính, chứng sợ người chuyển giới, bài Do Thái, chứng sợ đạo Hồi - những điều này đều có thật ở đất nước chúng ta… Nói như vậy không phải là tấn công vào đất nước mà chỉ với ý thức rằng, chúng ta đừng tiếp cận vấn đề này một cách ngây thơ hoặc phủ nhận”.

Trường hợp của George Floyd, cho dù mang tính biểu tượng, cũng không đủ để thay đổi một số hành vi nhất định đã được neo giữ trong nhiều thế hệ. Trên hết, hành động cần đi đôi với lời nói nếu muốn khôi phục lòng tin. Cải cách nào cũng mang tính xã hội. Theo bà Harris, để thay đổi, hãy nói lên sự thật dù có khó nghe đến đâu. Đó chính xác là những gì mà người dân cần từ Nhà Trắng vào lúc này.

VIỆT KHUÊ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dieu-nguoi-dan-can-735443.html