Điều gì khiến đảng chính trị của Thủ tướng Abe mất phiếu?

Giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này là chính đảng mới của Thống đốc Tokyo, bà Yuriko Koike và các đồng minh chính trị...

Reuters đưa tin, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phải hứng chịu thất bại lịch sử trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo diễn ra vào ngày 2/7 vừa qua.

Giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này là chính đảng mới của Thống đốc Tokyo, bà Yuriko Koike và các đồng minh chính trị. Đảng Công dân Tokyo trước tiên (TCF) của bà Koike giành được 79/127 ghế của Hội đồng thành phố Tokyo.

Đảng Dân chủ Tự do chỉ giành được 23 ghế - kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử của đảng chính trị truyền thống này trong một cuộc bầu cử tại thủ đô Tokyo. Nhiệm kỳ trước LDP còn giành được tới 57 ghế.

Thống đốc Tokyo, Yuriko Koike

"Chúng ta phải thừa nhận đây là một thất bại lịch sử", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, thành viên LDP, Shigeru Ishiba lên tiếng, theo NHK.

Thống đốc Tokyo Koike là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, là cựu thành viên LDP. Một năm trước, bà đã trở thành nữ thống đốc đầu tiên của Tokyo sau khi đưa ra nhiều hứa hẹn cải tổ điều hành ở thủ đô có dân số tới 13,7 triệu người này.

"Tôi rất phấn khởi với kết quả này, nó vượt ra ngoài mong đợi của chúng tôi, nhưng cũng đồng thời ý thức được trọng trách của mình", bà Koike thể hiện quan điểm trước chiến thắng.

Trong khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố chấp nhận thất bại của LDP và cho biết sẽ tiếp tục làm việc tốt hơn để lấy lại niềm tin của công chúng.

Dư luận rất bàng hoàng trước việc đảng chính trị của Thủ tướng Abe thất bại. Bởi một năm trước LDP còn có chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử lại 1/2 Thượng viện, vậy nay lại có một thất bại lịch sử. Điều gì khiến LDP lại thất bại như vậy?

Chương trình chấn hưng tế của Thủ tướng Abe – Abenomics – đã không thành công

The Japan Times ngày 2/1/2017 từng nhận xét rằng sau 4 năm, Abenomics – chương trình kinh tế lớn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm chấn hưng nền kinh tế của đất nước mặt trời mọc sau hơn 20 năm suy thoái – vẫn chỉ là nửa vời.

Theo tờ báo của Nhật, tất cả các mục tiêu mà Abenomics hướng tới đều chưa đạt được bất cứ một kết quả rõ ràng nào. Nên chờ đợi Abenomics hay phải xem lại tính thực tế của nó? The Japan Times đặt vấn đề.

Cũng nên nhắc lại rằng, sau khi được bầu đứng đầu chính phủ Nhật lần thứ 2, Thủ tướng Abe đã công bố một chương trình kinh tế quan trọng, được gọi là Abenomics.

Abenomics tập trung vào ba mũi nhọn là tăng cường sức mạnh kinh tế để tăng an sinh xã hội và hỗ trợ kinh tế hộ gia đình. Đương kim thủ tướng Nhật rất kỳ vọng vào Abenomics. Thậm chí Abenomics được xem là "chiến lược cuộc đời" của ông Abe.

Abenomics không khởi sắc khiến Thủ tướng Abe và LDP phải trả giá

Vì vậy, khi Abenomics giậm chân tại chỗ và có nguy cơ chết yểu thì sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Abe sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Cùng với đó là LDP sẽ đối diện với sự mất tín nhiệm của cử tri, có thể phải chia sẻ quyền lực với các đảng chính trị khác.

Abenomics không khởi sắc có nhiều nguyên nhân, song theo giới phân tích thì vấn đề nằm ở chỗ các biện pháp triển khai của chính phủ Nhật đối với chương trình kinh tế lớn này.

Sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử 1/2 Thượng viện hồi tháng 7/2016, Thủ tướng Abe đã quyết định tung ra gói kích thích tăng trưởng kinh tế lên đến 28.000 tỳ yên, tập trung vào chủ yếu vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Ngay khi quy mô gói kích thích tăng trưởng được công bố, giới phân tích đã cho rằng ông Abe rất không thực tế, bởi lấy tiền ở đâu ra, khi nợ công của Nhật lên tới 347% GDP mà chính phủ thì lại cam kết không tăng thuế.

Điều đó cho thấy chính phủ Abe “tung ra giải pháp nhưng lại vô hiệu hóa ngay bằng biện pháp”, bởi dân số già luôn khiến chi cho phúc lợi xã hội tại Nhật Bản là khoản chi rất lớn của ngân sách và tăng thường xuyên.

Khi nợ công cao, lại không tăng thu, còn chi thì lớn và tăng thường xuyên, như vậy có khác nào chính phủ Abe đưa ra một chính sách không tưởng.

Rõ ràng tham vọng của chính phủ Abe là không sát với thực tế của nền kinh tế Nhật Bản. Điều đó được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến Thủ tướng Abe và LDP đã phải trả giá trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo.

Thủ tướng Abe xem nhẹ nền tảng tạo nên chiến thắng cho mình

Trước cuộc bầu cử lại 1/2 Thượng viện, Thủ tướng Abe đã quyết tâm thúc đẩy Abenomics với trọng tâm là giải quyết bất bình đẳng trong lao động tại Nhật Bản.

Số lượng lao động làm việc tạm thời tại Nhật Bản đã chạm mức cao kỷ lục, đặt ra một thách thức rất lớn đối với chính phủ Abe cũng như công lực của Abenomics.

Bất bình đẳng thu nhập là một vấn đề lớn đối với kinh tế và xã hội tại Nhật bản

Cố vấn đặc biệt của thủ tướng Nhật, ông Masahiko Shibayama đã cho biết : "Bất bình đẳng lao động đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, ngay cả khi các công ty có lợi nhuận cao kỷ lục. Để thúc đẩy tiêu dùng thì cần phải phải cải thiện mức thu nhập của người lao động không thường xuyên”, Reuters tường thuật.

Vì vậy, Thủ tướng Abe chọn đột phá vào bất bình đẳng trong thu nhập lao động được cho là một quyết định đúng đắn, đảm bảo cho Abenomics có sức sống trong xã hội, qua đó đảm bảo sự nghiệp chính trị của bản thân ông.

Ước vọng là một Nakasone – lão luyện về chính trị trong thế kỷ 21, khát khao là một Miyazawa – chuyên gia tài chính trong khắc phục hậu quả kinh tế - những khát vọng của ông Abe hoàn toàn có thể thành hiện thực nếu ông giải quyết tốt bài toán này.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/dieu-gi-khien-dang-chinh-tri-cua-thu-tuong-abe-mat-phieu-3338469/