Điều ít biết về cuộc tấn công vào Syria của TNK

Chiến dịch 'Mùa xuân Hòa bình' của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ vẽ lại bản đồ xung đột tại Syria, là cú giáng mạnh đối với lực lượng người Kurd, đồng thời mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ của Ankara tại khu vực biên giới với Syria.

Hôm 9/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã phát động chiến dịch quân sự mang tên "Mùa xuân Hòa bình" chống lại lực lượng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) mà nước này coi là "khủng bố" cùng phiến quân IS ở Đông Bắc Syria. (Nguồn ảnh: Reuters)

Theo Reuters, chiến dịch này của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ vẽ lại bản đồ xung đột tại Syria một lần nữa, là cú giáng mạnh đối với lực lượng người Kurd vốn chiến đấu chống lại phiến quân IS, đồng thời mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ của Ankara tại khu vực biên giới với Syria.

Được biết, đây là cuộc tấn công vào Syria lần thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ năm 2016. Thổ Nhĩ Kỳ có hai mục tiêu chính ở Đông Bắc Syria: Đánh đuổi lực lượng dân quân người Kurd YPG mà họ coi là mối đe dọa an ninh biên giới và tạo ra vùng an toàn, tạo điều kiện cho 2 triệu người tị nạn Syria trở về nhà. Ảnh: Các chiến binh người Kurd thuộc Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) diễu hành quân sự tại Qamishli ngày 28/3/2019.

Người Kurd sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd từng dành nhiều năm để mở rộng quyền kiểm soát ở miền bắc và đông Syria, với sự hỗ trợ của liên quân Mỹ chiến đấu chống lại phiến quân IS.

Họ đã thành lập nhiều cơ quan quản lý riêng, đồng thời khẳng định mục tiêu là tự trị. Tuy nhiên, tất cả những điều này có thể "tan thành mây khói" với cuộc tấn công của Ankara.

Trọng tâm trước mắt của Ankara trong chiến dịch quân sự này dường như là xung quanh vùng biên giới giữa thị trấn Ras al Ain và Tel Abyad, kéo dài khoảng 100 km.

Nga đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không gây cản trở các nỗ lực giải quyết vấn đề Syria. Ngay trước cuộc tấn công, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Erdogan, khuyên nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ phải "cân nhắc kỹ tình hình".

Các nước phương Tây như Anh, Pháp, Italy, Hà Lan, Đan Mạch và Australia đều đồng loạt lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, coi đây là một sai lầm và yêu cầu nước này chấm dứt các hành động quân sự để không gây bất ổn thêm cho khu vực, tạo điều kiện cho phiến quân IS trỗi dậy.

Trước đó, các lãnh đạo người Kurd ở Syria cảnh báo rằng họ không thể tiếp tục giam giữ các tù binh IS nếu tình hình trở nên hỗn loạn do cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mời độc giả xem thêm video về cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria (Nguồn: SANA)

Thiên An

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi/dieu-it-biet-ve-cuoc-tan-cong-vao-syria-cua-tnk-1288317.html