Điều khoản 'báo ơn' và bước tiến chuyên nghiệp

Trong những ngày bóng đá chuẩn bị hoạt động trở lại, Câu lạc bộ (CLB) bóng đá Hà Nội đã tranh thủ hoàn tất quy định mới về sở hữu, quản lý và khai thác bản quyền hình ảnh cầu thủ và huấn luyện viên (HLV).

Với quy định mới này, Hà Nội FC mong muốn xây dựng một hình ảnh đội bóng chuyên nghiệp hơn, tăng thêm doanh thu, song không dễ dàng khi còn có nhiều điểm gây tranh cãi.

Theo đó, Công ty cổ phần thể thao T&T-đơn vị chủ quản của Hà Nội FC được duy nhất sở hữu quản lý, sử dụng thương hiệu, hình ảnh của cầu thủ, HLV theo hợp đồng đã ký kết hoặc thỏa thuận. Đặc biệt, Hà Nội FC được phép ký phụ lục hoặc sửa đổi hợp đồng nếu các điều khoản cũ không phù hợp với quyết định mới ban hành. Có thể thấy, quy định trên của Hà Nội FC là điều tất yếu, là một trong những cách làm để hướng tới sự chuyên nghiệp thực sự.

 Tiền vệ Quang Hải (bên trái) đang là cầu thủ “đắt show” quảng cáo nhất. Ảnh: ĐĂNG HẢI.

Tiền vệ Quang Hải (bên trái) đang là cầu thủ “đắt show” quảng cáo nhất. Ảnh: ĐĂNG HẢI.

Đây là bước đi tiên phong của bóng đá Việt Nam, nhưng từ lâu đã được các nền bóng đá phát triển trên thế giới áp dụng thành công. Ví dụ như siêu sao Lionel Messi, ngoài nghĩa vụ phải đóng thuế hằng năm cho đất nước Tây Ban Nha thì anh còn phải chia sẻ thu nhập bên ngoài sân cỏ liên quan đến các hợp đồng quảng cáo cho CLB chủ quản Barcelona. Việc thống nhất các điều khoản sở hữu hình ảnh của Messi và Barca còn giúp tránh những xung đột không đáng có với các nhà tài trợ. Có thể hiểu một cách đơn giản là: Khi Barca đang nhận tài trợ áo đấu hằng năm từ Nike thì không bao giờ có chuyện cá nhân Messi lại đi đóng quảng cáo cho “kình địch” Adidas.

Trở lại với Việt Nam, sau cơn sốt mang tên U.19 Việt Nam của lứa Công Phượng và đặc biệt là thành công liên tiếp của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo, nhiều cầu thủ đã “ăn nên làm ra” từ những dự án ngoài sân cỏ. Thu nhập của những Quang Hải, Tiến Dũng (thủ môn), Văn Hậu... thông qua các hợp đồng quảng cáo là khá ổn. Trên thực tế, mấy năm qua việc cầu thủ bóng đá đi đóng quảng cáo mới chỉ mang tính chất tự phát, thiếu định hướng và đôi khi mắc không ít những sai sót. Ví dụ như trường hợp của Quang Hải mặc áo đội tuyển quốc gia đi đóng quảng cáo bia năm 2018 đã gây nên những hiệu ứng không tốt cho công chúng, nhất là đối với giới trẻ. Hay việc mới đây nhất, đại diện của Hà Nội FC đã mạnh mẽ lên tiếng và cam kết sẵn sàng thưa kiện một đơn vị thông tin sai sự thật khi cáo buộc trung vệ Duy Mạnh uống rượu về đánh vợ. Nêu ra các ví dụ trên để thấy quy định mới của Hà Nội FC được kỳ vọng sẽ mang tính chất định hướng, bảo vệ quyền lợi về hình ảnh của cầu thủ.

Nếu như những điều khoản mới của Hà Nội FC chỉ dừng lại ở đó thì thật đáng mừng cho cầu thủ. Song, đội bóng Thủ đô còn muốn được quyền quản lý, chia sẻ thù lao hoặc bất kỳ khoản thu nhập nào mà cầu thủ, HLV nhận được khi sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Twitter… quảng bá sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động thương mại khác. Nhà báo Trương Anh Ngọc, cây bút có nhiều năm gắn bó với mảng thể thao trong nước và quốc tế chia sẻ: “CLB kiểm soát cả mạng xã hội cầu thủ, rồi cầu thủ phải đóng tiền cho CLB thì thật vô lý”. Trong khi đó bớt gay gắt hơn, chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải phân tích: Cầu thủ sẽ bị giảm một phần thu nhập đáng kể liên quan đến quảng cáo, song họ sẽ được CLB chủ quản bảo vệ hình ảnh trong những sự cố phát sinh. Hiện những quy định của Hà Nội FC đưa ra được tất cả các cầu thủ, HLV tuân theo. Nhưng những tranh cãi về quyền riêng tư và sự khắt khe của các câu lạc bộ với cuộc đời cầu thủ ngắn ngủi chắc sẽ chưa thể chấm dứt.

Lâu nay bóng đá Việt Nam luôn tồn tại một luật bất thành văn là cầu thủ khi được CLB đào tạo nuôi dưỡng thì phải toàn tâm toàn ý, thậm chí phục tùng đội bóng. Như trường hợp CLB Hoàng Anh Gia Lai đã “lách luật” để ký hợp đồng cầu thủ đến năm 28 tuổi, trong khi FIFA quy định hợp đồng chuyên nghiệp cầu thủ với CLB chủ quản không kéo dài quá 5 năm... Họ gọi đây là điều khoản “báo ơn” đội bóng về công nuôi dưỡng, chăm bẵm từ lúc là tài năng trẻ đến khi thành danh. Xét về mặt tình cảm thì những đòi hỏi của CLB là có lý. Nhưng ở khía cạnh của bóng đá chuyên nghiệp thì những ràng buộc trên đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của cầu thủ khi họ hoàn toàn không có quyền tự quyết trong việc tìm kiếm một bến đỗ mới tốt hơn. Đây là vấn đề của cầu thủ Việt Nam trong nhiều năm qua khi không có người đại diện và rất cần một hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho những ngôi sao sân cỏ.

Quy định sở hữu, quản lý và khai thác bản quyền hình ảnh cầu thủ, HLV không phải là mới trên thế giới. Trong bối cảnh V-League vẫn loay hoay đi tìm hai chữ chuyên nghiệp sau 20 năm lên chuyên nghiệp thì các CLB không thể áp dụng rập khuôn, máy móc về mô hình của các cường quốc bóng đá.

HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/dieu-khoan-bao-on-va-buoc-tien-chuyen-nghiep-617942