Điều kiện cần và đủ trong văn hóa giao tiếp ứng xử

Ngoài việc nêu những mặt được mà Đà Nẵng đã nỗ lực thực hiện  trong thời gian qua, tại buổi tọa đàm về 'Văn hóa giao tiếp ứng xử của người Đà Nẵng'vừa tổ chức dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng,...

Ngoài việc nêu những mặt được mà Đà Nẵng đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua, tại buổi tọa đàm về "Văn hóa giao tiếp ứng xử của người Đà Nẵng"vừa tổ chức dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã chỉ rõ cái chưa được trong hành vi ứng xử của người Đà Nẵng, đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức của mỗi thành viên trong cộng đồng xã hội thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: P.T

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: P.T

Tầm quan trọng của văn hóa giao tiếp ứng xử

Trong rất nhiều ý kiến phát biểu, ý kiến của nhà nghiên cứu, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hoàng Long được nhiều người tâm đắc nhất. Ông cho rằng, văn hóa là một phạm trù rất rộng. Vì vậy, để giải quyết các vấn đề liên quan đến văn hóa, cần phải lựa chọn những vấn đề cụ thể... Thực tế ở nước ta và ngay ở Đà Nẵng, có thời kỳ đã coi nhẹ văn hóa, dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong văn hóa có văn hóa giao tiếp ứng xử và phải nhận rõ được vai trò của nó trong đời sống. Khi nói về văn hóa giao tiếp ứng xử cần nhận diện đúng điều kiện cần và đủ dựa trên 3 khía cạnh: ngôn ngữ, hành vi, thái độ. Nếu chỉ thấy ứng xử văn hóa ở một khía cạnh nào đó là còn phiến diện. Vì thế, "nụ cười" hay "nụ cười công chức" mà Đà Nẵng xây dựng trong cán bộ công chức thời gian qua cũng chỉ là một biểu hiện của ứng xử văn hóa mà thôi.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Long, thái độ ứng xử trong giao tiếp là tổng hòa tất cả những yếu tố thuộc về nhân cách con người. Bởi muốn có văn hóa giao tiếp ứng xử thì con người đó phải có lòng nhân ái, trình độ dân trí, tầm văn hóa ở mức độ nào đó. Nếu không thì toàn bộ chỉ là "kịch", là "diễn", là hình thức bên ngoài, làm cho người khác tưởng là mình có văn hóa... "Suy cho cùng, giao tiếp ứng xử văn hóa chính là tính chân thật, chứ không phải là vẻ hình thức bên ngoài"- ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh. Theo đó, khi nghĩ về vấn đề giao tiếp ứng xử văn hóa thì phải nghĩ đến vai trò, nội hàm của nó. Giao tiếp ứng xử văn hóa vừa phản ánh đặc điểm trình độ phát triển của một cộng đồng và thể hiện trong từng con người. Vì vậy, mỗi người có cách ứng xử văn hóa, giao tiếp tốt sẽ có một cộng đồng có văn hóa. Khi có cộng đồng có văn hóa thì sẽ thu hút được sự đồng tình, ủng hộ, sự thiện chí, hợp tác của mọi người. Nếu không sẽ không tạo được sức mạnh cho sự phát triển...

Ông Huỳnh Phước- Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP- cho rằng, văn hóa ứng xử rất đa dạng. Sở dĩ có vấn đề sa sút trong văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử, ông Huỳnh Phước dẫn ý của ông Bùi Văn Nam Sơn- một dịch giả nổi tiếng rằng: Nền tảng của văn hóa ứng xử chính là những giá trị và chúng ta đang bị khủng hoảng về giá trị thực sự. Trước hết là sự xung đột giữa những giá trị cổ truyền với vai trò quan trọng của Nho giáo với xã hội hội nhập hiện nay. Theo đó, nếu không chọn những giá trị nền tảng, để cho những giá trị hoang dã, quyền lực, tiền bạc, hưởng thụ và danh vọng ảo thống trị thì dần dần chúng ta sẽ xóa đi những nền tảng văn hóa tốt đẹp của xã hội. Cho nên, ông Huỳnh Phước nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội đối với vấn đề này. Ngoài vai trò, trách nhiệm từ phía nhà trường, vai trò của gia đình cũng vô cùng quan trọng, bởi gia đình là nền tảng của xã hội. Cha mẹ gương mẫu thì con cái cũng đàng hoàng. Cũng theo ông Huỳnh Phước, cần đưa vấn đề văn hóa ứng xử vào trong nhà trường thành một chương trình lớn và nên chọn chủ đề thực hiện theo từng năm. Phải đưa chuẩn mực của văn hóa ứng xử trong nhà trường thành những quy định, thiết chế của nhà trường. Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá lại những vấn đề được và chưa được qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, đặc biệt là trong văn hóa ứng xử giao tiếp của cán bộ công chức. Bởi lẽ, diện mạo văn minh của TP, của một địa phương, thể hiện rõ nhất qua đội ngũ công chức.

Công chức Bộ phận 1 cửa Trung tâm Hành chính Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng trao sổ đỏ quyền sử dụng đất tận tay công dân.

Văn hóa tình người Đà Nẵng

Ngoài cảnh quan, thiên nhiên, di tích..., theo ông Nguyễn Xuân Bình- Phó Giám đốc Sở Du lịch TP, yếu tố góp phần níu giữ chân du khách khi đến một nơi nào đó chính là sự thân thiện, mến khách. Thông qua "văn hóa tình người Đà Nẵng", Đà Nẵng đã tạo được sự khác biệt so với các điểm đến khác, thu hút và níu được du khách trong, ngoài nước đến với TP ngày một nhiều hơn. Mặt khác, thời gian qua, TP cũng đã triển khai rất nhiều chương trình, hoạt động để góp phần xây dựng môi trường văn hóa, văn minh đô thị như: "5 không 3 có", Năm Văn hóa văn minh đô thị, chiến dịch nụ cười Đà Nẵng, hoặc "Nụ cười công chức". Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Đà Nẵng tiếp nhận số lượng người nhập cư từ các nơi khác đến ngày một nhiều. Họ làm nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có buôn bán hàng rong. Do mới nhập cư nên những người này chưa cảm nhận được hơi thở, bầu nhiệt huyết của người Đà Nẵng, nên chưa đồng hành cùng người dân Đà Nẵng trong văn hóa tình người của vùng đất được mệnh danh thân thiện, mến khách này. Vì thế, khi buôn bán hàng rong họ đã có những hành vi ứng xử không đẹp, không văn minh như bu bám, chèo kéo khách. Thực trạng này đã ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, văn minh đô thị của TP. Ngành Du lịch TP cũng đã đề ra nhiều giải pháp để chống bu bám chèo kéo hàng rong cũng như phối hợp cùng ngành CA để quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với người nhập cư...

Tiếp thu các ý kiến đóng góp liên quan đến vấn đề văn hóa ứng xử của người Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng cho biết sẽ tổng hợp và báo cáo Thường trực Thành ủy, UBND TP để nhận được sự chỉ đạo tích cực hơn nữa trong việc tiếp tục nâng cao, tổ chức thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Thường vụ Thành ủy. Ông Đặng Việt Dũng cho rằng, văn hóa là một lĩnh vực vô cùng rộng lớn, không thể nói hết được. Vì thế, mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng nói một ít, tin chắc sẽ tích góp, nâng cao hơn ý thức của mỗi người trong vấn đề văn hóa ứng xử giao tiếp nơi đô thị. Theo đó, mỗi người dân Đà Nẵng hãy chung tay góp một viên gạch, góp một ý kiến hay, xác đáng, chắc chắn sẽ xây dựng được một nền tảng văn hóa Đà Nẵng tốt hơn, để xây dựng TP ngày càng đẹp hơn.

P.Thủy

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_190396_dieu-kien-can-va-du-trong-van-hoa-giao-tiep-ung-xu.aspx