Điều gì đang xảy ra ở PVN trong việc bán nhựa PP của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn?

Sau khi Petrovietnam (PVN) bị tố dùng mệnh lệnh hành chính can thiệp hợp đồng kinh tế trong việc bán hạt nhựa PP ở Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thì ít ngày sau, lại có dư luận về việc Công ty CP Nhựa Opec thao túng thị trường nhờ sự ưu ái của lãnh đạo BSR.

Trách nhiệm của PVN thế nào trong việc BSR bán sản phẩm hạt nhựa PP nếu có sai phạm? - Ảnh: Internet

Phát hiện công ty con có dấu hiệu sai phạm nhờ báo chí

Ngày 23.11, PVN chính thức phát đi thông điệp về việc báo chí phản ánh sự vi phạm quy định trong hoạt động kinh doanh, phân phối sản phẩm hạt nhựa polypropylene (PP) của BSR. PVN nêu rõ trên website chính thức rằng:

Việc kinh doanh sản phẩm PP của BSR được quy định trong Quy chế kinh doanh sản phẩm PP do BSR ban hành năm 2014 và 2017. Quy chế đã quy định cụ thể, rõ ràng và tuân thủ các quy định của pháp luật. Quá trình thực hiện trong các năm 2016 - 2018, BSR đã không tuân thủ đầy đủ theo quy chế dẫn đến tình trạng hạn chế sự tham gia của bên mua, định giá bán chưa phù hợp, phân bổ lượng hàng cho khách hàng chưa đúng quy định… mà một số báo chí đã phản ánh.

Nhận thấy hiện tượng báo chí đã nêu là có thật, Hội đồng Thành viên PVN đã thành lập đoàn kiểm tra xem xét một cách toàn diện các vấn đề thương mại của BSR, để làm rõ các nội dung theo quy chế của tập đoàn, trong đó có nội dung PP mà báo chí đã nêu. Đoàn kiểm tra đã có báo cáo, Hội đồng Thành viên tập đoàn đang xem xét và sớm có kết luận.

Thông tin chính thức được PVN phát đi về việc mua bán sản phẩm nhựa PP của BSR - Ảnh chụp màn hình

Qua phản ánh của báo chí về việc kinh doanh PP tại BSR có dấu hiệu vi phạm, các cơ quan chức năng cũng đã thu thập hồ sơ, PVN và BSR đã cung cấp đầy đủ tài liệu. Sau khi có báo cáo kết luận của đoàn kiểm tra về vụ việc PP tại BSR, PVN sẽ gửi báo cáo tới các cơ quan chức năng liên quan.

Khi có kết luận của cơ quan chức năng, PVN sẽ thông tin cụ thể, những hành vi và sự việc vi phạm sẽ được xử lý đúng người, đúng việc phù hợp với mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật. Việc xử lý các vi phạm không làm ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR.

BSR, OPec nói kinh doanh đúng luật

Nhắc lại câu chuyện lùm xùm trong việc bán sản phẩm nhựa PP của BSR mà trước đó báo điện tử Một Thế Giới đã phản ánh, sau khi PVN can thiệp vào chuyên kinh doanh của đơn vị thành viên là BSR bằng mệnh lệnh hành chính,` gây ảnh hưởng tới uy tín và việc kinh doanh của khách hàng của BSR là Công ty Nhựa Opec, công ty đã phải gửi đơn tới PVN, đề nghị không được dùng mệnh lệnh hành chính can thiệp vào các hợp đồng kinh tế giữa công ty thành viên của PVN với Opec.

Về thông tin Opec đang thao túng thị trường khi mua hạt nhựa của BSR, trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, lãnh đạo Opec chỉ khẳng định: Opec luôn tuân thủ pháp luật trong mọi hoạt động kinh doanh, với việc mua hạt nhựa PP với Công ty BSR cũng vậy. Opec đã hợp tác với BSR nhiều năm, đấu thầu công khai, đàm phán cạnh tranh cũng công khai, luôn tuân thủ đúng quy trình mua của PVN và BSR đưa ra. Và Công ty Opec có đầy đủ giấy tờ để chứng minh mọi hoạt động mua hạt nhựa của mình là tuân thủ đúng pháp luật.

Opec và BSR đều khẳng định trong việc mua bán sản phẩm hạt nhựa PP luôn tuân thủ quy định luật pháp - Ảnh: Internet

Theo lãnh đạo này, năm 2017, BSR đã ký hợp đồng có thời hạn 3 năm (2018 - 2021) bán hạt nhựa PP cho 5 khách hàng là Opec, Công ty CP Hóa chất nhựa Đà Nẵng, Công ty CP Thương mại dịch vụ dầu khí miền Trung, Tổng công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (DMC), Công ty CP Nhà và Thương mại Dầu khí. Tổng số hạt nhựa theo hợp đồng là 13.000 tấn/tháng, giá đấu thầu là 15 USD/tấn.

Việc hợp tác với BSR đang diễn ra bình thường thì khoảng tháng 9.2018, PVN ra lệnh cắt sản lượng bán PP cho Opec và 4 công ty còn lại để bán cho Công ty An Phát với mục đích "giải cứu" Pvtex. Opec đã có công văn gửi PVN đề nghị PVN không dùng mệnh lệnh hành chính can thiệp vào hợp đồng kinh tế. Trong lúc chờ đợi câu trả lời của PVN thì dư luận lại có thông tin về việc Opec có dấu hiệu mua trái quy định hạt nhựa PP của BSR.

Rõ ràng, có điều gì đó trong việc này. Vì sao PVN định cắt sản lượng hạt nhựa PP đang bán cho khách đã ký hợp đồng để chuyển sang bán cho một đối tác khác (chưa thông qua đàm phán) mà gọi là một kiểu nghiệp vụ kinh doanh? Trong khi đó, Opec mua lại sản lượng của các khách hàng đã mua xong (sau khi đã đấu thầu, mua đúng quy trình đàm phán công khai của BSR) lại bị quy kết là có dấu hiệu sai phạm?

Về phần mình, trong thông cáo báo chí được Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên ký, phát đi cũng khẳng định, việc mua bán sản phẩm PP của BSR với các đối tác hoàn toàn đúng quy định pháp luật và phương án bán PP dài hạn 2018 - 2021 đã được PVN có công văn thông qua (ngày 26.9.2017). Tại công văn này, PVN giao cho người đại diện phần vốn PVN tại BSR xem xét, quyết định phương án triển khai thực hiện.

Ông Nguyên khẳng định: “Quá trình thực hiện năm 2018 cho thấy, phương thức bán hàng dài hạn của BSR là đúng đắn, đã mang lại sự ổn định vận hành cho nhà máy PP BSR, phát triển thương hiệu PP BSR trên thị trường và mang lại hiệu quả cho BSR. Giá bán cho giai đoạn năm 2018 cao hơn giá nhập khẩu cùng loại và cao hơn so với giá bán PP của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, các đơn vị tham gia đàm phán trên tinh thần công khai, minh bạch và đúng pháp luật. Đồng thời các bên đều thuận mua vừa bán và không có hiện tượng độc quyền, ép giá. Bên cạnh đó, việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào vận hành trong năm 2018 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến giá bán các sản phẩm xăng dầu của BSR nhưng đã không ảnh hưởng đến các hợp đồng mua bán PP dài hạn của BSR trong hiện tại nhờ công tác xây dựng đối tác chiến lược dài hạn vừa qua”.

Nếu BSR sai phạm, trách nhiệm của PVN ở đâu?

Câu hỏi đang được dư luận đang đặt ra đối với PVN là: Vì sao PVN - Công ty mẹ của BSR, phải chờ cho đến khi một vài tờ báo thông tin mới “nhận thấy hiện tượng báo chí đã nêu là có thật, Hội đồng Thành viên PVN đã thành lập đoàn kiểm tra xem xét một cách toàn diện các vấn đề thương mại của BSR, để làm rõ các nội dung theo quy chế của PVN, trong đó có nội dung PP mà báo chí đã nêu. Đoàn kiểm tra đã có báo cáo, Hội đồng Thành viên PVN đang xem xét và sớm có kết luận”.

Vậy trước đó, họ quản lý và nếu Lọc hóa dầu Bình Sơn có dấu hiệu sai phạm thật thì trách nhiệm của PVN đến đâu? Lẽ nào trong suốt quá trình thực hiện việc bán PP, Lọc hóa dầu Bình Sơn không hề xin ý kiến của PVN?

Trong một diễn biến khác, dư luận cũng đặt câu hỏi: Trong việc giải cứu Pvtex - 1 trong 12 “đại dự án” khó khăn của ngành công thương, vì sao lại coi việc mua bán nhựa PP ở BSR là một giải pháp để cứu? Có phải vì chưa bán được hạt nhựa cho An Phát như chỉ đạo phi lý ban đầu của PVN do có sự phản đối của Công ty Opec mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng uy tín, phía BSR vô tình phải chịu nhiều sức ép? Và liệu có những ẩn khuất nào phía sau chỉ đạo của PVN với việc bán hạt nhựa PP ở BSR mà khiến cho chính PVN lại lên tiếng nói công ty con sai phạm sau phát hiện của báo chí?

Việc "giải cứu" Pvtex và những vấn đề lình xình bán hạt nhựa PP sau những chỉ đạo của PVN như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Nam Phong

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/dieu-gi-dang-xay-ra-o-pvn-trong-viec-ban-nhua-pp-cua-cong-ty-loc-hoa-dau-binh-son-101783.html