Diệu Hoa: 'Chồng 'phải lòng' ngay khi nhìn thấy tôi trên sân khấu Hoa hậu'

Dân trí 'Năm 1992, anh cùng một số người bạn đến xem đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam, lần đầu tiên nhìn thấy tôi lên sân khấu phát biểu, anh ấy đã 'phải lòng' tôi luôn', Hoa hậu Diệu Hoa chia sẻ.

Hoa hậu Diệu Hoa tên đầy đủ là Nguyễn Diệu Hoa, sinh năm 1969 tại Hà Nội . Chị đăng quang cuộc thi Hoa hậu toàn quốc báo Tiền Phong lần thứ 2 năm 1990 (tiền thân của Hoa hậu Việt Nam ). Khi đăng quang chị đang là sinh viên năm thứ 4 khoa tiếng Nga của Đại học Ngoại ngữ Hà Nội . Chị đã có bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại Viện Công nghệ châu Á (AIT) ở Thái Lan.

Chị thông thạo 5 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Ấn và Thái . Năm 2006, cô được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam với tư cách “Hoa hậu thông thạo nhiều thứ tiếng nhất”. Năm 2008, Nguyễn Diệu Hoa tham dự cuộc thi Hoa hậu Quý bà Thế giới (Mrs World) và lọt vào Top 5 người đẹp nhất.

Diệu Hoa thời mới đăng quang Hoa hậu và hiện tại

Tham gia chương trình “Phụ nữ quyền năng” mới đây, Hoa hậu gốc Hà Nội đã chia sẻ khá nhiều về những bước ngoặt không thể quên trong cuộc đời. Hoa hậu Việt Nam 1990 cho biết, đã 28 năm thấm thoắt trôi qua nhưng chị vẫn không bao giờ quên được cái cảm giác lúc đăng quang. Thời điểm đó, đêm chung kết cuộc thi được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô Hà Nội và rất đông người thân, bạn bè, hàng xóm… đã đến cổ vũ cho chị.

“Thời đó, cuộc sống đơn giản và suy nghĩ của người trẻ cũng thật giản đơn. Tôi thấy thi hoa hậu là sự kiện mới lí thú, bạn bè cùng học khuyến khích, cứ thử thi xem sao, thế là tôi đăng ký, chẳng cần suy nghĩ nhiều. Những ngày thi ở Hà Nội, tôi vẫn sáng đi tối lại về nhà. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại không khí sôi động trong đêm tôi đăng quang năm 1990 tôi vẫn thấy xúc động. Đó là niềm vui, niềm tự hào đối với bố mẹ, gia đình, bạn bè... nên kỷ niệm này tôi không bao giờ quên được”, Diệu Hoa nói.

Vì trân trọng và muốn lưu giữ mãi khoảnh khắc hạnh phúc ấy nên dù đã trải qua biết bao đổi thay trong cuộc sống nhưng chị vẫn giữ gìn chiếc vương miện, bộ áo dài, dải băng... nhận được trong đêm đăng quang như những kỷ vật vô giá. Ở phòng khách, chị còn treo tấm ảnh đăng quang được phóng to.

Nói về bí quyết để biết được 5 loại ngoại ngữ, người đẹp cho biết, học ngoại ngữ là sở thích của chị từ lúc còn bé. Khi yêu thích ngoại ngữ nào chị sẽ học ngoại ngữ đấy. Đó cũng là lí do chị đăng ký thi trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội chuyên ngành tiếng Nga, sau đó học thêm bằng cử nhân tiếng Anh. Thời gian chị cùng gia đình nhỏ sang Thái Lan sống, chị rất muốn mỗi khi đi ra đường có thể trò chuyện được với người dân bản địa để dễ hòa nhập với cuộc sống ở đây nên lại tiếp tục học tiếng Thái.

Nói về nghiệp kinh doanh, Hoa hậu Diệu Hoa cho biết: “Lúc học đại học, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ theo nghiệp kinh doanh. Khi đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam, tôi đang học năm thứ 4 của Đại học Ngoại ngữ. Ngay lúc đó, đã có rất nhiều công ty đến mời tôi về làm việc và đó cũng là một trong những cơ duyên khiến tôi gặp được ông xã bây giờ. Lúc đó, anh đang làm trưởng đại diện tại Việt Nam của một tập đoàn quốc tế Thái Lan. Khi gặp nhau, yêu nhau rồi kết hôn... tôi mới quyết định về làm việc cùng chồng. Khoảng 10 năm trở lại đây, vợ chồng tôi mở công ty riêng, làm trong lĩnh vực thương mại quốc tế”.

Diệu Hoa không chỉ là Hoa hậu nói được nhiều ngoại ngữ nhất mà còn là một người thành công trong kinh doanh.

Diệu Hoa cho biết, trong gia đình, chị chịu rất nhiều ảnh hưởng từ bố mẹ. Bố chị là một nhà ngoại giao nên đi rất nhiều nước và nói được rất nhiều thứ tiếng. Mẹ chị là bác sĩ nên thời điểm đó rất muốn hướng chị đi theo ngành bác sĩ. Trong gia đình, không ai nghĩ chị sẽ kết hôn với người nước ngoài và bản thân chị cũng thế. Mặc dù vậy, bố mẹ chị từng đi nước ngoài nhiều nên suy nghĩ rất thoáng về hôn nhân. Cả hai đã không hề phản đối khi chị thưa chuyện với bố mẹ về việc sẽ kết hôn với bạn trai người Ấn Độ.

“Trước đó, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ lấy người nước ngoài nhưng đúng là chuyện vợ chồng thuộc về duyên số. Chồng tôi sang Việt Nam từ năm 1990, đúng thời điểm tôi đăng quang Hoa hậu, nhưng phải hai năm sau chúng tôi mới lại gặp nhau.

Năm 1992, anh cùng một số người bạn đến xem đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam, lần đầu tiên nhìn thấy tôi lên sân khấu phát biểu, anh ấy đã “phải lòng” tôi luôn. Thật kỳ lạ là mấy người bạn chơi với anh ấy lại quen với tôi và đó là cơ duyên đưa đẩy chúng tôi đến với nhau.

Thực ra, thời điểm đó, người Việt lấy người nước ngoài rất hiếm. Chồng tôi lại đến từ một đất nước xa xôi là Ấn Độ. Nhưng đúng là tình yêu không ai có thể nói trước được điều gì. Khi đến đăng ký kết hôn ở Sở Tư pháp Hà Nội, các anh chị ở đó rất thích thú. Nghe các anh chị kể, tôi mới biết cuộc hôn nhân của vợ chồng tôi là cuộc hôn nhân Việt - Ấn đầu tiên. Tôi còn nhớ, ngày tôi đến nhận giấy đăng ký kết hôn, các anh chị đã tổ chức một lễ kết hôn ngay tại văn phòng ở Sở Tư pháp Hà Nội. Tôi đã vô cùng xúc động vì nhận được rất nhiều sự chúc phúc. Đó là một kỷ niệm mà vợ chồng tôi mãi mãi ghi nhớ”, Diệu Hoa nói thêm.

Sau khi kết hôn, ông xã của Hoa hậu Diệu Hoa đã tự nguyện chuyển về Việt Nam sống. Từ bấy đến nay, người bạn đời của hoa hậu sinh năm 1969 vẫn luôn xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.

Gia đình hạnh phúc của Hoa hậu Diệu Hoa.

“Khi có ý định sinh con, tôi đã nghĩ ngay tới việc sẽ dạy con nói tiếng Việt, còn chồng sẽ dạy con nói tiếng Anh và tiếng Ấn. Kể cả những lúc cả gia đình sống ở nước ngoài, tôi cũng đóng vai trò cô giáo, mua hết tất cả sách giáo khoa của Việt Nam để dạy tiếng Việt cho các con từ khi con biết nói. Ở Việt Nam mình có thể mời cô giáo đến dạy được nhưng ở nước ngoài mình phải đóng vai trò cô giáo bất đắc dĩ. Các con của tôi từ bé đã bắt tiếng rất nhanh.

Tôi rất muốn, các con phải biết tiếng mẹ đẻ và hiểu rõ văn hóa của hai đất nước. Bởi vậy, khi ở nhà, tôi chỉ nói tiếng Việt với các con mà thôi. Ở nhà mà các con không nói tiếng Việt, tôi không bao giờ nói chuyện. Tôi luôn kể cho các con nghe về văn hóa và con người Việt Nam, còn chồng tôi lại kể về văn hóa Ấn Độ. Như vậy, các con lớn lên tại Việt Nam nhưng lại được song hành cùng với hai nền văn hóa. Nhờ thế mà khi sang Ấn, các con rất dễ hòa nhập được với phong tục của người Ấn. Có nhiều người khi lấy chồng nước ngoài không nghĩ việc dạy cho con tiếng mẹ đẻ lại quan trọng đến như vậy”, Hoa hậu Việt Nam 1990 chia sẻ.

Theo Hà Tùng Long

Dân trí

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/dieu-hoa-chong-phai-long-ngay-khi-nhin-thay-toi-tren-san-khau-hoa-hau-20180603200312079.htm