Điêu khắc ngoài trời ở Đà Nẵng

Là một thành phố du lịch giàu tiềm năng, Đà Nẵng có nhiều công trình kiến trúc đẹp, hiện đại. Song bên cạnh đó, còn thiếu vắng những công trình, tác phẩm điêu khắc ngoài trời, nơi công cộng góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường và ghi lại những dấu ấn văn hóa, lịch sử của thành phố.

Thiếu những tác phẩm mang tính nghệ thuật

Với nhiều yếu tố thuận lợi trong quá trình hình thành, phát triển Đà Nẵng đã tạo dựng được thương hiệu trong cả nước và khu vực. Diện mạo đô thị ngày càng thay đổi, hiện đại với nhiều đường phố mới. Những cây cầu mạnh mẽ vượt sông Hàn; những khu công nghiệp, đô thị mới, khu du lịch... nở rộ, thể hiện rõ tầm vóc của một thành phố du lịch giàu tiềm năng. Ở giai đoạn hiện nay, theo GS Hoàng Đạo Kính, có thể ví “thành phố giống như một tảng đá nằm trong tay một điêu khắc gia mạnh tay và có con mắt nhìn xa trông rộng; sau khi đục phá thô sơ đã bắt tay vào sự tạo dáng, tìm kiếm những nét riêng và lồng thổi tâm hồn”. Và nghệ thuật điêu khắc ngoài trời, nơi công cộng cũng là một yếu tố quan trọng, góp phần làm đẹp thêm cho kiến trúc không gian, cảnh quan môi trường Đà Nẵng.

Hệ thống tác phẩm điêu khắc ngoài trời của thành phố Đà Nẵng còn rất khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng. Tiêu biểu, có một số công trình như tượng Mẹ Âu Cơ của Lê Công Thành ở Công viên Biển Đông; tượng đài Mẹ Nhu của Phạm Hạng trên đường Điện Biên Phủ; cụm tượng Người mẹ Việt Nam của Đỗ Toàn ở Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thành phố; tượng Đất lành chim đậu của Phạm Hạng ở đường 3-2. Ngoài ra, có vườn tượng nghệ thuật ở đường Trần Hưng Đạo với gần 10 tác phẩm là kết quả từ trại sáng tác điêu khắc quốc tế năm 2010; một số tượng danh nhân trên các đường Hồ Xuân Hương, Lê Văn Hiến; tượng Cá chép hóa rồng và khoảng 50 tượng từ Làng đá mỹ nghệ Non Nước đặt tại bờ Đông và rải rác trên đường Bạch Đằng dọc sông Hàn... Nhìn toàn cảnh, số lượng tác phẩm điêu khắc nghệ thuật rất ít (khoảng mười tượng), quy mô vừa và nhỏ, được xây dựng đã lâu; còn phần lớn là các sản phẩm nhằm giới thiệu về Làng đá mỹ nghệ Non Nước của Đà Nẵng.

Thành phố có hai dự án công trình tượng đài nghệ thuật có quy mô và ý nghĩa lịch sử quan trọng, dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2016-2020. Thứ nhất, là Tượng đài Chiến tích Hải Vân, nhằm ghi lại những chiến công kháng chiến cứu nước gắn với đỉnh đèo Hải Vân, đặt tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Mẫu phác thảo đã được tổ chức thi và chọn từ năm 2012. Thứ hai, là Tượng đài Chiến tích Gò Hà nhằm ghi dấu mốc lịch sử quan trọng trong trận đầu đánh Mỹ của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1965, đặt ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Cuộc thi sáng tác mẫu phác thảo được tổ chức từ năm 2016. Song vì không có kinh phí nên phải ngừng... chỉ dựng bia tưởng niệm.

Cần sự “bắt tay” giữa kiến trúc và điêu khắc

Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết, thành phố đang triển khai dự án đường gốm dọc bờ kè đường Võ Nguyên Giáp - Phạm Văn Đồng, với kinh phí 13 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Hiện thành phố đã đầu tư 700 triệu đồng để làm đường. Đường gốm do các họa sĩ Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh thực hiện, gồm những bức phù điêu thể hiện hình ảnh thiên nhiên trên gốm lấy từ đất sét sông Hoài (Hội An). Dự án đậm chất nghệ thuật này được kỳ vọng sớm hoàn thành, góp phần làm đẹp thêm cảnh quan môi trường thành phố. Ông Kha cũng cho rằng, Đà Nẵng rất cần có thêm những tượng danh nhân, tượng trang trí công viên, khu đô thị, đường phố để làm đẹp không gian của một thành phố ven sông, biển và ghi dấu những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Vẫn biết, kinh phí luôn là một vấn đề; song xã hội hóa là điều cần thiết trong việc huy động nguồn lực để thực hiện. Theo nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng, tác giả Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Đà Nẵng cần có những công trình điêu khắc ngoài trời mang ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại, hòa hợp với bối cảnh không gian, tương xứng với quy mô và tốc độ phát triển kiến trúc đô thị. Vì vậy, vai trò của chính quyền địa phương và các nhà quản lý văn hóa rất quan trọng trong việc quan tâm, định hướng phát triển với quy hoạch cụ thể cho từng khu vực của thành phố; cần có sự phối hợp giữa điêu khắc và kiến trúc trong xây dựng.

Tình trạng vừa thiếu, vừa cũ và ít giá trị nghệ thuật, chưa xứng tầm đô thị hiện đại của các công trình, tác phẩm điêu khắc ngoài trời ở Đà Nẵng lâu nay cho thấy sự thiếu quan tâm của các nhà quản lý và nhà đầu tư, xây dựng đến yếu tố thẩm mỹ kiến trúc đô thị. Với thế mạnh, tiềm năng của mình, Đà Nẵng đã và đang trên đà phát triển về kinh tế và du lịch, song cũng cần chú trọng những giá trị văn hóa để làm nên chiều sâu, nét đẹp “tâm hồn” của một vùng đất độc đáo. Điều đó, không chỉ đòi hỏi tài năng, tâm huyết của những nghệ sĩ sáng tạo, mà cần sự quan tâm, vào cuộc của thành phố về chủ trương, quy hoạch và tạo nguồn kinh phí để tạo ra những công trình nghệ thuật có giá trị, góp phần mang lại vẻ đẹp văn hóa, tinh thần cho một “thành phố đáng sống”.

PHƯƠNG LIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/34313002-dieu-khac-ngoai-troi-o-da-nang.html