Điều lợi, dân sẽ làm

Như đã tiên liệu từ trước, sau khi được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới hồi đầu năm nay ở Nam Phi, biến thể phụ BA.5 của biến chủng Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam. Đây là biến thể phụ mới nhất, và, theo đánh giá ban đầu, cũng là biến thể phụ có tốc độ lây lan nhanh hơn các biến thể phụ trước.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi ngành y tế và chính quyền đã có một số biện pháp đầu tiên nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng trở lại gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân và những hậu quả không đáng có nếu ngành y quá tải.

Nằm trong số các biện pháp ban đầu đó là nỗ lực đẩy mạnh tiêm chủng mũi thứ tư – hay còn gọi là mũi nhắc lại lần hai – cho một số đối tượng có nguy cơ cao hơn nếu mắc phải Covid-19 – bao gồm người trên 50 tuổi, người trên 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch, người 18 tuổi trở lên phải phơi nhiễm virus corona, trước hết là nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu (công an, quân đội, giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ và công nhân các khu công nghiệp).

Việc tăng cường tiêm chủng mũi thứ tư như trên được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, bởi lẽ các nghiên cứu cho thấy tác dụng miễn dịch của các loại vaccine chống virus SARS-CoV-2 giảm dần theo thời gian. Do vậy mũi tiêm nhắc lại là hết sức cần thiết để bảo vệ chúng ta, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ cao vừa nêu.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý tiêm mũi thứ tư, và nhằm nâng cao tỷ lệ người được tiêm mũi tăng cường lần hai, vài nơi đã xuất hiện một quy định chưa có sự đồng thuận hoàn toàn từ phía người dân. Quy định đó yêu cầu người không đồng ý tiêm mũi tăng cường (mũi ba hay mũi bốn) ký cam kết chịu trách nhiệm nếu làm lây lan dịch bệnh.

Có thể hiểu được động cơ đằng sau quy định trên. Rút kinh nghiệm từ thực tế diễn biến của dịch bệnh ở Việt Nam, có lẽ người ra quy định muốn đi trước một bước “tiên hạ thủ vi cường” so với các biến chủng mới. Tuy vậy, theo người viết (đã tiêm mũi thứ tư trong đợt tiêm chủng tăng cường đang diễn ra), bắt buộc người không đồng ý tiêm chủng mũi tăng cường phải viết cam kết là điều chưa thật sự cần thiết, ít ra ngay tại thời điểm này.

Quyền lựa chọn thời điểm tiêm ngừa trong tình huống hiện nay vẫn còn là quyền của từng người dân. Họ được phép lựa chọn một quyết định ảnh hưởng trước hết đến sự an nguy của chính bản thân mình. Trong khi khả năng mắc bệnh Covid-19 và cam kết chịu trách nhiệm nếu làm lây bệnh là một nguy cơ trong tương lai, thì tác dụng phụ của vaccine, nếu có, là một khả năng hiện hữu có thể xảy ra ngay sau khi vaccine đã vào cơ thể đối với một số người. Vì thế, mối lo của họ không phải là không có cơ sở.

Nếu chúng ta đã tôn trọng quyền được lựa chọn tiêm hay không tiêm, thì hà tất gì phải bắt buộc viết cam kết? Trong một chừng mực nào đó, bản cam kết đi kèm với một áp lực tâm lý có thể gây thêm ức chế đối với người không đồng ý tiêm. Cũng xin lưu ý rằng, đại dịch đã kéo dài quá lâu, cuộc sống người dân chỉ mới đang trên con đường trở lại bình thường. Cộng với tình hình kinh tế thế giới khó khăn, kinh tế trong nước gây bão giá, đỉnh điểm là giá xăng, đang gây tác động kép về mặt tâm lý đối với người dân. Xét bối cảnh như vậy, có cần phải tạo thêm sức ép lên một bộ phận người dân bằng “cam kết chịu trách nhiệm nếu làm lây lan dịch bệnh”? E rằng chưa đúng thời điểm vậy!

Cuộc “thăm dò bỏ túi” sau đây có thể là cơ sở để địa phương nào yêu cầu người dân phải viết cam kết xem lại quyết định của mình. Tuyệt đại đa số ý kiến của bạn đọc phản hồi với bài báo nhan đề “Ký cam kết nếu không tiêm vaccine Covid-19, Bộ Y tế nói gì?” đăng trên báo Người Lao động online ngày 28-6(1) đều cho rằng việc ký cam kết là không cần thiết với nhiều lập luận chính xác, hợp tình, hợp lý và hợp luật.

Có lẽ người ra quy định nên đọc kỹ các ý kiến từ người dân để đừng vội vã tùy tiện ban hành quy định này nọ làm khó dân. Điều cần làm hiện nay là chuẩn bị tốt các kịch bản ứng phó và tăng cường hiệu quả của đợt tiêm vaccine mới bằng những lý lẽ thuyết phục. Người dân cũng rất nhạy, điều gì có lợi cho họ, họ sẽ làm mà chẳng cần phải viết cam kết gì đâu!

———-

(1)https://nld.com.vn/suc-khoe/ky-cam-ket-neu-khong-tiem-vac-xin-covid-19-bo-y-te-noi-gi-20220628090736904.htm

Quỳnh Thư

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dieu-loi-dan-se-lam/