Điều gì sau việc loạt sếp LienVietPostBank từ chối quyền mua cổ phiếu?

Chủ tịch HĐQT cùng tổng giám đốc và nhiều phó tổng giám đốc LienVietPostBank (mã LPB) đã đăng ký bán toàn bộ quyền mua cổ phiếu của mình từ đợt phát hành cổ phiếu thưởng gần đây.

Chào sàn UPCoM ngày 05/10 với giá 14.800 đồng, tính đến thời điểm hiện tại giá cổ phiếu LPB dao động quanh ngưỡng 13.100 đồng/cp. Trước khi lên sàn, LPB đã có nhiều xáo trộn trong cơ cấu cổ đông và nhân sự: cổ đông lớn CTCP Him Lam đã thoái sạch 14,98% vốn, trong khi đó ông Nguyễn Đức Hưởng lên làm Chủ tịch ngân hàng thay ông Dương Công Minh – người vừa đắc cử vị trí Chủ tịch của SacomBank.

Không chỉ các biến động về cơ cấu cổ đông và nhân sự, mà ngay trước khi lên sàn, LPB cũng đã khóa room ngoại về mức 5%. Đồng thời cũng được Ngân hàng nhà nước chấp thuận cho phát hành cổ phiếu chia cổ tức tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng.

Mới đây nhất, ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – LienVietPostBank đã thông báo về việc ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng, đăng ký bán toàn bộ quyền mua cổ phiếu của mình và những giao dịch mua bán cổ phiếu của cổ đông nội bộ. Nhiều nhà đầu tư đã đặt dấu hỏi, liệu điều này có gây bất lợi cho giá cổ phiếu của LienVietPostBank trong những phiên giao dịch tiếp theo?

Theo đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, ông Nguyễn Đức Cử, Phó Chủ tịch, đăng ký bán toàn bộ 9.484.000 quyền mua được phân bổ.

Vợ ông Nguyễn Đức Cử, bà Đỗ Thị Hoa cũng đăng ký bán hết 2.361.152 quyền mua được phân bổ. Bên cạnh đó, ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch, đăng ký bán 5.323.755 quyền mua trong tổng số 11.783.755 quyền mua được phân bổ.

Trong khi đó con ông Phạm Doãn Sơn, ông Phạm Doãn Phú, lại đăng ký mua 5.323.755 quyền mua. Ngoài ra, bà Lê Thị Thanh Nga, Phó TGĐ cũng đăng ký bán 70.000 quyền mua trong tổng số 141.874 quyền mua được phân bổ. Hiện nay các giao dịch đều đang dự kiến thực hiện từ 1/12 đến 11/12/2017.

Theo đó, tổng số lượng quyền mua bán ra là gần 495 nghìn quyền mua, với tỷ lệ thực hiện tương ứng là 1:1. Dường như hàng loạt lãnh đạo cấp cao đều đăng ký chuyển nhượng toàn bộ quyền mua được nhận từ đợt phát hành lần này.

Giao dịch bán quyền mua cổ phiếu của các cán bộ cấp cao tại LienVietPostBank (t/h)

Chia sẻ với báo chí trước đây, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng cũng từng cho biết chủ trương của ngân hàng là toàn bộ cán bộ nhân viên sẽ nắm giữ cổ phiếu, đồng thời mở rộng số lượng các cổ đông nhỏ.

Mục tiêu mà ông Hưởng hướng đến là đưa LienVietPostBank trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam có tất cả cán bộ nhân viên, từ vị trí bảo vệ đến chủ tịch hội đồng quản trị đều là cổ đông. Từ định hướng này, không ngạc nhiên khi nhà băng này quyết định phát hành ESOP với tỷ lệ cao (5%).

Tuy nhiên, việc lãnh đạo ngân hàng bán một lượng lớn quyền mua cổ phần do chính ngân hàng mình phát hành, theo giới đầu tư ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và khiến họ đặt dấu hỏi về hướng đi của ngân hàng trong thời gian tới…

Khi nhà đầu tư trước khi đưa ra quyết định đầu tư, đặc biệt là quyết định mua thêm cổ phần do phát hành tăng vốn, thường phải nghiên cứu rõ mục đích huy động vốn của công ty và tính khả thi của dự án mà công ty có ý định đầu tư, tránh sa vào "cái bẫy nợ nần" trong khi thị trường thì ảm đạm, gánh nặng trả lãi vay lớn và mất đi cơ hội đầu tư khác do "chết" vốn. Và đây có phải nguyên nhân mà phía lãnh đạo ngân hàng này thấy được khi đưa ra quyết định đó?

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, với cuộc chạy đua "đánh bóng" mình thông qua kênh tăng vốn, các ngân hàng cần tính đến lợi ích lâu dài, hiệu quả sử dụng vốn. Nếu tăng vốn cổ đông vượt quá hiệu quả kinh doanh thì áp lực về cổ tức sẽ tăng, thu nhập trên mỗi cổ phiếu sẽ giảm. Đây chính là điều các cổ đông nhỏ lẻ và nhà đầu tư không hề mong muốn.

Mai An

Nguồn ANTT: http://antt.vn/dieu-gi-sau-viec-loat-sep-lienvietpostbank-tu-choi-quyen-mua-co-phieu-217792.htm