Điều gì khiến Việt Nam trở thành quốc gia có những nét đặc biệt?

'Là quốc gia đa sắc tộc (54 dân tộc), cùng với một câu chuyện đã được khẳng định là có ngày Quốc giỗ, có một vị Quốc tổ, hàng năm đều có nghi lễ tổ chức, điều đó cho thấy chúng ta là quốc gia có những nét rất đặc biệt' - TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội và phát triển, chuyên gia về tôn giáo và tín ngưỡng, nói như vậy khi trò chuyện với phóng viên Dân Việt.

Thưa ông, có lẽ trên thế giới chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta có chung một ngày Giỗ Tổ, đây rõ ràng là một nét đặc trưng của văn hóa Việt?

- Trở lại lịch sử, cho đến ngày nay với những phát triển của khoa học và những thành tựu của khảo cổ và rất nhiều bằng chứng để chúng ta khẳng định rằng: Ngoài tương truyền thì còn có những bằng chứng cho thấy nước Việt của chúng ta ngày nay là sự kế thừa của nhà nước Văn Lang, còn trước nữa là nước Xích Quỷ.

Rước lễ dâng các Vua Hùng ngày Giỗ Tổ (mùng 10.3 âm lịch) tại Đền Hùng, Phú Thọ. PHƯƠNG THANH

Rước lễ dâng các Vua Hùng ngày Giỗ Tổ (mùng 10.3 âm lịch) tại Đền Hùng, Phú Thọ. PHƯƠNG THANH

Vị Quốc tổ chỉ có một, thời gian qua có một số nơi ở các tỉnh phía Nam cũng làm đền thờ Vua Hùng, ông có suy nghĩ gì về chuyện này?
- Hiện nay chúng ta thấy một số vùng ở miền Nam nhân dân các tỉnh khó có điều kiện để ra Phú Thọ nên họ có thể làm nơi để thờ Quốc tổ, ví dụ như TP.HCM có nơi để nhân dân các tỉnh miền Tây và các tỉnh lân cận có thể đến tưởng niệm và tổ chức ngày giỗ cho vị Quốc tổ. Lúc lập đền Hùng trong miền Nam cũng có nhiều ý kiến, nhưng tôi nghĩ đây là điều cần thiết, nó vừa mang ý nghĩa tạo điều kiện cho người dân, thứ hai khi người dân đến sẽ biết rõ hơn về lịch sử quốc gia, truyền thống dân tộc và điều quan trọng nữa là lĩnh hội được văn hóa gốc của người Việt. Có thể sau này một vài nơi nữa sẽ có đền thờ Quốc tổ, tôi cho đó là điều bình thường.

Câu chuyện có những tộc người mạnh lên và có những thủ lĩnh tài năng giúp cho cả khu vực phát triển là câu chuyện hoàn toàn có thật. Từ đó càng khẳng định chúng ta có vị Quốc tổ, vị này xây dựng nước Việt và truyền 18 đời.

Nếu quay ngược thời gian trước cả thời đại của Hùng Vương, nghĩa là nước Xích Quỷ, khu vực này cư dân Việt đã có đời sống và canh tác lúa nước rất lâu đời. Có điều khó là chữ viết chưa có (giai đoạn tiền chữ viết) nên lịch sử đều qua truyền thuyết và huyền thoại.

Tôi cho rằng với những bằng chứng của khảo cổ học, ngôn ngữ và văn hóa hiện đại thì có thể khẳng định người Việt chúng ta đã có nền văn hóa lâu đời, đặc biệt đã xây dựng nền văn hóa đặc sắc ở khu vực đồng bằng sông Hồng và ảnh hưởng khá rộng lớn ra xung quanh.

Truyền thuyết về Âu Cơ đẻ trăm trứng là mang tính biểu trưng văn hóa, tính biểu trưng này cho chúng ta thấy rằng những cư dân không cùng nhóm ngôn ngữ (nước Việt chúng ta có mấy nhóm ngôn ngữ như Việt-Mường, Mon-Khme, Thái-Kađai… đây là những nhóm ngôn ngữ chính đang lưu hành rộng lớn) nhưng có chung một nền văn hóa gốc.

Đây không chỉ đơn giản câu chuyện về đoàn kết dân tộc mà điều lớn hơn rất nhiều, ở chỗ tộc người trong một cùng khu vực thì có sự ảnh hưởng giao lưu, giao thoa và cộng tác với nhau. Cho đến ngày nay nước Việt chúng ta có 54 tộc người, đây là tài sản rất lớn về văn hóa, không phải quốc gia nào cũng có.

Tôi lấy ví dụ, một quốc gia mà chỉ có một tộc người, thì chỉ nghiên cứu một phần lớp lang là hết. Còn với chúng ta, để hiểu một cách cơ bản với các tộc chính thì phải rất công phu, bởi đó như bức tranh nhiều mảnh ghép đa sắc, đa văn hóa.

Về vị trí địa lý, nước ta nằm ở vị trí đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á và châu Á –Thái Bình Dương. Với sự đa sắc tộc như đã nói ở trên, với một câu chuyện đã được khẳng định là có ngày Quốc giỗ, có một vị Quốc tổ, hàng năm đều có nghi lễ tổ chức, điều đó đã làm cho chúng ta trở thành quốc gia có những nét rất đặc biệt.

Nếu nói một cách ngắn gọn nhất, theo ông thời đại Hùng Vương để lại cho chúng ta những giá trị gì?

- Về mặt vật chất thì câu chuyện về bánh chưng, bánh giầy, sản phẩm này được làm từ những sản vật nông nghiệp rất cụ thể. Nhìn rộng hơn đó là tính tượng trưng rất lớn về mặt ý tưởng của người Việt, tức là người Việt thờ trời đất, tôn trọng trời cha, đất mẹ, thực hiện các nghi lễ của mình là để hướng về điều đó.

Còn cụ thể hơn nữa đó là truyền thống tôn trọng những giá trị của tổ tiên. Nhân đây tôi xin nói rộng hơn một chút, có lẽ so với các dân tộc khác duy nhất người Việt trong nhà có bàn thờ tổ tiên, đó là cách để tưởng nhớ.

"Việc tưởng n hớ, luôn luôn ghi nhận công lao của tổ tiên thể hiện bằng tín ngưỡng, bằng các hình thức khác, từ đó khẳng định thêm tính nhân văn trong văn hóa Việt. Đấy cũng chính là giá trị văn hóa căn cốt của người Việt, nó là hành trang của người Việt đi tới tương lai”.

TS Nguyễn Văn Vịnh

Ở khía cạnh khác, bắt đầu từ câu chuyện Vua Hùng để thấy người Việt đã có nền văn minh nông nghiệp khá hoàn thiện và đầy đủ. Hiện nay chúng ta có nhiều bằng chứng khảo cổ về công cụ sản xuất.

Ngoài ra còn có bằng chứng người Việt sử dụng đất để làm ra sản phẩm không chỉ nông nghiệp, tôi cho rằng đây là một tộc người rất sớm làm ra những vật dụng như gốm sứ. Vật liệu được lấy từ đất gần gũi, thân thuộc, kết hợp với lửa tạo ra sản phẩm, những sản phẩm đó ghi lại dấu ấn của dân tộc qua những giai đoạn phát triển rất dài.

Điều đó củng cố thêm bằng chứng để thấy dân tộc ta đã ở trên mảnh đất này nhiều nghìn năm và tạo ra nền văn minh đặc biệt, nền văn minh giàu tính nhân văn.

Điều đó thể hiện thế nào, đó là luôn luôn nhớ về nguồn cội, nhớ về vị Quốc tổ, trong gia đình có tổ tiên. Đây là truyền thống rất tốt đẹp ngoài chuyện giữ gìn thì sẽ truyền rất lâu nữa sau này.

Có ý kiến cho rằng, nền văn minh từ thời đại Hùng Vương so với thời đại ngày nay có sự biệt rất lớn, như vậy làm thế nào để chúng ta có thể phát huy giá trị truyền thống, thưa ông?

- Điều này đúng là nói rất khó, trước hết ai cũng thấy cách thức sản xuất xã hội giữa các thời kỳ đã khác nhau rất nhiều. Trước đây chúng ta là nền văn hóa nông nghiệp, nghĩa là chủ yếu dựa vào các sản xuất nông nghiệp. Còn hiện nay đến giai đoạn của nền văn minh trí tuệ, những quá trình phát triển của khoa học công nghệ mà người ta hiện hay gọi là 4.0.

Việc giữ gìn và phát huy truyền thống trên cơ sở ý thức về văn hóa, nghĩa là những biểu trưng văn hóa, biểu tượng văn hóa, khi những truyền thống đã trở thành văn hóa thì không thay đổi được.

Những truyền thống đó là gì: Như câu chuyện chinh phục thiên nhiên là câu chuyện bất cứ lúc nào con người cũng phải có hoạt động để tạo ra đời sống của mình một cách tối ưu. Điều thứ hai tôi nghĩ quan trọng hơn, tức là ý thức về sự tồn tại của một quốc gia, một dân tộc phải có sự truyền tiếp từ thời trước đến thời sau, và điều đó dựa vào một trong những nét riêng.

Tôi ví dụ nói về truyền thống yêu nước mà cho rằng chỉ có người Việt yêu nước là không đúng, trên thế giới chẳng có dân tộc nào là không yêu nước.

Nhưng cách thức để chúng ta thể hiện khác, việc tưởng nhớ, luôn luôn ghi nhận công lao của tổ tiên thể hiện bằng tín ngưỡng, bằng các hình thức khác, từ đó khẳng định thêm tính nhân văn trong văn hóa Việt. Đấy cũng chính là giá trị văn hóa căn cốt của người Việt, nó là hành trang của người Việt đi tới tương lai.

Xin cảm ơn ông!

Lương Kết

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/dieu-gi-khien-viet-nam-tro-thanh-quoc-gia-co-nhung-net-dac-biet-971339.html