Điều gì khiến chúng ta chảy máu mũi mỗi khi trời lạnh?

Mỗi khi lạnh trời, bạn có bị chảy máu mũi hay không, nếu có bạn có tìm được nguyên nhân tại sao hay không?

Chảy máu cam hay còn gọi là hiện tượng chảy máu mũi. Đây là tình trạng xuất huyết ở đường mũi do các niêm mạc mũi bị tổn thương.

Mỗi năm, có đến 60 triệu người tại Mỹ gặp phải một lần chảy máu mũi - theo thống kê từ Yale Medicine.

Được giới y học gọi bằng cái tên "chảy máu cam" (epistaxis), tình trạng này phổ biến nhất ở trẻ từ 2 - 10 tuổi và người lớn từ 50 - 80 tuổi.

Tại sao có hiện tượng chảy máu mũi?

Mũi có chứa vô vàn các mạch máu nhằm giúp làm ấm và làm ẩm không khí bạn hít vào.

Mỗi khi thời tiết hanh khô, các mạch máu này nằm gần bề mặt bên trong của mũi dễ bị tổn thương.

Máu chảy ra từ khu vực này của mũi được gọi là "chảy máu mũi trước".

Ít phổ biến hơn so với chảy máu mũi trước là chảy máu mũi sau, bắt nguồn từ các nhánh của động mạch bên trong khoang mũi.

Tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn, nặng hơn, và trong nhiều trường hợp sẽ cần hỗ trợ y tế.

Có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị chảy máu mũi như: Dị ứng thời tiết, dị vật trong mũi, trời lạnh, chọc ngoáy sâu vào mũi, ngã, va đập, rối loạn đông máu, u não,…

Có thể bị chảy máu cam do rối loạn chảy máu nhưng hiếm khi xảy ra tình trạng này.

Nếu tình trạng chảy máu cam của bạn không dừng lại hoặc bạn bị chảy máu nhiều từ nướu răng, bạn nên đi gặp bác sĩ để được kiểm tra. Rối loạn chảy máu có thể khiến bạn gặp nguy hiểm vì tiểu cầu trong máu của bạn bị đông lại hoặc bị thiếu hoặc không hoạt động.

Một nguyên nhân khác hiếm gặp có thể khiến bạn bị chảy máu cam đó là do khối u trong mũi hoặc xoang.

Các khối u này có thể không phải là u ác, chúng chỉ là u lành tính. Chỉ có khoảng 2.000 trường hợp khối u ung thư ở mũi hoặc xoang được chẩn đoán mỗi năm.

Làm cách nào để ngăn máu mũi ngừng chảy?

Khi bạn bị chảy máu cam, việc đầu tiên là phải thật bình tĩnh, ngồi xuống và bóp chặt phần mềm của mũi, ngay phía trên hai lỗ mũi, trong khoảng 10 phút, bằng một miếng khăn giấy hay khăn bông.

Tiếp đến là chúi mặt về phía trước và thở bằng miệng. Hành động này sẽ buộc máu chảy ra ra khăn giấy trên mũi bạn, ngăn máu không chảy ngược vào cổ họng và đi vào dạ dày.

Đặt một túi đá bọc vải có sẵn trong tủ lạnh lên mũi để làm các mạch máu co lại và giảm sưng.

Tạm thời không được nằm ngửa hay nằm nghiêng mà ngồi giữ mũi phía trên tim sẽ giúp giảm áp lực máu trong các mạch máu bên trong mũi và từ đó giảm tình trạng chảy máu mũi.

Nếu máu không ngừng chảy sau 10 phút thực hiện các động tác tạo áp lực như trên, hãy sử dụng các loại thuốc nhỏ/xịt có tác dụng thông mũi như Afrin: xịt hai lần vào mỗi lỗ mũi mỗi 10 phút/lần, tối đa 3 lần, cho đến khi máu ngừng chảy.

Trang Dung (Nguồn The Medical Technology)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dieu-gi-khien-chung-ta-chay-mau-mui-moi-khi-troi-lanh-a492738.html