'Diều hâu' chống Trung Quốc thắng thế tại Nhật sau nhiều năm chia rẽ

Những diễn biến ở Hong Kong và quan hệ ngày càng xấu giữa Bắc Kinh với các nước phương Tây đã giúp phe diều hâu chống Trung Quốc dần chiếm ưu thế trên chính trường Nhật Bản.

Hồi tháng 3 vừa qua, giữa lúc đại dịch Covid-19 lan rộng, Thủ tướng Shinzo Abe đã buộc phải hoãn kế hoạch tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm chính thức cấp nhà nước. Bốn tháng sau, chuyến thăm bị hoãn tiếp tục trở thành chủ đề gây tranh cãi trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông Abe.

Đầu tháng 7, một nhóm nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Tự do thúc đẩy một nghị quyết yêu cầu chính thức hủy bỏ chuyến thăm cấp nhà nước của lãnh đạo Trung Quốc. Động thái này đẩy Thủ tướng Abe vào thế đối đầu với chính các thành viên trong đảng của mình, theo Japan Times.

Sức ép từ phe diều hâu

Trước những hành động ngày càng cứng rắn của Trung Quốc, như việc ban hành luật an ninh quốc gia ở Hong Kong, hay khiêu khích trên biển Hoa Đông, phe ôn hòa trong giới bảo thủ Nhật Bản đang dần thất thế, khiến chính phủ trung ương đứng trước áp lực phải gia tăng sức ép với Bắc Kinh.

Thủ tướng Abe gửi lời mời tới Chủ tịch Tập trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Osaka năm ngoái, với thời gian ban đầu dự kiến là vào tháng 4/2020.

Thế nhưng, ngay cả trước khi kế hoạch thăm viếng bị chệch hướng do dịch bệnh, phe cứng rắn trong giới bảo thủ Nhật Bản đã kiên quyết phản đối chuyến thăm. Nguyên nhân sâu xa được cho là bởi nhiều công dân Nhật Bản bị Trung Quốc kết án với những cáo buộc mơ hồ, cũng như việc tàu Trung Quốc liên tục xuất hiện ở vùng nước quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (nơi Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền).

 Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi cho rằng thời điểm hiện tại không phù hợp với chuyến thăm cấp nhà nước, dựa trên tình hình thực tế", hạ nghị Yasuhide Nakayama, giám đốc cơ quan đối ngoại đảng Dân chủ Tự do, nói.

Ông Nakayama cho biết thực tế đang diễn ra khiến nhiều người Nhật Bản hoài nghi về mục tiêu "nuôi dưỡng quan hệ hữu hảo" giữa Bắc Kinh và Tokyo.

Hôm 7/7, cơ quan đối ngoại của đảng Dân chủ Tự do thúc đẩy thành công nghị quyết yêu cầu hủy bỏ hoàn toàn chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một ủy ban của đảng Dân chủ Tự do yêu cầu chính phủ hủy bỏ chuyến thăm cấp nhà nước của một lãnh đạo nước ngoài.

"Trong bối cảnh hiện nay, khi cộng đồng quốc tế quan ngại sâu sắc về các nguyên tắc tự do, dân chủ và quyền con người, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc yêu cầu hủy bỏ chuyến thăm Nhật Bản của ông Tập", nghị quyết có đoạn.

Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản đã lên án nghị quyết và gọi đây là "sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ (của Trung Quốc)".

Không phải tất cả các thành viên đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đều ủng hộ nghị quyết. Một số nghị sĩ, trong đó có Tổng thư ký đảng Toshihiro Nikai - người được biết tới với khuynh hướng thân Bắc Kinh, lo ngại trước ngôn từ cứng rắn trong nghị quyết.

Một hạ nghị sĩ khác là Ryuji Koizumi cũng cho rằng cần cẩn trọng trước quyết định hủy bỏ chuyến thăm, với lo ngại bước đi này sẽ gây tổn hại quan hệ Nhật - Trung.

"Có khả năng giao thiệp với Trung Quốc sẽ bị cắt đứt nếu chính phủ hủy bỏ lời mời đã được gửi tới nguyên thủ quốc gia của Trung Quốc. Nếu muốn thay đổi cách hành xử của Trung Quốc, ta cần giao thiệp với họ ở cấp cao và gửi đi những thông điệp mạnh mẽ", ông Koizumi nói.

Tại cuộc họp báo trong ngày nghị quyết được thông qua, Tổng thư ký Nikai tỏ ra bất mãn. Ông chỉ trích các nhà lập pháp đã thúc đẩy nghị quyết, nhấn mạnh rằng nỗ lực đưa Nhật Bản và Trung Quốc xích lại gần nhau đã tốn nhiều công sức, vì vậy mọi hành động phải được xem xét cẩn trọng.

Hôm 8/7, nghị quyết được chuyển tới Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. Người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản sau đó cho biết Tokyo đang ưu tiên đối phó với dịch bệnh, và vì vậy hiện không thể bố trí tiếp đón nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Đối lập trong cách nhìn về Trung Quốc

Trong lịch sử, không có sự thống nhất về cách nhìn nhận đối với Trung Quốc trong giới bảo thủ Nhật Bản, kể cả với những chính trị gia cứng rắn cánh hữu.

Không ít nhà lập pháp tiếng tăm bảo lưu sự hoài nghi và cứng rắn trước sức mạnh ngày càng gia tăng về chính trị, kinh tế, quân sự của Bắc Kinh. Tuy vậy, cũng có một nhóm các nghị sĩ bảo thủ đề cao mối quan hệ kinh tế song phương, và thúc đẩy liên kết giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Năm 1972, thủ tướng Nhật Bản khi đó là Kakuei Tanaka, một chính trị gia bảo thủ, đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Trong 40 năm sau đó, Nhật Bản đã viện trợ cho Trung Quốc tổng cộng gần 30 tỷ USD, đóng góp không nhỏ vào sự bùng nổ của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, là nơi các công ty Nhật Bản đặt chi nhánh nhiều nhất thế giới. Trung Quốc cũng là nước đóng góp số du khách đến Nhật Bản nhiều nhất thế giới, với 9,59 triệu lượt khách trong năm 2019.

Dù ông Tanaka đã qua đời năm 1993, quan điểm cảm thông với Trung Quốc của ông đã được truyền lại qua nhiều thế hệ nghị sĩ bảo thủ, nổi bật nhất hiện nay là Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do Nikai.

Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Kyodo.

Masaya Inoue, giáo sư chuyên ngành lịch sử ngoại giao và chính trị từ Đại học Seikei, Tokyo, cho rằng những lùm xùm quanh nghị quyết hủy bỏ chuyến thăm của ông Tập là chỉ dấu cho cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do, khi phe diều hâu chống Bắc Kinh đang chiếm ưu thế, đồng thời xuất hiện chia rẽ chưa từng có trong nội bộ giới bảo thủ.

Ông Inoue cho rằng đảng Dân chủ Tự do về tổng thể có cái nhìn hoài nghi về Bắc Kinh, dù một số phe phái nhỏ chống lại quan điểm chung này.

Trái ngược với đường lối thân Bắc Kinh của cố thủ tướng Tanaka, cựu thủ tướng Takeo Fukuda cầm quyền trong giai đoạn 1976-1978 lại là người phản đối quyết định bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

Năm 2001, thủ tướng khi đó là Junichiro Koizumi, người được cho là thuộc phe của ông Fukuda, đã viếng thăm đền Yasukuni, nơi tưởng niệm các binh sĩ Nhật Bản tử trận trong các cuộc chiến tranh, trong đó có một số tội phạm chiến tranh từng gây ra tội ác tại Trung Quốc. Hành động này khiến Bắc Kinh nổi giận.

Từ thời điểm đó, phe chống Trung Quốc trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do dần chiếm thế thượng phong.

Thời điểm bước ngoặt

Thủ tướng Abe và ông Nakayama, người đứng đầu cơ quan đối ngoại đảng Dân chủ Tự do, được cho là đi theo đường lối cứng rắn với Bắc Kinh của cựu thủ tướng Fukuda.

Dù cứng rắn trong vấn đề an ninh quốc gia, Thủ tướng Abe thường tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc. Trong bối cảnh xung đột ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, Thủ tướng Abe theo đuổi đường lối tương đối mềm dẻo hơn, tránh rơi vào cuộc chiến giữa các siêu cường.

Các cố vấn thân cận dường như có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các quyết định liên quan tới Trung Quốc của ông Abe, CSIS nhận định. Tổ chức nghiên cứu chính sách này cho rằng cố vấn cấp cao Takaya Imai, người từng là bộ trưởng Thương mại, Kinh tế và Công nghiệp, đã thuyết phục Thủ tướng Abe "có cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Trung Quốc", để bảo vệ lợi ích kinh tế.

Tàu tuần duyên Nhật Bản ngăn chặn một tàu Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: AP.

Sau các diễn biến tại Hong Kong và quan hệ ngày càng tồi tệ giữa Trung Quốc và các nước phương Tây, Tokyo dường như sẽ không tiếp tục sốt sắng thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh, ông Inoue nhận định.

Việc Trung Quốc mạnh tay tại Hong Kong mâu thuẫn trực tiếp với tầm nhìn đối ngoại của Thủ tướng Abe, vì vậy nhà lãnh đạo Nhật Bản không có nhiều lợi ích nếu thúc đẩy quan hệ gần gũi với Bắc Kinh, ông Inoue đánh giá.

Mặc dù vậy, chuyên gia của Đại học Seikei cũng cho rằng Tokyo sẽ không thay đổi chính sách đối với Bắc Kinh, như những gì xảy ra tại Washington. Ông Inoue đánh giá Nhật Bản sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với Trung Quốc dù vẫn theo đuổi chính sách "kiềm tỏa".

"Với việc phe diều hâu trong đảng Dân chủ Tự do đang gia tăng sức ép lên chính phủ (để cứng rắn hơn với Trung Quốc), Tokyo sẽ có cách tiếp cận thực tế. Ông Abe không phải người thân Trung Quốc, tôi tin rằng ông ấy sẽ cẩn trọng và có cách tiếp cận chiến lược", ông Inoue nói.

Duy Anh
Theo Japan Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-hau-chong-trung-quoc-thang-the-tai-nhat-sau-nhieu-nam-chia-re-post1113381.html