Điều gì đang đẩy virus từ vật chủ nhảy sang người gây đại dịch?

Môi trường sống và đa dạng sinh học bị thu hẹp trên toàn thế giới đồng nghĩa với nguy cơ đại dịch sẽ diễn ra nhiều hơn.

Mayibout 2, ngôi làng sâu trong rừng Minkebe ở phía bắc quốc gia Trung Phi Gabon, không phải một nơi an toàn. Người dân ở đây trải qua nhiều đợt dịch sốt rét, sốt xuất huyết Dengue, sốt vàng, bệnh ngủ châu Phi (sleeping sickness). Họ vẫn không quá lo lắng.

Nhưng đến tháng 1/1996, dịch Ebola làm tử vong 21 người, trong tổng số 37 dân làng nhiễm bệnh. Trong đó, có những người đã vận chuyển, làm thịt và ăn thịt một con tinh tinh bắt được từ khu rừng gần đó.

Khi John Vidal, biên tập viên mảng môi trường của Guardian tới ngôi làng này vào năm 2004, ông cho biết người dân ở đây vẫn kinh hoàng về virus Ebola, vốn có tỷ lệ tử vong 90%, và lo sợ nó sẽ quay trở lại. Họ vẫn nhớ con em mình vào rừng săn tinh tinh, sau đó ăn thịt, để rồi bị sốt nặng chỉ trong vài giờ. Một số tử vong ngay lập tức.

“Chúng tôi từng yêu rừng, giờ chúng tôi sợ rừng”, dân làng Nesto Bematsick nói với Guardian.

 Một con khỉ được bán lấy thịt bên ngoài một ngôi nhà của dân làng ở phía đông bắc Gabon. Ảnh: AP.

Một con khỉ được bán lấy thịt bên ngoài một ngôi nhà của dân làng ở phía đông bắc Gabon. Ảnh: AP.

Chỉ 1-2 thập kỷ trước, quan niệm chung vẫn là rừng nhiệt đới và động vật hoang dã chứa nhiều mầm bệnh, dẫn đến các dịch bệnh mới như Ebola, HIV hay sốt xuất huyết Dengue.

Nhưng một số nhà nghiên cứu ngày nay cho rằng việc con người phá hủy sự đa dạng sinh học đang tạo điều kiện cho những virus và dịch bệnh mới như Covid-19, ảnh hưởng tới mọi quốc gia bất kể giàu nghèo. Thậm chí, một ngành học mới, y tế hành tinh, đang hình thành để tập trung vào kết nối ngày càng rõ rệt giữa sức khỏe của con người và của cả hệ sinh thái.

Mối đe dọa ngày càng tăng

“Chúng ta xâm chiếm rừng nhiệt đới và các môi trường hoang dã khác... chúng ta chặt cây, săn bắt động vật, đưa chúng ra chợ bán. Chúng ta làm gián đoạn hệ sinh thái, khiến virus chạy khỏi vật chủ tự nhiên của nó. Khi điều đó xảy ra, virus cần vật chủ trung gian mới. Thường chúng ta sẽ là nạn nhân”, David Quammen, tác giả cuốn sách Lây nhiễm trên Động vật và Đại dịch Tiếp theo, viết trên New York Times.

Nghiên cứu cho thấy các dịch bệnh như Ebola, SARS, cúm gia cầm, và giờ là Covid-19 đang tăng lên. Mầm bệnh có xu hướng nhảy từ động vật sang người: từ bệnh dại, dịch hạch của các thế kỷ trước cho tới các virus Lassa, Nipah, SARS, Zika hay Tây sông Nile gần đây hơn

Chặt phá rừng, khai thác gỗ, khai khoáng, xây đường, đô thị hóa, gia tăng dân số khiến con người gần với thiên nhiên hoang dã hơn, tăng nguy cơ dịch bệnh. Ảnh: AFP.

Kate Jones, trưởng khoa sinh thái và đa dạng sinh học tại trường University College London, gọi bệnh truyền nhiễm trên động vật là “mối đe dọa đáng kể và ngày càng tăng đối với y tế, an ninh và kinh tế toàn cầu”.

“Cái giá ngầm của phát triển kinh tế”

Năm 2008, bà Jones và các cộng sự liệt kê ra 335 bệnh đã xuất hiện giữa năm 1960-2004, và ít nhất 60% trong số đó đến từ động vật.

Bà cho biết ngày càng nhiều bệnh có liên quan tới những thay đổi mà con người tạo ra đối với môi trường: khai thác gỗ, khai khoáng, xây đường, đô thị hóa, gia tăng dân số... tất cả khiến con người tiếp xúc gần hơn với động vật chưa từng tiếp xúc.

Đó là “cái giá ngầm của phát triển kinh tế”, bà nói. “Chúng ta đang đi tới những nơi chưa từng tới và tiếp xúc với nhiều thứ mới. Chúng ta đang tạo ra các môi trường sống trong đó virus lây lan dễ dàng hơn”.

Một con dơi bị kẹt vào lưới sắp được kiểm tra lượng virus ở một trung tâm y tế ở Gabon. Ảnh: AFP.

“Có vô số mầm bệnh vẫn đang tiếp tục tiến hóa và tới lúc nào đó sẽ đe dọa con người”, Eric Fevre, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm trên động vật tại Đại học Liverpool, nói với Guardian. “Từ trước đến nay vẫn luôn có rủi ro bệnh nhảy từ động vật sang người”.

Sự khác biệt giữa bây giờ so với vài thập kỷ trước, theo ông Fevre, là dịch bệnh nay có thể xuất hiện ở đô thị. “Chúng ta đã hình thành các cộng đồng sống tập trung, và bên cạnh chúng ta là dơi, chuột, chim, thú nuôi và các loài khác, tạo nên sự tương tác liên tục, kéo theo khả năng (mầm bệnh) đi từ loài này sang loài khác”, ông nói.

Bề nổi của tảng băng trôi

“Mầm bệnh không biết giới hạn loài này với loài khác”, nhà sinh thái học Thomas Gillespie, giáo sư tại Đại học Emory, nói với Guardian.

“Tôi không ngạc nhiên về đợt bùng phát virus corona lần này”, ông nói. “Đa số mầm bệnh vẫn chưa được phát hiện. Chúng ta vẫn chỉ thấy phần nổi của tảng băng trôi”.

Bản in 3D của virus corona chủng mới (hình đằng sau) cho thấy protein “spike” phủ khắp bề mặt virus, giúp virus bám và xâm nhập tế bào. Ảnh: Viện Y tế Quốc gia/AFP.

Thiên nhiên hoang dã mọi nơi đang bị đè nặng, ông nói. “Những thay đổi lớn đang khiến động vật mất đi môi trường sống, có nghĩa các loài trở nên gần nhau hơn, cũng tiếp xúc gần hơn với người”. Ông nhắc đến nguy cơ mắc bệnh Lyme ở các vùng ngoại ô Mỹ vốn có nhiều rừng cây.

Dù vậy, các nhà nghiên cứu y tế hiếm khi chú trọng vào hệ sinh thái xung quanh con người, theo Richard Ostfeld, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Sinh thái Cary ở Millbrook, New York. Ông và nhiều chuyên gia khác đang phát triển ngành y tế hành tinh, tập trung vào liên hệ giữa sức khỏe của con người và của hệ sinh thái.

“Thiên nhiên có những mối đe dọa, đúng vậy, nhưng chính hoạt động của con người mới gây ra tác hại thực sự”, ông nói với Guardian.

Ông Ostfeld nhắc tới dơi và chuột. “Dơi và chuột sinh sôi khi chúng ta gây xáo trộn đối với môi trường tự nhiên. Chúng thường khiến mầm bệnh lây lan”.

Vai trò của chợ bán đồ tươi sống?

Các nhà sinh thái học cho rằng mầm bệnh dễ nhảy sang người tại các chợ tạm, bán đồ tươi sống, nơi động vật bị giết thịt và bán ngay tại chỗ. Khu chợ Hoa Nam ở Vũ Hán, từng được cho là nơi có thể có những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, cũng là nơi bán nhiều động vật hoang dã.

“Mỗi khi có sự tương tác mới giữa nhiều loài vật ở một chỗ, dù là trong tự nhiên như trong rừng hay tại một chợ bán đồ tươi, đều có thể xảy ra hiện tượng lây từ loài này sang loài khác”, Gillespie nói với Guardian.

Thịt thú rừng như tê tê, chuột rừng, hổ được bán bên đường tại Bata, Guinea Xích đạo. Ảnh: AFP.

Chợ này bị chính quyền Trung Quốc đóng cửa ngay từ đầu. Trung Quốc cũng đã cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, trừ hải sản. Nhưng một số chuyên gia cho rằng cấm các chợ bán đồ tươi ở thành phố không phải là giải pháp.

“Không thể lên án hoàn toàn các chợ bán đồ tươi này, (đặc biệt) là ở những nơi không có tủ lạnh. Các chợ truyền thống này là nguồn thực phẩm chủ đạo tại châu Phi và châu Á”, bà Jones nói.

“Những chợ này là nguồn thực phẩm cho hàng triệu người nghèo, và cấm hẳn là điều không thể”, Delia Grace, nhà dịch tễ học và thú y tại Viện Nghiên cứu Giống Quốc tế, nói với Guardian từ Nairobi, Kenya.

“Động vật hoang dã, chứ không phải động vật nuôi, mới là vật chủ tự nhiên của nhiều virus”, Fevre và các cộng sự viết trong một bài viết, lập luận rằng không nên đổ lỗi cho các chợ bán đồ tươi, mà cần chú trọng vào nạn buôn bán động vật hoang dã.

“Không có bằng chứng rõ ràng về liên hệ giữa chợ tạm và bệnh tật”.

Thay đổi hành vi

Vậy chúng ta có thể làm gì? Bà Jones nói thay đổi cần phải đến từ cả nước giàu lẫn nước nghèo. Nhu cầu gỗ, khoáng sản từ bán cầu Bắc khiến môi trường, hệ sinh thái bị phá hủy, dẫn tới bệnh tật.

“Chúng ta phải nhìn nhận dưới góc độ an ninh sinh học toàn cầu, tìm điểm yếu, và củng cố y tế tại các nước đang phát triển. Nếu không thì (dịch bệnh) sẽ lặp lại”, bà nói.

“Chúng ta đang trong kỷ nguyên của tình trạng khẩn cấp vĩnh viễn”, theo Brian Bird, nhà virus học tại Đại học California - Davis, người từng dẫn đầu việc giám sát chống dịch Ebola ở Sierra Leone.

“Bệnh tật đang lây lan xa hơn và nhanh hơn trước, có nghĩa chúng ta phải phản ứng nhanh hơn. Cần phải đầu tư, cần thay đổi hành vi con người, và phải lắng nghe người dân ở các cộng đồng”.

Tuyên truyền về nguy cơ dịch bệnh tới những người săn bắt, khai thác gỗ, buôn bán động vật hoang dã, và người tiêu dùng là điều quan trọng, theo ông Bird.

“Các cộng đồng luôn muốn có thêm thông tin”, ông nói. “Họ muốn biết cần làm gì, họ muốn học hỏi”.

Tê tê chết do giới chức Indonesia thu giữ. Ảnh: AFP.

Các chuyên gia cũng đề nghị phải tư duy lại hệ thống đô thị, đặc biệt ở các khu ở tạm, thu nhập thấp.

Nỗ lực ngắn hạn hiện nay cần tập trung vào việc kiềm chế lây nhiễm. Giải pháp dài hạn, khi biết rằng dịch bệnh sẽ lặp lại, đòi hỏi phải thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận với quy hoạch và phát triển đô thị, theo Guardian

Ông Bird nói điều mấu chốt là phải chuẩn bị. “Chúng ta không thể đoán khi nào sẽ có đại dịch mới, đến từ đâu, vì vậy chúng ta cần kế hoạch giảm thiểu thiệt hại và tính đến kịch bản xấu nhất”, ông nói.

“Điều duy nhất mà ta chắc được là sẽ còn có đại dịch nữa”.

Indonesia chưa có ca virus corona nào, dân tự tin ăn cà ri dơi Thịt dơi vẫn là món ăn đặc sản của người dân Indonesia bất chấp yêu cầu chấm dứt của chính phủ vì lo ngại dịch bệnh.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-gi-dang-day-virus-tu-vat-chu-nhay-sang-nguoi-gay-dai-dich-post1061806.html