Điều gì 'khuất tất' đằng sau bản hợp đồng chuyển nhượng không số?

Việc hợp đồng chuyển nhượng không số, người chuyển nhượng nói không ký vào hợp đồng và vợ người ký chuyển nhượng cũng không biết, không ký và không đồng ý cho chồng mình định đoạt tài sản chung, là câu chuyện xảy ra đối với thửa đất số 56-3, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh (Phú Thọ). Đáng chú ý, việc chỉ đại diện chủ hộ ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhưng vẫn trót lọt định đoạt tài sản chung là tình trạng phổ biến tại địa phương này.

Thửa đất bị chuyển sang chủ khác mà ông Tuấn không hề hay biết. Ảnh: TA

Ông Nguyễn Anh Tuấn đã được UBND huyện Phù Ninh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) số 56-3, tờ bản đồ số 10, diện tích 329,4m2 đất (trong đó 200m2 đất thổ cư và 129,4m2 đất vườn) vào sổ số 001443, ngày 30/7/2004.

Sau khi được cấp “sổ đỏ” khoảng 2 tuần, ngày 16/8/2004, xuất hiện một hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ của ông Nguyễn Anh Tuấn với bà Ngô Thị Sau. Theo bản hợp đồng do Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Phù Ninh cung cấp, về thể thức, hợp đồng được lập không có số. Đây là hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ của ông Tuấn (là con trai) chuyển nhượng cho bà Sau (mẹ đẻ). Hợp đồng có sự xác nhận, ký đóng dấu của Chủ tịch UBND thị trấn Phong Châu (ngày 16/8/2004); xác nhận, ký đóng dấu của Trưởng phòng Địa chính huyện Phù Ninh (ngày 23/8/2004) và được ký, đóng dấu bởi Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh, thời điểm đó là Hoàng Ngọc Xuyến (nhưng không ghi ngày, tháng, năm).

Theo phản ánh của ông Tuấn, tháng 3/2018, vợ chồng ông định cải tạo lại thửa đất 56-3 để làm nhà xưởng cho thuê nhưng khi đến khu đất mới biết đất đã được giao cho bà Nguyễn Thị Trường (chị gái ông Tuấn) sinh năm 1957, thường trú tại khu Rừng Mận, thị trấn Phong Châu.

Hoàn toàn bất ngờ, đến chính quyền địa phương làm việc thì ông Tuấn mới biết có sự tồn tại của hợp đồng chuyển nhượng (ngày 16/8/2004) mang tên ông là người đại diện chủ hộ ký chuyển nhượng cho bà Sau.

Tại buổi làm việc của phóng viên Báo Thanh tra với Phòng TN&MT huyện Phù Ninh, lãnh đạo phòng này xác nhận thửa đất mang tên ông Tuấn đã được làm hợp đồng chuyển nhượng cho bà Sau (ngày 16/8/2004), sau đó bà Sau tiếp tục chuyển quyền cho bà Trường (là con gái bà Sau) và bà Trường lại tiếp tục chuyển quyền cho bà Nguyễn Thị Thu (là con gái bà Trường).

Theo phản ánh của ông Tuấn, ông không hề biết và cũng không ký vào hợp đồng chuyển nhượng cho bà Sau. Chữ ký vào bản hợp đồng trên khi được xem lại tại cơ quan chuyên môn, ông Tuấn khẳng định hoàn toàn không phải của mình.

Như vậy, điểm mấu chốt của hợp đồng chuyển nhượng “không số” ngày 16/8/2004, đó là bên chuyển nhượng khẳng định không ký. Vậy nếu đó là sự thật thì chính quyền địa phương thị trấn Phong Châu và huyện Phù Ninh tại sao lại chuyển nhượng QSDĐ đối với thửa 56-3?

Chữ ký của ông Tuấn tại hợp đồng chuyển nhượng ngày 16/8/2004 (ảnh trên) và chữ ký hiện tại của ông Tuấn. Ảnh: TA

Đem thắc mắc này chuyển tới lãnh đạo Phòng TN&MT Phù Ninh để làm rõ về việc “trong trường hợp chỉ mình ông Tuấn ký chuyển nhượng thì hợp đồng trên có hợp pháp, đúng quy định, trình tự, thủ tục hay không?”. Điều bất ngờ là vị lãnh đạo phòng quản lý Nhà nước cao nhất về lĩnh vực tài nguyên môi trường của huyện này lại trả lời: “Xin phép không trả lời câu hỏi này”.

Nhận thấy, có dấu hiệu khuất tất, phóng viên đề nghị vị này cung cấp thêm hợp đồng chuyển nhượng hoặc cho tặng từ bà Sau sang bà Trường và từ bà Trường sang bà Thu thì Phòng TN&MT lấy nhiều lý do: Phải xin ý kiến lãnh đạo huyện, rồi do quá trình lưu trữ nhiều hồ sơ... nên chưa cung cấp được.

Thực tế, tại biên bản làm việc ngày 12/9/2018 do UBND thị trấn Phong Châu tổ chức đã kết luận: “Thửa đất 56-3 đã được cấp QSDĐ hợp pháp cho ông Tuấn và vợ là Lê Thị Giang. Đến nay, thửa đất đã được cấp QSDĐ sang cho bà Nguyễn Thị Thu trong khi ông Tuấn, bà Giang không được biết đến việc chuyển nhượng. Ông Tuấn, bà Giang và bà Trường đều không xuất trình được các giấy tờ chuyển nhượng tại buổi làm việc. Do đó, hòa giải tranh chấp là không thành”.

Về phía bà Giang, với tư cách là vợ ông Tuấn, người có chủ quyền đối với thửa đất 56-3 nêu trên cũng khẳng định lại với phóng viên không hề biết đến hợp đồng chuyển nhượng giữa chồng bà với bà Sau, lại càng không đồng ý, nếu hợp đồng đó là thật, thì đó là tài sản chung của hai vợ chồng được pháp luật công nhận.

Theo quan điểm của luật sư, về nguyên tắc định đoạt tài sản, hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 16/8/2004 (nếu có) thì phải có đầy đủ chữ ký của vợ chồng ông, bà (Nguyễn Anh Tuấn, Lê Thị Giang). Chỉ mình ông Tuấn cũng không có quyền để định đoạt tài sản chung hai vợ chồng. Trường hợp hợp đồng được lập mà không có chữ ký của người vợ thì công dân có quyền làm đơn kiến nghị, phản ánh, tố cáo... Các cơ quan chức năng huyện Phù Ninh phải có trách nhiệm xác minh, làm rõ. Trường hợp cần thiết thì phải hướng dẫn và làm thủ tục gửi đi trưng cầu giám định chữ ký của ông Tuấn. Nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận chữ ký giả mạo thì thậm chí còn có dấu hiệu hình sự.

Như vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy đằng sau hợp đồng chuyển nhượng thửa đất 56-3 không số ẩn chứa những khuất tất và thiếu minh bạch, đặc biệt là việc chủ sở hữu là ông Tuấn có ký vào hợp đồng hay không? Và nếu có ký thì việc vợ ông Tuấn không biết và không ký vào hợp đồng chuyển nhượng để định đoạt tài sản chung của 2 vợ chồng thì việc chuyển nhượng có đúng quy định hay không?... Đây là những vấn đề cần được UBND huyện Phù Ninh và các cơ quan có trách nhiệm liên quan làm rõ.

Tràng An

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/dieu-gi-khuat-tat-dang-sau-ban-hop-dong-chuyen-nhuong-khong-so_t114c39n142801