Điều gì giúp con người thống trị Trái đất?

Khả năng sáng tạo có thể là một trong những lý do chính khiến chúng ta - Homo sapiens (người tinh khôn) tồn tại và vượt trội các loài liên quan như người Neanderthal và tinh tinh.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Claude Robert Cloninger, Giáo sư danh dự tại Khoa Tâm thần học và Di truyền học của Đại học Washington ở St. Louis cho biết, sự sáng tạo có thể đã mang lại cho người Homo sapiens một lợi thế sống sót lớn so với người Neanderthal. Nhưng đó là một trường hợp khó để chứng minh, vì chúng ta vẫn chưa biết mức độ sáng tạo thực sự của người Neanderthal như thế nào.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, dẫn đầu là một nhóm tại Đại học Granada ở Tây Ban Nha và Đại học Y khoa Washington ở St. Louis đã nhìn vào các gen để tìm kiếm những điểm khác biệt giữa con người, bao gồm khả năng sáng tạo, với những loài họ hàng của chúng ta.

Các nhà nghiên cứu trước đây đã xác định được 972 gen hiện đại điều chỉnh ba hệ thống học tập và trí nhớ riêng biệt ở Homo sapiens: Phản ứng cảm xúc, tự kiểm soát và nhận thức về bản thân.

Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã phân tích các DNA được lấy từ hóa thạch của người Neanderthal (Homo neanderthalensis), người hiện đại (Homo sapiens) và tinh tinh (Pan troglodytes).

Họ phát hiện ra rằng các gen liên quan đến mạng lưới cổ xưa nhất - phản ứng cảm xúc - giống hệt nhau giữa người Homo sapiens, người Neanderthal và tinh tinh. Nhưng những con tinh tinh hoàn toàn thiếu gen dẫn đến sự tự nhận thức và tự chủ ở con người.

Hơn nữa, 267 trong số 972 gen đó là gen độc nhất của người Homo sapiens, và chúng đều được gọi là gen điều hòa. Nói cách khác, chúng điều chỉnh hoạt động của các gen khác lên hoặc xuống. Những gen này - không có ở tinh tinh và người Neanderthal - điều chỉnh mạng lưới não liên quan đến sự tự nhận thức và sáng tạo.

Mạng lưới phản ứng cảm xúc đã phát triển ở khỉ và vượn từ khoảng 40 triệu năm trước, mạng lưới tự kiểm soát phát triển cách đây chưa đầy 2 triệu năm, và mạng lưới nhận thức và sáng tạo chỉ mới xuất hiện từ 100.000 năm trước, khi con người phải chịu áp lực trước sự thay đổi khí hậu làm giảm nguồn cung cấp thực phẩm và các nguồn tài nguyên khác cần thiết cho sự sống.

Sau đó, khoảng 40.000 năm trước, người Homo sapiens với “sự tinh vi chưa từng có về văn hóa và công nghệ” bắt đầu nhanh chóng thay thế người Neanderthal trên khắp thế giới, theo nghiên cứu.

Các tác giả cho biết, sự tinh tế này có thể được thúc đẩy bởi sự sáng tạo và nhận thức về bản thân của tổ tiên Homo sapiens, giúp họ sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn.

Tuy nhiên, nghiên cứu đi kèm với một số hạn chế, bao gồm các đặc điểm như sự sáng tạo và nhận thức về bản thân rất phức tạp và người Neanderthal không còn tồn tại nữa, nên rất khó để đánh giá chúng chỉ dựa trên gen của họ. Thật vậy, một số nhà nghiên cứu không tin rằng việc so sánh bộ gen của con người hiện đại với bộ gen của một loài đã tuyệt chủng có thể dẫn đến kết luận chính xác.

“Chúng tôi không biết mối liên hệ nhân quả giữa di truyền và những đặc điểm cao hơn này, ngay cả khi các tác giả xác định được rằng mạng lưới gen có liên quan đến một số thước đo về nhận thức bản thân, sự sáng tạo hay hành vi xã hội”, Thomas Suddendorf, Giáo sư tại Trường Tâm lý học tại Đại học Queensland ở Úc, người không tham gia nghiên cứu lên tiếng.

Các tác giả lưu ý trong nghiên cứu rằng họ “không thể loại trừ khả năng người Neanderthal có các gen không có ở người Homo sapiens và ảnh hưởng đến tính cách cũng như khả năng học tập của họ”.

Nói cách khác, người Neanderthal có thể không có cùng gen sáng tạo và nhận thức về bản thân của Homo sapiens, mà là một bộ gen riêng biệt của chính họ mà chúng ta không hiểu.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/dieu-gi-giup-con-nguoi-thong-tri-trai-dat-MH43ee9Gg.html