Điêu khắc trên dừa khô làm vỏ đựng bình trà

Từ những vỏ dừa khô, gốc tre, ông Điểm đã tạo tác để trở thành những tác phẩm mang giá trị cao về kinh tế và văn hóa.

Lâu nay, người dân Nam bộ thường dùng quả dừa khô, khoét ruột để giữ ấm cho bình trà nhưng số người dùng nó vào việc này đang ít dần.

Dù ít người còn sử dụng nhưng Đặng Hồng Điểm (58 tuổi, ngụ khu vực 6, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) vẫn để tâm, thổi hồn vào những quả dừa khô, tạo nên những vỏ đựng bình trà độc đáo.

Những vỏ bình trà bằng vỏ dừa khô với nhiều mẫu mã đặc sặc

Những vỏ bình trà bằng vỏ dừa khô với nhiều mẫu mã đặc sặc

Ông Điểm kể, năm 1983, tình cờ ông ghé vào một tiệm điêu khắc của ông thầy tên Tám Lý. Nhìn những tác phẩm tại đây, ông Điểm cảm thấy yêu thích và đã “bái” ông Tám Lý làm thầy để học nghề điêu khắc.

Khi tay nghề đã cứng ông quyết định điêu khắc trên vỏ dừa khô để tạo nên sự độc lạ, dễ bán hơn. Thời gian đầu chưa có khách, ông Điểm đem ký gởi các sản phẩm ở các cửa hàng bán lẻ trong chợ Cần Thơ (cũ).

“Khi nhiều người biết đến, khách hàng mới biết đến tôi, lúc thịnh hành mỗi năm bán được có khi hàng trăm cái. Thời điểm đó, giá một cái chỉ khoảng 5.000 đến 15.000 đồng nhưng đó chính là nghề nuôi sống gia đình, vợ con”, ông Điểm nhớ lại.

Hơn 30 năm điêu khắc trên vỏ dừa khô, hiện nay ông Điểm chỉ làm cầm chừng vì do bận công tác địa phương và lý do sức khỏe, mỗi tháng ông chỉ hoàn thành khoảng 4-5 vỏ bình. Tuy nhiên, hiện nay giá thành sản phẩm hiện nay rất cao do hiếm và sự độc lạ của nó, cụ thể 1 vỏ dừa đựng bình trà có giá dao động từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng tùy theo mẫu.

“Những mẫu được khách hàng ưu chuộng thường là song long tranh châu, rồng phụng ngậm chữ phúc. Lâu lâu, tôi cũng sáng tạo ra vài mẫu mới đáp ứng nhu cầu khách hàng như khung cảnh làng quê, hoa...., đó cũng như thỏa sức đam mê sáng tạo của bản thân”, ông Điểm cho biết thêm.

Bước đầu ông vẻ phác họa các mẫu lên vỏ dừa

Rồi dùng dao khắc theo mẫu và tạo điểm nhấn

Theo ông Điểm, dừa để chặm khắc phải là những trái dừa khô, tròn đều, lớn trái, vỏ dừa sau khi cắt phần đuôi trái chừng 5 phân (5 cm) để làm nắp đậy thì phần thân sẽ được chạm khắc.

Do đó, để có một tác phẩm ưng ý ông Điểm luôn tự tay chọn những dừa, vào thời trẻ ông còn đích thân leo lên tận đọt để hái trái xuống làm.

“Không phải trái dừa nào cũng như ý, có những trái bị chuột cạp sần sùi thì không thể nào mà khắc đầu rồng được. Khi đó tôi thường uyển chuyển vị trí đó thành các bộ phận khác như bụng, hay tạo độ uốn lượn thì sẽ có một tác phẩm hoàn hảo”, ông Điểm nói.

Vỏ dừa khô xấu xí đến đâu khi qua tay ông Điểm đều trở thành những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đặc sắc.

Ngoài ra, ông Điểm còn sở hữu nhiều tác phẩm được điêu khắc trên gốc tre dùng làm bình cắm hoa.

Đặc biệt, trên các bình hoa làm từ gốc tre, đã khắc lên đó các giai thoại, các hình ảnh hay trận chiến oanh liệt của các nhân vật anh hùng trong lịch sử Việt Nam như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo

Ông Điểm cho biết bản thân ông rất thích học môn lịch sử nên ông đã nảy ra ý tưởng đưa hình ảnh những vị anh hùng dân tộc

hay những trận đánh lịch sử lưu giữ trên những ống tre để cho con cháu của ông hiểu hơn về lịch sử nước nhà.

Ông Điểm không nhớ mình đã cho ra bao nhiêu bình trà bằng vỏ dừa khô. Giờ đây tuy sức khỏe không còn như trước nhưng hễ rảnh rỗi là ông lại mang “đồ nghề” ra tần mẫn chạm khắc từng nét.

“Đây không còn là công việc kiếm sống nữa mà nó đã trở thành đam mê trong tôi. Còn sức thì còn làm, không bán thì để trung bày cũng là cách để lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống để con cháu sau này còn biết đến”, ông Điểm tâm sự.

HẢI DƯƠNG - CHÂU ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/dieu-khac-tren-dua-kho-lam-vo-dung-binh-tra-849233.html