Điều gì khiến Mỹ phải nhờ 'lão tên lửa'... ra oai

Tên lửa được trang bị 3 đầu đạn, phóng từ căn cứ không quân Vandenberg và bay được 6.760 km, sau đó rơi xuống quần đảo Marshall.

“Lão tên lửa” Mỹ ra oai

Ngày 4/8 vừa qua, Mỹ đã thử thành công tên lửa liên lục địa (ICBM) Minuteman III, lần thứ hai trong vòng 6 tháng qua. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ, tên lửa được trang bị 3 đầu đạn, phóng từ căn cứ không quân Vandenberg, bang California và bay được 6.760 km, sau đó rơi xuống quần đảo Marshall ở khu vực Thái Bình Dương.

Tương tự lần thử ngày 5/2 trước đó, Không quân Mỹ khẳng định vụ thử này đã được lên kế hoạch từ nhiều tháng và không "nhằm đáp trả hoặc phản ứng về những sự kiện trên thế giới hoặc căng thẳng trong vùng".

Tuy nhiên giới phân tích tỏ ra hoài nghi trước tuyên bố này trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, trong đó Bắc Kinh cũng liên tục phô trương năng lực tên lửa của mình.

Hình ảnh "mờ ảo" vụ phóng thử hôm 4/8 được báo chí Mỹ đăng tải

Hình ảnh "mờ ảo" vụ phóng thử hôm 4/8 được báo chí Mỹ đăng tải

Trong bản báo cáo liên quan đến quá trình hiện đại hóa của Hải quân Trung Quốc được cập nhật ngày 30/7 vừa qua, Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ nhấn mạnh đến việc Hải quân Trung Quốc đã sở hữu rất nhiều vũ khí tiên tiến, trong đó có tên lửa chống hạm (ASBM), tên lửa hành trình chống hạm (ASCM), tàu ngầm, tàu chiến, thiết bị bay không người lái, máy bay chiến đấu và nhóm chức năng quân sự C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính; tình báo quân sự; giám sát, thu thập thông tin về mục tiêu và trinh sát).

Có ý kiến cho rằng việc Mỹ “lơ là” khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong 2 thập niên để tập trung vào Trung Đông và Afghanistan đã tạo cho Trung Quốc cơ hội phát triển lực lượng hải quân hùng hậu, có khả năng bảo vệ bờ biển, ngăn Mỹ tiến gần.

Theo đó, Trung Quốc hiện có khả năng cạnh tranh, thậm chí trội hơn Mỹ về năng lực tên lửa. Trung Quốc có được lợi thế nhờ không tham gia các hiệp ước hạn chế vũ khí hoặc tên lửa tầm trung như Nga và Mỹ.

Lợi thế này có được là nhờ Trung Quốc không tham gia các hiệp định hạn chế vũ khí hoặc tên lửa tầm trung như Nga và Mỹ đã ký kết. Có thông tin cho rằng Bắc Kinh đã triển khai khoảng 2.000 ICBM hoặc tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.

Từ khi rút khỏi INF, Mỹ liên tiếp thử tên lửa các loại

Nếu không rút khỏi Hiệp ước về các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), theo đó quy định các bên phải hủy bỏ tất cả các bệ phóng và tên lửa đất đối đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km, Mỹ không thể tiến hành các vụ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất hoặc ICBM.

Lần lượt vào tháng 12/2019, tháng 2 và 8/2020, quân đội Mỹ đã tiến hành thử ICBM Minuteman III. Đây là loại tên lửa được triển khai tại ba căn cứ quân sự Mỹ ở Wyoming, Bắc Dakota và Montana.

Hãng tin AFP dẫn lời Đại tá Omar Colbert, Chỉ huy vụ thử ngày 4/8, cho biết Minuteman III được chế tạo cách đây 50 năm tiếp tục "được thử nghiệm để bảo đảm độ tin cậy cho đến năm 2030, khi Dự án Vũ khí đánh chặn chiến lược trên bộ (GBSD) được triển khai thay thế".

Phô trương sức mạnh và đổ lỗi

Trong khi đó, Trung Quốc cũng phô trương năng lực tên lửa của mình, trong đó có khả năng tấn công tàu sân bay.

Mới đây, Lực lượng Tên lửa của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phóng một tên lửa đạn đạo chống hạm tầm trung DF-26, có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân, như một phần của một cuộc tập trận đang diễn ra.

Theo một số nguồn tin, DF-26 có tầm bắn ước tính 4.500 km, qua đó đặt các cơ sở quân sự của Mỹ ở Guam, Darwin và trên vùng lãnh thổ hải ngoại Diego Garcia của Anh vào trong tầm bắn.

Động thái diễn ra sau khi Mỹ cử các tàu tới Biển Đông tập trận. Sau đó các tàu này tham gia diễn tập hải quân chung cùng Nhật Bản, Ấn Độ tại Ấn Độ Dương và Biển Philippines.

Tên lửa DF-26 của Trung Quốc được quảng bá là "sát thủ tàu sân bay"

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, lực lượng tên lửa của PLA gần đây đã khởi động một cuộc diễn tập đối đầu xuyên khu vực, hành quân xuyên rừng, và mô phỏng các vụ tấn công hóa học thù địch bằng các phương tiện tên lửa được ngụy trang để tránh bị vệ tinh phát hiện.

Khi đến một vùng sa mạc, các binh sĩ Trung Quốc được lệnh phóng tên lửa này. Kênh CCTV của Trung Quốc nói rằng cuộc tập trận đã "mài dũa năng lực phản ứng nhanh của binh sĩ Lực lượng Tên lửa".

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping bình luận: "Mỹ cần hiểu rõ rằng PLA (hiện nay) không còn như năm 1995 hay 1996. Trung Quốc đã có năng lực có thể khiến Mỹ mất tàu sân bay, và đây là năng lực răn đe quan trọng mà Trung Quốc cần thể hiện, nó có thể cho thấy quyết tâm vững chắc của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ".

Mặc dù công khai phô trương sức mạnh tên lửa, song người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 4/8 tuyên bố, Trung Quốc kiên quyết phản đối kế hoạch của Mỹ triển khai tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tại châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu.

Trung Quốc luôn phô trương năng lực tên lửa trong các cuộc duyệt binh

Người phát ngôn này dẫn lại đánh giá của Nga về quyết định của Mỹ khi chấm dứt INF để nhấn mạnh mục đích thật sự của Mỹ.

Ông Uông Văn Bân cho biết, sau khi Mỹ chính thức rút khỏi INF, nước này tiếp tục rút khỏi các tổ chức và hiệp ước, liên tiếp thông báo không ký Hiệp ước Buôn bán vũ khí (ATT), rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, đơn phương nới lỏng các tiêu chuẩn về kiểm soát xuất khẩu của Cơ chế Kiểm soát công nghệ tên lửa về các hệ thống không người lái trên không. Ngoài ra, Washington vẫn chưa đồng ý gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).

Ông Uông Văn Bân khẳng định những động thái tiêu cực này của Mỹ đã gây tổn hại nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh khu vực cũng như toàn cầu, ảnh hưởng tới công tác kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị quốc tế, hạ thấp sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nước lớn, làm suy yếu sự ổn định chiến lược toàn cầu, ngoài ra còn cho thấy mục đích của Mỹ là theo đuổi chủ nghĩa đơn phương và sự chi phối về quân sự".

Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF một năm trước là sai lầm nghiêm trọng. Moscow cho hay sau khi thông báo quyết định rút khỏi, Mỹ đã lập tức thông qua chính sách hoàn tất việc phát triển những vũ khí mà trước đó bị hạn chế theo hiệp ước, qua đó tiết lộ kế hoạch triển khai tên lửa hiện đại tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Mỹ muốn đưa Trung Quốc vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí cùng với Nga

Theo báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ, quân đội Trung Quốc được hiện đại hóa, có khả năng tác chiến cao, sẵn sàng can thiệp quân sự vào Đài Loan nếu thấy cần thiết; khống chế và chiếm hữu Biển Đông từ các nước láng giềng, bảo vệ thương mại hàng hải của Trung Quốc đến tận vùng Vịnh để đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định vị trí cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.

Để đối phó, giới chuyên gia quân sự Mỹ, như giáo sư James Holmes và Toshi Yoshihara thuộc trường Hải chiến Mỹ gợi ý Mỹ có thể lập vòng vây tên lửa lưu động trên tàu chiến được triển khai trong khu vực hoặc cố định trên những chuỗi đảo của Mỹ ở Thái Bình Dương hoặc ở Nhật Bản.

Từ góc nhìn quân sự, Philippines được cho là điểm khóa chốt cho vòng vây này. Tuy nhiên, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa cấm quân đội Philippines tham gia tập trận với Mỹ.

Ngoài ra, đội bay Super Hornet của Hải quân Mỹ cũng như máy bay ném bom B-1 của Không quân được trang bị tên lửa chống hạm Lockheed Martin cũng sẽ được tăng cường yểm trợ trong trường hợp cần thiết.

Theo nhận định của Robert Haddick, cựu sĩ quan của Hải quân Mỹ, hiện là nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchelle, vụ thử ICBM ngày 4/8 một lần nữa khẳng định chiến lược "phát triển tên lửa tầm xa tấn công từ mặt đất và ASCM" của Mỹ vì đây là phương tiện nhanh nhất để xây dựng lại hỏa lực tầm xa ở vùng Tây Thái Bình Dương.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/dieu-gi-khien-my-phai-nho-lao-ten-lua-ra-oai-3415861/