Điều Mỹ lo sợ khi Nga can dự sâu vào xung đột Libya

Mỹ tin việc Nga đưa chiến đấu cơ sang Libya có thể không tạo thế cân bằng trong cuộc chiến nhưng có thể giúp Moscow đảm bảo thành trì địa chiến lược ở Bắc Phi.

Ngày 29-5, Thiếu tướng Gregory Hadfield, Phó Giám đốc Ban tình báo của Bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Phi lên tiếng về việc Nga đưa máy bay chiến đấu sang Libya, theo hãng tin Reuters.

Theo Tướng Hadfield, quân đội Mỹ tin việc Nga đưa máy bay chiến đấu sang Libya có thể không tạo ra thế cân bằng trong cuộc nội chiến bế tắc ở Libya nhưng cuối cùng có thể giúp Moscow đảm bảo một thành trì địa chiến lược ở Bắc Phi.

Mỹ: Nga đưa 14 tiêm kích MiG-29 và Su-24 sang Libya

Ngày 27-5, Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Phi thông tin rằng các nhân viên quân sự Nga đã đưa 14 tiêm kích MiG-29 và Su-24 sang căn cứ không quân Jufra của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Nguyên soái Khalifa Haftar chỉ huy ở miền Trung Libya.

Lực lượng GNA đã chiếm được căn cứ không quân Al-Watiya của LNA ở tây nam Tripoli, Libya hôm 18-5. Ảnh: REUTERS

Lực lượng GNA đã chiếm được căn cứ không quân Al-Watiya của LNA ở tây nam Tripoli, Libya hôm 18-5. Ảnh: REUTERS

Ông Hadfield cho biết đường bay của các máy bay chiến đấu Nga xuất phát từ Nga và bay qua Iran, Syria trước khi tới Libya.

Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Phi cho biết số máy bay này ban đầu đáp xuống TP Tobruk thuộc miền Đông Libya và sau đó bay tới Jufra ở miền Trung Libya – một thành trì của LNA. 14 máy bay này đã được sơn lại tại Syria nhằm xóa các dấu vết của Không quân Liên bang Nga.

Bình luận về thông tin từ phía Mỹ, người phát ngôn LNA – ông Ahmed Mismari đã phủ nhận chuyện có máy bay mới tới Libya. Ông Mismari gọi đây là những “tin đồn truyền thông và lời nói dối”.

Ông Mismari cho hay tuần trước LNA đã sửa chữa bốn máy bay cũ của Libya để sử dụng và tuyên bố bắt đầu một chiến dịch mới trên không đáng kể chống Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận.

Về phía Nga, một thành viên trong quốc hội Nga hôm 27-5 nói rằng Moscow không hề đưa bất kỳ thiết bị quân sự nào sang Libya. Thượng viện Nga cũng không nhận được bất kỳ yêu cầu phê duyệt nào liên quan tới triển khai thiết bị quân sự như vậy.

Tuần trước, một báo cáo của Liên Hợp Quốc xác nhận có khoảng 1.200 lính đánh thuê người Nga và 2.000 lính đánh thuê Syria đang chiến đấu cho lực lượng ông Haftar. Nga đã bác thông tin này và cho rằng báo cáo của Liên Hợp Quốc không đáng tin cậy.

Lực lượng ông Haftar thua liên tiếp trong thời gian gần đây. Lính đánh thuê Nga chiến đấu cho lực lượng ông Haftar đã chạy khỏi các mặt trận ở ngoại ô Tripoli và đã được sơ tán tới một thị trấn ở phía nam, theo kênh Al Jazeera.

Mối lo ngại lớn của Mỹ

Ông Hadfield cho hay số máy bay của Nga vẫn chưa được sử dụng nhưng có thể củng cố năng lực cho lực lượng LNA, trong bối cảnh lực lượng này hứng một loạt thất bại trong chiến dịch đánh chiếm Tripoli trong hơn một năm qua.

Một con đường vắng vẻ ở Tripoli, Libya giữa mùa dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, vị tướng Mỹ cảnh báo rằng Moscow có thể không đòi hỏi một chiến thắng hoàn toàn từ ông Haftar trước GNA để thúc đẩy các lợi ích của Nga.

“Về việc Nga hậu thuẫn LNA và ủng hộ Nguyên soái Haftar, mục đích thực sự không phải giành chiến thắng trong cuộc chiến mà là về phát triển các thành trì”, ông Hadfield nhận định.

Mối lo ngại lớn của Mỹ sẽ là khả năng Moscow sử dụng một địa điểm như vậy để bố trí tên lửa.

“Nếu Nga đảm bảo được một chỗ đứng lâu dài ở Libya và tệ hơn nữa là triển khai hệ thống tên lửa tầm xa thì điều đó sẽ thay đổi cuộc chơi cho châu Âu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nhiều quốc gia phương Tây”, ông Hadfield nhấn mạnh.

Với những diễn biến trên, Libya lần nữa đứng kề miệng hố chiến tranh sau nhiều năm hỗn loạn kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại trong chiến dịch quân sự do NATO hậu thuẫn năm 2011.

Với việc ngày càng nhiều tay súng và vũ khí từ nước ngoài kéo sang, Libya có nguy cơ đối mặt một cuộc xung đột không có hồi kết do các lực lượng bên ngoài thổi bùng.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves le Drian hôm 27-5 nhận định tình hình ở Libya rất đáng lo ngại. Ông cảnh báo rằng “kịch bản Syria” đang được sao chép tại Libya.

Từ năm 2014, Libya bị chia rẽ thành hai phe quyền lực đối lập là LNA của Nguyên soái Haftar (kiểm soát TP Benghazi và miền Đông) và GNA của Thủ tướng Fayez al-Sarraj (kiểm soát thủ đô Tripoli và miền Tây, được Liên Hợp Quốc công nhận).

Tháng 4-2019, lực lượng ông Haftar mở chiến dịch quân sự lớn đánh chiếm Tripoli với sự yểm trợ trên không của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và lính đánh thuê người Nga cùng một số nước khác.

Vài ngày sau, lực lượng GNA đã mở chiến dịch Núi lửa giận dữ để đánh trả và nhận được sự ủng hộ đáng kể của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc xung đột ở Libya đã bước sang giai đoạn mới khi lực lượng miền Đông của ông Haftar gần đây gặp nhiều thất bại lớn.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/dieu-my-lo-so-khi-nga-can-du-sau-vao-xung-dot-libya-915707.html