Điều gì khiến các 'ông lớn' phương Tây khó nói không với Đài Loan?

Trong những năm qua, Đài Loan đã biến mình thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực chất bán dẫn và sản phẩm công nghệ cao.

Trong những ngày sau chuyến thăm vùng lãnh thổ Đài Loan vào năm 2022 của chủ tịch Hạ viện Mỹ - khi ấy là bà Nancy Pelosi, các nhà cung cấp của hòn đảo này cho những tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Google, Meta và Amazon đã nhận hàng loạt câu hỏi như liệu họ có sẵn sàng tiến hành hoạt động sản xuất bên ngoài Đài Loan hay không.

Theo Nikkei Asia, chuyến thăm của bà Pelosi đã gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc Bắc Kinh tiến hành hàng loạt cuộc diễn tập với quy mô chưa từng thấy quanh đảo Đài Loan đã gây ra tác động lớn trong ngành công nghệ do lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng linh kiện điện tử toàn cầu.

"Nếu Đài Loan xảy ra sự gián đoạn nghiêm trọng, ngành công nghệ và điện tử trên toàn cầu sẽ chịu thiệt hại rất lớn". Hsieh Yong-fen, nhà sáng lập công ty cung ứng chip và kiểm định vật liệu MA-tek.

Nhân tố không thể thiếu của nền kinh tế thế giới

Đài Loan được biết đến với khả năng chế tạo các sản phẩm bán dẫn với công nghệ hàng đầu. Tuy nhiên, các công ty của hòn đảo này cũng sản xuất những bộ phận quan trọng khác như bản mạch điện tử và ống kính camera tiên tiến, với những dây chuyền sản xuất lớn được đặt tại Trung Quốc đại lục.

Tình trạng này đã tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ, Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan. Sự phụ thuộc này ngày càng lớn dần, bất chấp các căng thẳng.

Một ví dụ cho mối quan hệ này chính là dòng điện thoại iPhone của Apple. Với 2,4 tỷ chiếc được bán kể từ khi được ra mắt vào năm 2007, đem lại doanh thu 1.000 tỷ USD cho Apple, iPhone là một trong những thiết bị tiêu dùng thành công nhất mọi thời đại.

Tuy nhiên, thành công của dòng điện thoại trên phụ thuộc vào chuỗi cung ứng được liên kết chặt chẽ ở châu Á, sản xuất các sản phẩm như chip, màn hình, loa ở quy mô khổng lồ. Nằm ở trung tâm của chuỗi cung ứng này là Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan.

Gần 70% các nhà cung cấp của Apple, phụ trách chế tạo mọi bộ phận từ vi xử lý cho tới vỏ máy, có trụ sở tại Trung Quốc đại lục (26%), Đài Loan (23%) hoặc Mỹ.

 Dòng điện thoại iPhone của Apple là một minh chứng cho mối quan hệ ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau giữa đảo Đài Loan và 2 nền kinh tế đứng đầu của thế giới. Ảnh: Reuters.

Dòng điện thoại iPhone của Apple là một minh chứng cho mối quan hệ ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau giữa đảo Đài Loan và 2 nền kinh tế đứng đầu của thế giới. Ảnh: Reuters.

Các linh kiện quan trọng nhất như lõi xử lý, modem 5G, chip vận hành mạng không dây và ống kính máy quay chất lượng cao, được sản xuất tại Đài Loan. Các nhà cung cấp của hòn đảo này chiếm 200 USD, hoặc 36% chi phí chế tạo của một chiếc iPhone.

Trong khi đó, các nhà cung cấp từ Trung Quốc đại lục tập trung vào những lĩnh vực có yêu cầu kỹ thuật thấp hơn như lắp ráp sản phẩm. Số lượng nhà cung cấp cho Apple có trụ sở ở Trung Quốc đại lục đã vượt qua tất cả các khu vực còn lại. Quốc gia này cũng bắt đầu đi lên trong chuỗi liên kết.

Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp Đài Loan và Mỹ thực hiện hoạt động sản xuất tại hàng trăm cơ sở ở Trung Quốc đại lục càng khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.

Nếu không có những linh kiện trên, iPhone sẽ không còn là chiếc điện thoại như chúng ta đã biết. Tuy nhiên, mô hình đã hoạt động trong hơn một thập kỷ này đang gặp thách thức khi căng thẳng địa chính trị gia tăng, buộc các bên phải đánh giá lại.

Các nhà lãnh đạo nhóm nền kinh tế phát triển G7, trong cuộc họp vào tháng 5 tại Nhật Bản, đã cam kết sẽ "giảm sự phụ thuộc quá mức" trong những chuỗi cung ứng thiết yếu.

Washington đang cố gắng giành lại ngành công nghiệp sản xuất chip tiên tiến từ châu Á, trong khi Bắc Kinh có mục tiêu xây dựng ngành công nghệ cao của riêng mình. Đảo Đài Loan đã bị mắc kẹt giữa cuộc cạnh tranh này.

Cái giá phải trả nếu tách Đài Loan khỏi chuỗi cung ứng

"Hai năm trước, do cuộc thương chiến của cựu Tổng thống Donald Trump, các khách hàng nói với chúng tôi rằng họ muốn một lựa chọn khác ngoài Trung Quốc đại lục trong công đoạn sản xuất. Chúng tôi quyết định mở rộng quy mô hoạt động ở Đài Loan", một lãnh đạo của Unimicron Technology, doanh nghiệp sản xuất bảng mạch của Đài Loan - cung cấp cho các công ty như Apple và Intel, cho biết.

Trong khi doanh nghiệp đang đầu tư hàng tỷ USD để mở rộng sản xuất ở Đài Loan, bà Pelosi quyết định đến thăm hòn đảo này vào tháng 8/2022. Phản ứng của Bắc Kinh về chuyến thăm đã khiến khách hàng của Unimicron lo lắng.

"Khách hàng của chúng tôi giờ đây muốn sản xuất linh kiện ở ngoài Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan. Chúng tôi và rất nhiều doanh nghiệp khác không biết phải nói gì. Làm thế nào mà chuỗi cung ứng có thể được chuyển khỏi đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục? Phần lớn quá trình sản xuất thiết bị điện tử nằm ở khu vực này", vị lãnh đạo của Unimicron chia sẻ.

"Chúng tôi có kế hoạch dự phòng, được gọi là BCP, để chuẩn bị cho tình huống gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhưng nếu xung đột vũ trang nổ ra, mọi kế hoạch dự phòng sẽ trở nên vô dụng. Đây sẽ là dấu chấm hết cho chuỗi cung ứng chip và không ai có thể tưởng tượng rằng điều này sẽ xảy ra", một lãnh đạo công ty sản xuất thiết bị kiểm định chất lượng chip Advantest ở Nhật Bản trả lời Nikkei Asia.

Ngay cả khi không diễn ra xung đột, sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ đảo Đài Loan có thể tạo ra tác động trên toàn cầu.

Không chỉ các sản phẩm bán dẫn, đảo Đài Loan còn chiếm thị phần lớn trong quá trình sản xuất và phát triển nhiều linh kiện điện tử công nghệ cao khác. Ảnh: Reuters.

Theo ước tính của Hiệp hội Ngành công nghiệp Bán dẫn, sự gián đoạn trong quá trình sản xuất chip tư duy bởi các doanh nghiệp Đài Loan có thể gây thất thoát khoản doanh thu gần 500 tỷ USD cho các nhà sản xuất thiết bị điện tử.

Hãng phân tích Rhodium Group nhận định xung đột ở đảo Đài Loan có thể khiến hoạt động kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD gặp rắc rối.

"Mọi người đánh giá thấp Đài Loan trong chuỗi cung ứng. Ngoài sản phẩm bán dẫn, chúng tôi có một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ các sản phẩm như chíp, cấu phần, bảng mạch, ống kính cho tới công đoạn lắp ráp. Nếu Đài Loan gặp rắc rối, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ sụp đổ", lãnh đạo của Compal Electronics, nhà cung ứng linh kiện quan trọng cho Dell, HP và Apple nhận định.

Một kịch bản như trên sẽ khiến Apple rơi vào cảnh có chip được sản xuất tại Mỹ - theo chính sách của Tổng thống Joe Biden, nhưng không còn thiết bị để lắp linh kiện này.

Nhà cung ứng chính cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Khi nhắc đến sản phẩm công nghệ cao của Đài Loan, không thể bỏ qua lĩnh vực bán dẫn. Theo đó, các doanh nghiệp của Đài Loan như TSMC chiếm hơn 66% thị trường sản xuất chip theo hợp đồng trên thế giới, biến thiết kế của Apple, Google thành sản phẩm thực tế.

Là những người đứng đầu thị trường chip công nghệ cao, sản phẩm của Đài Loan là không thể thiếu trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh của Trung Quốc cho đến chiến đấu cơ hiện đại của Mỹ.

Một yếu tố thường bị bỏ quên trong ngành công nghiệp sản xuất chip là lắp ráp và kiểm định. Đài Loan kiểm soát khoảng 30% thị trường toàn cầu trong các công đoạn này.

"Thường mất khoảng 3 đến 5 năm để xây dựng một nhà máy sản xuất sản phẩm bán dẫn, chưa kể đến khoảng thời gian cần thiết để nhà máy đi vào hoạt động. Có những định kiến sai lầm rằng chuỗi cung ứng bán dẫn có thể chuyển dịch trong một đêm chỉ vì căng thẳng địa chính trị. Nhưng chúng ta có thể mất đến 5 năm, thậm chí là hơn 10 năm để bắt đầu thấy được sự thay đổi trên", Benjamin Hein, quản lý khu vực Trung Quốc, Đông Nam Á tại tập đoàn hóa chất và vật liệu Merck của Đức, cho biết.

Các nhà phân tích thường nói về rủi ro của việc tách rời khỏi nền kinh tế Trung Quốc, nơi được coi là "công xưởng của thế giới". Nhưng việc loại bỏ Đài Loan khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu được nhận định còn gây ra những tác động nghiêm trọng hơn. Liệu có quốc gia nào sẵn sàng cho quyết định này?

An Bình

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-gi-khien-cac-ong-lon-phuong-tay-kho-noi-khong-voi-dai-loan-post1436496.html