Điều gì làm nên sự đổi thay của một ngôi trường?

4 năm, biết bao sự đổi thay từ thực tế một ngôi trường ở vùng ngoại ô thành phố. Thành quả ấy không phải tự nhiên mà có, là niềm tin được gây dựng từ chính những cống hiến thầm lặng của bao người, trong đó có hiệu trưởng nhà trường.

Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh

Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh

Ngôi trường thân thiện

Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh (phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai) được chính thức thành lập năm 1995. Đây là cơ sở giáo dục nằm ở vị trí đặc biệt (KCN 2 Biên Hòa và khu Tân Cảng Long Bình) với phần lớn phụ huynh là bộ đội, công nhân, công chức, viên chức. Đây vừa là thuận lợi cũng vừa là áp lực lớn của nhà trường trong công tác nâng cao chất lượng giảng dạy.

Quang cảnh xanh sạch đẹp Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh

Trải qua 25 năm, Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh luôn nhận được sự chỉ đạo sâu sát của ngành giáo dục, chính quyền địa phương và sự giúp đỡ của 20 đơn vị bộ đội kết nghĩa, các tổ chức xã hội-đoàn thể, hội cha mẹ học sinh và nhân dân, giúp nhà trường vượt qua những khó khăn để đạt được những thành quả đáng trân trọng trong thời kỳ 4.0.

Cô Nguyễn Thị Lạng - Hiệu trưởng nhà trường vẫn không thể quên được hình ảnh những ngày đầu về trường nhận nhiệm vụ. Nhìn quang cảnh trường lúc đó chỉ biết thở dài. Không biết phải dùng từ ngữ nào để miêu tả. Tường rào sụp đổ, bảng tên trường ngả màu hoen úa. Bàn ghế cũ nát, mối mọt, các vách tường mốc meo, hệ thống điện nham nhở. Khu vực vệ sinh không có cửa che chắn, đen sì, bốc mùi nồng nặc. Hệ thống nước rửa thì bị hư hỏng gần hết. Ao rác trong một góc sân trường sình lầy cỏ dại. Một phần ba sân trường chằng chịt um tùm cỏ dại và rác.

Nhà trường vận động các mạnh thường quân hỗ trợ kịp thời các học sinh mắc bệnh hiểm nghèo

Trường cũng chưa có quyền sử dụng đất, có khoảng 10 dãy phòng học cấp 4 nhưng lại không phải được nhà nước xây dựng cùng một lúc mà do các đơn vị bộ đội, các tổ chức xã hội và phụ huynh của nhà trường xây dựng dần theo thời gian để đáp ứng nhu cầu học sinh tăng lên hàng năm. Tuy nhiên, nhờ tâm huyết, sự quyết liệt của BGH nhà trường trên tinh thần tập trung dân chủ từ mọi nguồn lực qua nhiều năm để có được trường lớp khang trang, khuôn viên xanh sạch đẹp, đáp ứng được việc học và dạy như ngày nay.

Số lượng học sinh và số lớp luôn tăng đều qua các năm học gần đây: 2014-2015 có 2.975 học sinh với 64 lớp, 2015-2016 là 3.289 học sinh với 64 lớp, 2016-2017 là 3.429 học sinh với 69 lớp, 2017-2018 là 3.717 học sinh với 73 lớp và 2018-2019 là 3.938 học sinh với 76 lớp.

Chỉ vào một góc khuôn viên trường, cô Nguyễn Thị Lạng - Hiệu trưởng nhà trường vui mừng: “3 năm trước, nơi đây là cái ao nước toàn là rác và rác, hôi hám, cỏ dại chi chít thế mà bây giờ, nơi đây đã là sân bóng đá mini cho học sinh vui chơi, tập luyện hàng ngày. Đó là cả một sự nỗ lực khá lớn của tập thể giáo viên, CB-CNV nhà trường… Khó mấy chỉ cần kiên trì là làm được.”

Những hoạt động hữu ích dành cho thầy cô nhân dịp 20-11

Cùng tâm trạng, ông Vũ Hoàng Hải – Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường cho biết, giờ đã không còn cảnh như những năm trước chật vật, khó khăn đủ thứ, ảnh hưởng đến việc học và dạy của nhà trường. Điều đập vào mắt đầu tiên khi bước vào trường bây giờ là cảnh quan xanh – sạch – đẹp. Một cảm giác thoải mái, yên bình, thân thiện, an toàn bởi những hàng cây xanh, những trang thiết bị đủ đầy, những phòng học tiện nghi, những công trình công cộng (nước uống, nhà vệ sinh) sạch sẽ… Trong đó không thể không nhắc đến vai trò của cô Hiệu trưởng nhà trường – người luôn nhất quán, dân chủ, minh bạch trong từng bước đi của nhà trường ngay từ những ngày đầu tiên về trường.

Ngôi trường hạnh phúc

Cô Nguyễn Thị Lạng cho rằng: “Một môi trường giáo dục tốt phải là nơi mà “mỗi ngày đến trường là ngày vui” và học sinh phải tự cảm thấy đó là thế giới thuộc về các em. Các em được vui hết mình, chơi hết thẩy, học được nhiều thứ hữu ích cho hành trang vào đời sau này. Ở đó phải là môi trường “trong sạch”, không có sự ganh đua quyền chức, danh vọng trong thầy cô lẫn học sinh. Nên điểm số chưa phải là thước đo đánh giá học sinh. Điều cần thiết là học sinh phải tự thấy mình được sống một đời sống lành mạnh, vui tươi, ý nghĩa khi ở trường.

Đồng thời, nếu người thầy, người cô không xem trọng học sinh và đồng nghiệp của mình, không nuôi dưỡng trong mình những giá trị bao dung và yêu thương thì rất dễ tự cho mình quyền lực đi quá giới hạn.”

Câu chuyện thành tích, tham vọng quyền lực nhan nhản thời gian qua như là bài học đắc nhân tâm đáng để ngẫm suy. Điều này khiến xã hội, phụ huynh, học sinh mất lòng tin và có nhiều định kiến không tốt và phần nào đó làm nhạt đi những cống hiến thầm lặng của bao thầy cô. Khi một ngôi trường nội bộ lình xình thì chẳng thầy cô nào còn tâm huyết, còn thời gian để quan tâm đến niềm vui, hạnh phúc của người học. Việc xây dựng lại môi trường đoàn kết, tạo động lực làm việc cho viên chức và người lao động là tâm niệm của những người làm công tác quản lý giáo dục. Với tâm huyết của người đã có hơn 30 năm hoạt động giáo dục và sẽ về hưu theo luật định (2020), tâm niệm cuối đời của cô Nguyễn Thị Lạng là xây dựng sự bình yên cho ngôi trường. Muốn kỳ vọng "mỗi ngày đến trường là ngày vui" thì trước hết phải có một môi trường sư phạm trong sạch.

Với tâm niệm của những người theo đuổi sự nghiệp trồng người luôn mong muốn “mỗi ngày đến trường là ngày vui” với các em.

Thực tế về sự đổi thay của ngôi trường (từ cơ sở vật chất cho đến chuẩn trình độ giáo viên) như một minh chứng. Từ chuyện thiếu lớp học, thiếu giáo viên đạt chuẩn, cho đến cơ sở khang trang, đạt chuẩn xanh sạch đẹp, 100% giáo viên đạt trên chuẩn, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin trong giảng dạy, họp phụ huynh vào buổi tối và trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định là hành trình tâm huyết của biết bao con người trong vòng 3 năm.

Cách mà cô Nguyễn Thị Lạng đã và đang hướng đến thực hiện nhằm xây dựng một ngôi trường hạnh phúc, giúp cho phụ huynh có một cái nhìn mới về giáo dục khi cảm nhận được những điều hạnh phúc mà dường như đang bị lãng quên trong cuộc sống hàng ngày. Hạnh phúc thật sự sẽ đến từ nội tâm bình an và vững chãi ở bên trong mỗi thầy trò.

Cô Lạng cũng nhấn mạnh, giáo dục không chỉ là hướng học sinh vào sự phát triển trí tuệ mà còn phải chú trọng xây dựng nhân cách, rèn luyện nghị lực mỗi ngày. Quan trọng hơn là cần tạo nên một môi trường giáo dục hạnh phúc là nơi mà những hạt mầm yêu thương và bình an được gieo vào tâm hồn tinh khôi của học sinh.

Những hoạt động bổ ích thường xuyên được Trường tổ chức cho học sinh

Bên cạnh việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, hạnh phúc thì cũng cần song hành là làm được và lan tỏa những điều tử tế trong cộng đồng. Cách giản đơn nhất có thể là hãy để thầy trò là chủ thể từ những hành động tử tế của bản thân từng trải. Và biết đâu, từ những điều khiến phụ huynh, học sinh và giáo viên mất niềm tin thì khi làm được và lan tỏa được những điều tử tế ấy nhìn về gia đình rồi trông ra cộng đồng sẽ thấy thêm yêu và thêm trân quý những giá trị cuộc sống giữa bộn bề, hối hả, ngổn ngang và đầy nhiễu nhương này.

Đó không phải chính là mục tiêu của giáo dục hay sao, hướng đến công nghệ tân tiến, giàu bản sắc văn hóa, môi trường xanh sạch đẹp và con người lịch thiệp. Nếu làm được thì tốt hơn hết nên bắt đầu từ hệ thống giáo dục phổ thông. Bởi, đầu tư cải thiện chất lượng giáo dục sẽ kéo các lĩnh vực khác cùng tiến bước trên con đường thành công.

Trương Hổ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dieu-gi-lam-nen-su-doi-thay-cua-mot-ngoi-truong-142498.html