Điều giản dị tạo nên gia đình nhỏ

GD&TĐ - Trong khuôn khổ Hội Sách mùa Thu 2016, diễn ra mới đây tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Hà Nội, NXB Kim Đồng tổ chức buổi giao lưu Lê Thúy Hà và những chuyện trà dư nhân dịp ra mắt 2 cuốn tản văn: “Con trai những ngày mẹ vắng nhà” và “Nhìn nhau trong nắng”.

Tại buổi giao lưu, những câu chuyện về gia đình, những nỗi lo cơm áo rất đàn bà đến nỗi đau đáu của một trí thức về thế sự nhẹ nhàng, cuốn hút, cảm động, xót xa và chan chứa yêu thương.

Tình yêu đến từ những điều bé nhỏ

Không phải nhà văn, nên Lê Thúy Hà không có mục đích khoe tài văn, chị viết là để nhắc nhớ về tấm lòng. Trong cuốn sách “Con trai, những ngày mẹ vắng nhà”, chị xoáy vào những điều nghịch ngợm của con trẻ để vun trồng ngôi nhà yêu thương trong lòng mình.

Theo chị, giống như bao người mẹ khác, nuôi nấng những đứa con thơ là hành trình gian lao nhưng đầy ắp tiếng cười. Chị chẳng cần tìm tới nơi xa xôi nào đó để có được nụ cười, chỉ cần quây quần bên bàn ăn, lắng nghe những câu chuyện ngộ nghĩnh của hai cậu con trai cũng đủ khiến mẹ và cả nhà cười… vỡ bụng.

Nếu đọc những mẩu chuyện dễ thương trong các bài viết: Em Su Su, Về ăn cơm, Không có tương lai, Chủ nghĩa hiện sinh… chắc chắn độc giả cũng phải bật cười thích thú.

Những bài viết của chị gần gũi, giản dị, như những lời tâm sự. Cha mẹ đã tặng cho con cái cuộc sống, nhưng cũng nhờ những đứa con thơ mà cha mẹ thêm trưởng thành.

Trở thành mẹ, mẹ không còn điệu đà nuôi bộ móng tay dài kiêu sa để sơn lên đó lớp màu xanh, đỏ. Mẹ cắt hết chúng đi, để mùa hè có thể thoải mái gãi rôm cho con.

Ngoài việc mua cho con những món đồ chơi, bố cùng con xây ngôi nhà ngộ nghĩnh bằng bìa cứng để con biết yêu giá trị của sức lao động. Cùng nuôi con khôn lớn, bố mẹ cũng trở nên gắn bó với nhau hơn.

Người xưa có câu: “Nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ”. Khi trở thành mẹ của hai cậu con trai, Lê Thúy Hà thấm thía hơn bao giờ hết điều giản dị này.

Sinh trưởng trong gia đình nhà giáo, bố mẹ của cô tuy nghiêm khắc nhưng cũng rất tâm lý, luôn ở bên cạnh động viên con khi cần, dạy con “thắng không kiêu, bại không nản”.

Không màu mè, chẳng cần trau chuốt, những bài viết giản dị, như trang nhật ký của người mẹ trẻ viết vội sau một ngày vất vả. Để sau này các con hiểu rằng: Gia đình không chỉ là cùng sống dưới một mái nhà, đó là nơi mà chúng ta nương tựa vào nhau trong cuộc sống, chia sẻ cùng nhau cả nước mắt và nụ cười.

Không chỉ làm mẹ mà còn trở thành bạn của con

Vốn là “dân” chuyên Toán Lam Sơn, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, hiện tại là một kiến trúc sư, Lê Thúy Hà có nét tư duy logic sắc sảo khi nhìn mọi vấn đề của cuộc sống xung quanh.

Thẳm sâu trong tâm hồn Lê Thúy Hà là một cá tính nghệ sĩ, lãng mạn, yêu văn chương. Lê Thúy Hà gom góp những nụ mầm rất nhỏ để làm chất liệu thiết kế trong công trình kiến trúc tình yêu của mình bằng một tấm lòng đẹp.

Trong mỗi tập sách, chị là một người mẹ, vừa chỉ dẫn, vừa chia sẻ lại vừa là người học hỏi con trẻ. Hà có nét già dặn bao dung của mẹ, lại có nét thơ ngây của một kẻ yêu tự do.

Những mẩu chuyện về con đường đến trường, xem bói, chủ nghĩa hiện sinh, đêm đầu tiên, mẹ đi công tác về.... độc giả đều dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ gia đình nào.

Có lẽ càng nhiều tuổi người ta càng hoài cổ và nhớ về những kỉ niệm. Nhớ ngôi nhà cũ, nhớ trường lớp, nhớ bạn bè xưa, nhớ những kỷ niệm đã cùng trải qua trên ghế nhà trường. Nhớ một thời tuổi trẻ dù thiếu thốn nhưng vẫn đầy hoài bão và say mê.

Nhưng nỗi nhớ khiến người phụ nữ đa cảm ấy day dứt nhất vẫn là khi nhớ về ông nội. Ông không chỉ là người thân mà còn là người bạn suốt tuổi ấu thơ, người lưu giữ cho con cháu những giá trị truyền thống.

Trải qua nhiều biến cố của đời người và thời cuộc, ông sống thật thanh thản và bình tâm. Để mỗi khi cô cháu gái ngả đầu lên chân ông, lòng cứ thế tự nhiên dịu lại.

“Nhìn nhau trong nắng” được viết nên bởi nhiều cung bậc cảm xúc của cả quá khứ và hiện tại. Nhẹ nhàng, tràn đầy xúc cảm như những trang nhật ký, người phụ nữ lắm mộng mơ có chút nổi loạn và đầy cá tính ấy đã ghi lại những kỷ niệm ăm ắp của tháng năm.

Những câu chuyện đượm buồn, vẽ lại những ảnh hình giờ chỉ còn vết dấu trong tâm trí, khiến người đọc ngẫm về miền kỷ niệm của chính mình.

Hai tập sách của Lê Thúy Hà sẽ là một trải nghiệm thú vị cho những độc giả, để thỉnh thoảng giữa ồn ào vội vã, ta biết neo vào những bé nhỏ mà yêu sự sống, mà quý mến những thời khắc đang sống. Đó thực chất cũng là điều kỳ diệu mà văn chương có thể làm được.

Tác giả của cuốn sách Lê Thúy Hà vốn là dân chuyên Toán Trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, hiện tại là một kiến trúc sư. Nhưng không vì lẽ đó mà từng câu chữ lại khô khan, cứng nhắc. Mỗi trang tác giả viết, chuyện mà như không phải chuyện, đôi khi chỉ là những ghi chép ngắn gọn rất đời thường, đơn giản nhưng ẩn sâu trong đó là những cảm xúc lãng mạn của giới khoa học.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/dieu-gian-di-tao-nen-gia-dinh-nho-2506740-b.html