Điệu hát ví, hát rang trên đất Tổ

Vào dịp Lễ hội đền Hùng-Giỗ tổ Hùng Vương, bà con dân tộc Mường ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ tưng bừng phấn khởi khi được góp vui bằng điệu hát ví, hát rang trong ngày lễ trọng của đất nước.

Trong di sản văn hóa phi vật thể của người Mường, điệu hát ví, hát rang được đồng bào nâng niu trân trọng gìn giữ. Hát ví, hát rang xuất phát từ bộ sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” của dân tộc Mường. Câu chuyện từ thuở sơ khai đến khi bản Mường ổn định được kể lại bằng những câu văn vần dễ nhớ, dễ thuộc. Chính nhịp điệu ấy được truyền miệng để cất rồi cất lên thành tiếng hát. Đặc điểm sinh sống lao động của người Mường ở vùng đồi núi, do vậy tiếng hát cũng theo chân đồng bào lên nương rẫy, ra bờ suối, bìa rừng. Người ở đồi bên này dùng tiếng hát để gọi người bên kia đồi. Không những vậy, điệu hát ví, hát rang còn trở thành lời tâm tình hò hẹn để trai gái đứng bên bờ suối đối đáp giao duyên.

 Người dân xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn biểu diễn điệu hát ví, hát rang tại Lễ hội đền Hùng năm 2019.

Người dân xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn biểu diễn điệu hát ví, hát rang tại Lễ hội đền Hùng năm 2019.

Trong hai điệu hát thì hát rang đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Ca từ của hát rang phải thành bài, có nội dung phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh của người đang hát. Rang được chia thành hai thể loại. Rang truyền thuyết (rang chuyện) là những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, lời dặn dò của người Mường được lựa chọn truyền qua nhiều đời. Rang giao duyên (rang ghẹo) có nội dung phản ánh về tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, ngợi ca quê hương đất nước. Điệu ví dễ hát hơn điệu hát rang với đặc điểm là hát có đôi, có cặp. Trai gái dùng tiếng hát ví để tâm tình, trò chuyện tìm hiểu nhau. Chính vì thế lời hát ví vừa mộc mạc, giản dị, vừa trữ tình sâu lắng. Người hát ví không chỉ có giọng hay mà còn phải thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, am hiểu văn hóa đời sống thì mới có thể ứng đối nhanh nhạy bằng những câu hát ngọt ngào ẩn chứa nhiều ý tứ sâu xa. Hát ví được chia làm ba thể loại. Ví cổ hát bằng tiếng Mường cổ, ví kim hát bằng tiếng Việt, còn ví cải biên dựa trên những làn điệu đã có người hát sáng tác lời mới cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt, giao lưu.

Đứng trước nếp nhà sàn, bà Hà Thị Tiên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát ví, hát rang xã Kiệt Sơn (huyện Tân Sơn) cất lời hát: “Đôi ta như đĩa muối gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau ơi à ủn yêu ơi…”. Nghe câu hát của bạn chơi, ông Đinh Công Thành (xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn) đối lại: “Muối kia cũng nhớ gừng cay/ Mặn thì cũng mặn ta về với nhau ơi à ủn yêu ơi…”. Hai bên vừa đối đáp theo lối trao duyên đồng thời tự sáng tác thêm những câu ví mới.

Với mong muốn gìn giữ dân ca cổ của người Mường, huyện Tân Sơn đã có định hướng trong công tác bảo tồn điệu hát ví, hát rang. Ủy ban nhân dân huyện phối hợp với Bảo tàng Hùng Vương (Phú Thọ) tổ chức sưu tầm các làn điệu hát ví, hát rang, phục dựng lại các nghi thức phong tục gắn với hát ví, hát rang như rước vía lúa, hát mừng nhà mới, đi hỏi vợ… để làm phim tư liệu. Huyện tổ chức những lớp học do các nghệ nhân truyền dạy cho hạt nhân văn nghệ thuộc 17 xã làm nòng cốt để nhân rộng trong khu, xóm. Ngoài ra, nội dung hát ví, hát rang được đưa vào trường học trong địa bàn huyện, giáo viên thanh nhạc được tập huấn các làn điệu sau đó truyền dạy cho học sinh.

Ông Trần Huy Thủy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Tân Sơn cho biết: “Hát ví, hát rang là nét độc đáo của dân ca xứ Mường. Huyện Tân Sơn có chủ trương bảo tồn lâu dài, bền vững hướng tới lập hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện tại việc gìn giữ được tiến hành ở trong từng khu, xóm nhằm khơi dậy niềm yêu thích dân ca của chính đồng bào Mường, là biện pháp hiệu quả, tạo nên sức sống cho làn điệu hát ví, hát rang”.

Bài và ảnh: DUY NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/dieu-hat-vi-hat-rang-tren-dat-to-614008