Điều gì xảy ra nếu bạn nằm dài trên giường và không bước ra ngoài?

Chiếc giường là vật không thể thiếu cho giấc ngủ hằng ngày. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn nằm dài trên giường cả đời mà không ra khỏi đó?.

Chúng ta thường nghĩ ra đủ lý do để "gắn bó" với chiếc giường của mình, từ việc vẫn còn đang rất buồn ngủ vào sáng thứ hai, hay đêm hôm trước vừa có kèo ăn nhậu "tới bến" cùng chúng bạn, hoặc chỉ đơn giản là vì vẫn còn quá sớm để tỉnh giấc.

Điều gì xảy ra nếu bạn nằm dài trên giường và không bước ra ngoài?. Ảnh minh họa

Nhiều người từng tin rằng, nếu được phép, họ có thể nằm ỳ trên giường để ngủ bao lâu cũng được. Tuy nhiên, điều này về mặt khoa học thì không tốt cho cơ thể bạn một chút nào.

NASA đã từng trả tiền cho một người tình nguyện tham gia thí nghiệm nằm liên tục trên giường. Năm 2014, Drew Iwanicki được trả 18.000 đô la Mỹ cho 70 ngày nằm trên giường trong nghiên cứu về vi trọng lực, môi trường có trọng lực yếu.

Kết quả của thí nghiệm giúp các nhà khoa học tìm hiểu ảnh hưởng của những chuyến bay dài ngày lên phi hành gia. Trong thí nghiệm, Drew nằm trên giường có độ nghiêng 6 độ về phía đầu giúp máu lưu thông giống như trong tình trạng vi trọng lực.

Kết thúc thử nghiệm, ngay khi đứng dậy nhịp tim của Drew tăng đột ngột lên 150 lần/phút và ông như sụp xuống.

Đầu tiên, những cơn đau do nằm lâu sẽ xuất hiện. Sức nặng cơ thể chèn ép lên các mạch máu dưới da. Nếu bị chèn quá lâu, dinh dưỡng trong máu không đến được các mô trong cơ thể. Lâu dần những vùng này sẽ bị chết.

Sau đó, cơ thể bạn sẽ ngày càng yếu đi. Nếu không hoạt động, mỗi tuần cơ bắp của bạn mất đi 10-15% sức mạnh. Và sau khoảng một tháng, chúng mất đi phân nửa sức mạnh.

Ngoài ra, sức chịu đựng của cơ thể cũng giảm xuống. Bạn nhanh chóng cảm thấy mệt hơn. Cơ bắp và xương trong cơ thể dần tiêu biến, trọng lượng của chúng giảm sút.

Tiếp đến là hệ tim mạch bị suy yếu. Sau mỗi hai ngày nằm trên giường, nhịp tim tăng lên một nhịp trên phút. Lượng máu trong cơ thể suy giảm từng ngày. Lượng oxy theo máu đến các tế bào dần ít đi, bạn cảm thấy càng ngày càng mệt mỏi.

Hơn thế nữa, các triệu chứng tâm lý tiêu cực sẽ xuất hiện. Các cơ quan khác trong cơ thể cũng phải chịu sức ép. Sỏi thận xuất hiện và tích tụ, phổi bị tổn thương....

Cách để tỉnh táo vào sáng sớm

Làm ấm cơ mặt bằng các động tác massage

Hãy xoa hai tay vào nhau cho ấm, sau đó dùng đôi bàn tay ấm của bạn massage cho khuôn mặt, đây là một trong những cách giúp bạn tỉnh táo nhanh nhất.

Xông hơi nhẹ khoảng 1 phút cho mặt

Nếu bạn vẫn chưa thể tỉnh ngủ hẳn, hãy xông hơi cho mặt khoảng 1 phút với một ít nước đun sôi. Chỉ cần 1 phút thôi nhé bạn. Trong quá trình xông, bạn có thể há miệng rộng, cố hớp không khí nóng, để cho khí nóng đi vào cơ thể, điều này chắn chắn khiến bạn tỉnh ngủ ngay dù hôm trước có thức khuya cỡ nào.

Tiếp xúc với ánh sáng

Đồng hồ sinh học của cơ thể có sự liên kết chặt chẽ với ánh sáng. Do đó, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời là điều đầu tiên chúng ta nên làm vào buổi sáng.

Hoóc môn melatonin có tác dụng kích thích cơ thể buồn ngủ. Việc tiếp xúc với ánh sáng sẽ ngăn chặn cơ thể sản xuất melatonin, từ đó giúp chúng ta mau tỉnh ngủ hơn, theo MSN.

Ngủ đủ giấc

Quan niệm lâu nay cho rằng con người nên ngủ ít nhất 6 giờ/đêm. Tuy nhiên, thời lượng ngủ phù hợp của mỗi người mỗi khác, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Dù thế nào đi nữa thì ngủ đủ giấc là điều kiện chủ chốt giúp chúng ta có thể thức dậy tỉnh táo.

Không đặt lại nút báo thức

Khi âm thanh báo thức reo thì mọi người nên dậy ngay khi đó, không nên đặt lại báo thức để có thể ngủ thêm được vài phút. Vì khi ngủ thêm vài phút, báo thức lại reo. Lúc đó, giấc ngủ sẽ bị gián đoạn và khiến cơ thể mệt mỏi hơn, các chuyên gia khuyến cáo.

Diệu Tâm (T/H) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/dieu-gi-xay-ra-neu-ban-nam-dai-tren-giuong-va-khong-buoc-ra-ngoai-80673-9.html