Điều hành chính sách tài khóa hiệu quả đã hỗ trợ nền kinh tế nhanh phục hồi

Bộ Tài chính đã rất nỗ lực đưa ra các giải pháp điều hành chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, trong đó chủ động tham mưa cho Chính phủ trình Quốc hội những chính sách để nhanh chóng giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Đây là chia sẻ của TS. Phan Phương Nam - Phó Trưởng khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, với phóng viên TBTCVN.

PV: Nhiều ý kiến đánh giá về việc ban hành chính sách tài khóa, hỗ trợ phát triển kinh tế thời gian qua là rất phù hợp và kịp thời. Ông nhận định thế nào về các chính sách tài khóa được ban hành thời gian qua?

TS. Phan Phương Nam: Về cơ bản, các chính sách tài khóa được ban hành trong giai đoạn vừa qua khá phù hợp với diễn biến và tác động của dịch Covid-19. Trong đó, về các chính sách liên quan đến thu ngân sách nhà nước (NSNN), Chính phủ đã tiến hành các biện pháp như: áp dụng miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19; vật tư, nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô...; giảm 30% thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước...

TS. Phan Phương Nam

TS. Phan Phương Nam

Sang năm 2021, chính sách tài khóa đã tập trung miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế giá trị gia tăng (GTGT) và các loại thuế khác trong các quý III và IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19, miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ năm 2020 theo Nghị định số 92/2021/NĐ-CP...

Bên cạnh đó, hàng loạt các quy định về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế TNCN và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh; thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước… và chính sách này được tiếp tục trong năm 2021, 2022.

Về chi, trong các năm qua, các khoản chi NSNN tập trung phần lớn cho việc phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tập trung nguồn lực cho các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đánh giá của cá nhân tôi, các giải pháp này đã và đang tác động tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch, cũng như giảm bớt áp lực thuế, tác động kích cầu và hỗ trợ cuộc sống của người dân.

Nguồn: Kiểm toán Nhà nước Đồ họa: Thế Dương

PV: Những chính sách tài khóa như ông vừa nói đã được Bộ Tài chính xem xét và cân đối với mục tiêu để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19 cũng như phục hồi sản xuất kinh doanh hiệu quả nhất. Ông có đánh giá gì về việc đưa chính sách vào cuộc sống, thưa ông?

TS. Phan Phương Nam: Tôi cho rằng Bộ Tài chính đã rất chủ động trong việc đưa ra các giải pháp nhằm điều hành chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19. Trong đó, Bộ Tài chính chủ động tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội những chính sách để nhanh chóng giúp nền kinh tế gượng dậy sau đại dịch. Sự nỗ lực này thể hiện ở các giải pháp đưa ra nhằm giảm số thuế người dân, doanh nghiệp phải nộp thông qua việc miễn, giảm các loại thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT…, giúp giảm giá cả hàng hóa, dịch vụ nhằm kích cầu tiêu dùng để tạo nên đầu ra với giá cả hợp lý cho doanh nghiệp bán hàng hóa.

Bên cạnh đó, ngành Tài chính áp dụng các giải pháp bù đắp vào phần tài chính bị hụt khi áp dụng các biện pháp giảm thuế, giảm nguồn thu NSNN từ các chính sách quyết liệt của cơ quan tài chính, cơ quan thuế như tăng cường thanh kiểm tra thuế, truy thu thuế quyết liệt, xử lý các hành vi gian lận trong thuế chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh thương mại điện tử… để đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động của Nhà nước và hỗ trợ ngược lại cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có đầy đủ thông tin về các gói hỗ trợ tài chính của Nhà nước nên dẫn đến họ chưa tận dụng một cách có hiệu quả nguồn tài chính này để vượt qua khó khăn.

Đẩy mạnh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

"Đây là loại hình kinh doanh khá nhiều về số lượng nhưng chưa phát huy được hết vai trò trong nền kinh tế. Mô hình này chịu nhiều tổn thất trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, nên cần có giải pháp hỗ trợ tài chính tốt hơn để họ có cơ hội tiếp cận các quỹ tài chính để phát triển mạnh và góp phần vào sự phát trển chung của nền kinh tế". - TS. Phan Phương Nam - Phó Trưởng khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

PV: Để chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, ông có khuyến nghị gì đối với các chính sách tài khóa trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới?

TS. Phan Phương Nam: Theo tôi, chính sách Nhà nước cần xem xét và hỗ trợ ở các góc độ như đẩy mạnh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là loại hình kinh doanh khá nhiều về số lượng nhưng chưa phát huy được hết vai trò trong nền kinh tế. Mô hình này chịu nhiều tổn thất trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, nên cần có giải pháp hỗ trợ tài chính tốt hơn để họ có cơ hội tiếp cận các quỹ tài chính để phát triển mạnh và góp phần vào sự phát trển chung của nền kinh tế.

Cùng với đó, ngành Tài chính đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ, chưa rõ hoặc áp dụng sai trong việc ghi và giảm thuế suất thuế GTGT; xem xét và đơn giản hóa các quy trình, thủ tục khi hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; cần đảm bảo chính sách áp dụng đúng đối tượng thông qua việc thanh kiểm tra các doanh nghiệp và người nộp thuế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chính sách tài khóa tác động tích cực đến doanh nghiệp, người dân

TS. Phan Phương Nam cho rằng, các chính sách tài khóa đã tác động, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay thông qua những cách thức sau:

Một là, khi xảy ra dịch Covid-19 các doanh nghiệp phải tăng các khoản chi khá nhiều như "ba tại chỗ", hỗ trợ người lao động. Sau đó, nhờ quy định hướng dẫn của Chính phủ, các khoản chi này được đưa vào chi phí của doanh nghiệp giúp doanh nghiệp giảm bớt số thuế TNDN phải nộp cho nhà nước khá nhiều.

Hai là, các chính sách miễn, giảm thuế TNDN, thuế sử dụng đất, tiền thuê đất giúp cho doanh nghiệp giảm một khoản tài chính đáng kể đóng góp cho NSNN. Qua đó, doanh nghiệp có thể sử dụng khoản tài chính này để đầu tư sản xuất kinh doanh, gia tăng khả năng sinh lợi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhanh vượt qua khó khăn.

Ba là, việc giảm thuế nhập khẩu, thuế BVMT, thuế GTGT đã gián tiếp tạo điều kiện cho giá hàng hóa, dịch vụ rẻ, làm cho người dân có cơ hội tiêu dùng nhiều hơn, qua đó, doanh nghiệp có thể bán nhiều hàng hóa, cung ứng nhiều dịch vụ để nâng cao lợi nhuận.

Do vậy, các giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra không chỉ tác động tích cực đến doanh nghiệp mà còn tác động tốt đến người dân. Chính điều này đã tạo động lực cho nền kinh tế Việt Nam đã và đang hồi phục một cách nhanh chóng trong những ngày tháng gần đây.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dieu-hanh-chinh-sach-tai-khoa-hieu-qua-da-ho-tro-nen-kinh-te-nhanh-phuc-hoi-113385.html