Điều kiện kinh doanh dịch vụ phát thanh - truyền hình sửa đổi: Hóa ra là quản toàn bộ Internet

Những ngày cuối năm 2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã hoàn thành bản góp ý về dự thảo sửa đổi Nghị định quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (Nghị định 06/2016) - một bản dự thảo được xem là tạo ra thêm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này.

Mục đích của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) khi sửa đổi Nghị định 06/2016 là nhằm đảm bảo cạnh tranh và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào thị trường. Trong khi lĩnh vực kinh doanh phát thanh, truyền hình theo kiểu truyền thống và trên hạ tầng Internet ngày càng phát triển mạnh, việc phân định lại ranh giới giữa phát thanh - truyền hình nói riêng và các nền tảng trực tuyến nói chung khác là việc rất khó. Song không thể cho rằng, vì khó nên dẫn đến quản càng nhiều càng tốt.

Ví dụ như đối với các kênh phát thanh - truyền hình truyền thống, để có thể phát sóng được một chương trình truyền hình nước ngoài cần giấy phép phát sóng thông qua một doanh nghiệp Việt Nam và giấy phép biên dịch thông qua một cơ quan báo chí Việt Nam. Trong khi các chương trình phát trên Internet, bao gồm cả truyền hình... kể cả xuyên biên giới cũng chưa có văn bản pháp lý nào quản.

Đến nay, việc còn lẫn lộn nhiều khái niệm về phát thanh - truyền hình nói riêng và các dịch vụ cung cấp sản phẩm giải trí trên mạng Internet khiến cho các nội dung dự thảo trở nên phức tạp.

Đơn cử như việc sửa điều 3, Nghị định 06 hiện hành theo hướng đưa “dịch vụ ứng dụng viễn thông để cung cấp nội dung theo yêu cầu trên hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình đến người sử dụng” vào diện “dịch vụ phát thanh, truyền hình”. Từ đó Bộ TTTT thiết kế việc kiểm soát dịch vụ này không khác gì dịch vụ phát thanh - truyền hình. Ngoài ra cũng theo dự thảo, bộ còn quản cả “nội dung giá trị gia tăng trên hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình”.

Có cảm giác, các khái niệm, định nghĩa mà dự thảo nghị định đưa ra quá rộng, bất cứ dịch vụ ứng dụng viễn thông nào có “nội dung hình ảnh hoặc âm thanh” đều được quy về là dịch vụ phát thanh, truyền hình, như phim, nhạc, các chương trình giải trí, và các nội dung thực hiện trên nền tảng Internet đều được xếp vào diện quản lý.

Theo VCCI, việc xếp các dịch vụ “cung cấp nội dung theo yêu cầu” vào nhóm phát thanh - truyền hình là không phản ánh đúng bản chất của hoạt động phát thanh, truyền hình vì: Phụ lục 4, Luật Đầu tư (Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện) quy định dịch vụ cung cấp nội dung trên Internet (bao gồm cả yêu cầu hoặc không theo yêu cầu) ở mục riêng, độc lập với dịch vụ phát thanh - truyền hình. Như vậy, dự thảo cấp nghị định không thể mâu thuẫn với quy định của Luật Đầu tư.

Với thông lệ quốc tế, theo phân loại dịch vụ hàng hóa của Liên hiệp quốc (hệ thống CPC, phiên bản 2.1) thì dịch vụ phát thanh, truyền hình được xếp vào mã CPC 846 (Broadcasting, programming and programme distribution services) bao gồm các dịch vụ phải gắn với đài phát thanh hoặc đài truyền hình, kể cả dịch vụ phát thanh, phát sóng trực tiếp hay các dịch vụ có liên quan tới phát thanh, phát sóng. Còn các dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên Internet được xếp vào mã CPC 843 (Online content), bao gồm tất cả các dịch vụ được phép cung cấp các nội dung bất kỳ trên Internet (thông tin bằng văn bản, games, sách, audio, video, phim hay các video download khác...).

Sự phân định giữa dịch vụ phát thanh truyền hình và dịch vụ ứng dụng viễn thông để cung cấp nội dung theo yêu cầu (gồm cả nội dung giá trị gia tăng) như vậy là đã rõ, không phải như cách phân loại của Bộ TTTT.

Hơn nữa, dù Việt Nam không có cam kết trong WTO về dịch vụ phát thanh, truyền hình nhưng lại có cam kết về dịch vụ nội dung trên Internet, dịch vụ xử lý thông tin và dữ liệu trên mạng, bao gồm cả xử lý giao dịch.

Vào thời điểm đàm phán WTO thì các cam kết này được xếp vào mã CPC 843 với miêu tả nội hàm hoàn toàn đồng nhất với dịch vụ ứng dụng viễn thông để cung cấp nội dung theo yêu cầu được xem xét tại dự thảo này. Như vậy, càng có thêm căn cứ cho thấy Việt Nam đã chính thức ghi nhận dịch vụ ứng dụng viễn thông để cung cấp nội dung là dịch vụ nội dung mạng, không phải dịch vụ phát thanh - truyền hình. Vì vậy, sẽ không thể sửa đổi nghị định theo hướng trái luật, trái với cam kết quốc tế như dự thảo.

Với cách tiếp cận như trong dự thảo, trong tương lai, có thể chúng ta sẽ phải đối mặt với những vụ kiện không đáng có từ các nhà đầu tư nước ngoài. Hoặc các doanh nghiệp kinh doanh Online content xuyên biên giới, các nhà đầu tư đối tác của doanh nghiệp Việt sẽ rút khỏi các hoạt động kinh doanh, gây xáo trộn rất lớn trong lĩnh vực này và các lĩnh vực có liên quan.

Khoảng những năm 2013, khi các ứng dụng nghe gọi, nhắn tin trực tuyến phát triển, các nhà mạng mất đi doanh thu rất lớn từ các dịch vụ viễn thông cũng đã từng đề nghị Bộ TTTT cấm hoặc quản lý ứng dụng. Thời điểm đó, bộ đã từ chối vì đây là tiến bộ công nghệ, không cản được. Các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng mạng phải chuyển hướng sang bán dịch vụ data di động và phát triển các ứng dụng trên Internet. Bởi vậy, có rất nhiều doanh nghiệp làm nội dung Online content đặt vấn đề: việc quản lý này nếu được đánh đồng vào một “rổ” thì chỉ có các nhà mạng đã đầu tư hạ tầng công nghệ, truyền dẫn là được lợi vì các doanh nghiệp (cho dù không cần hạ tầng mạng sẵn có) phải thuê lại, trong khi có thể doanh nghiệp làm nội dung trực tuyến không cần đến.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/td/283962/dieu-kien-kinh-doanh-dich-vu-phat-thanh--truyen-hinh-sua-doi-hoa-ra-la-quan-toan-bo-internet.html