Điều gì cho 'kỷ nguyên mới'?

Nước Mỹ trở lại và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) năm 2021 (vừa khép lại ngày 13-6 tại Anh) trở thành tâm điểm chú ý của giới quan sát quốc tế với rất nhiều kỳ vọng - những sự trông đợi về gắn kết và hồi phục.

Ở rất nhiều khía cạnh, những gì được vạch ra trong bản thông cáo chung bế mạc hội nghị đều có thể xem là các tín hiệu lạc quan, về một thế giới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, thực tế tương lai gần vẫn có thể có nhiều biến đổi màu sắc của những tia hy vọng đó.

Kinh tế, vaccine và môi trường

1 tỷ liều vaccine COVID-19, thông qua cả những chương trình hỗ trợ trực tiếp lẫn COVAX - cơ chế chia sẻ vaccine do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng, nhằm phân phối công bằng nguồn vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo trên thế giới - là điều được đích thân đương kim Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo, với tư cách người chủ trì hội nghị.

Bên cạnh nỗ lực ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh này, G7 cũng đưa vào chương trình nghị sự một vấn đề khác liên quan đến sự tồn vong của nhân loại: Biến đổi khí hậu. Và sau những cuộc thảo luận, những quốc gia phát triển đó (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada, Italy) cũng đã đạt được đồng thuận, về chuyện cam kết cung cấp nhiều viện trợ hơn cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, đồng thời loại bỏ dần các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

 Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.

Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.

Trong “Hiệp ước về thiên nhiên” (Nature Compact) được công bố ngày 13-6, các nhà lãnh đạo G7 cam kết giảm gần một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030 so với năm 2010, đồng thời ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, G7 cũng cam kết chi hàng trăm tỷ USD cho dự án “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) để đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, nhằm xây dựng quan hệ đối tác tiêu chuẩn cao, minh bạch.

Nhìn từ bất cứ góc độ nào, những tuyên bố này cũng rực lên màu hồng. Chúng hứa hẹn một cách rõ ràng rằng G7 - cũng có nghĩa là những lá cờ đầu của phương Tây - sẽ hành xử có trách nhiệm vượt bậc so với hiện tại, nhằm giải quyết những vấn đề chung lớn nhất đang đe dọa loài người, từ bệnh dịch, thiên tai đến những hố ngăn cách giàu nghèo.

Và không thể phủ nhận, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự - như cách đưa nước Mỹ trở lại với vai trò chính trong những vận động của dòng chảy sự kiện quốc tế, điều mà ông tuyên bố sẽ thực hiện nhằm đảo ngược chiến lược đối ngoại của người tiền nhiệm Donald Trump - đã thực sự mang tới cho Hội nghị thượng đỉnh G7 luồng sinh khí mới.

2 năm qua, diễn đàn này không thể tổ chức các cuộc thảo luận trực tiếp, vì các hệ lụy của dịch COVID-19. Song, từ trước đó, sự cứng rắn và chủ nghĩa biệt lập mà ông chủ cũ của Nhà Trắng theo đuổi cũng đã làm rạn nứt các mối quan hệ đồng minh truyền thống và làm đóng băng những kế hoạch lớn, thông qua cách ứng xử “bất hợp tác” cũng như sẵn sàng gây sức ép với tất cả (bạn lẫn thù) của mình.

Sự trở lại của nước Mỹ tạo nên động lực mới cho G7.

Nhưng, hiện tại, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có thể khẳng định, với một sự nhẹ nhõm khó che lấp: “Không phải thế giới sẽ không gặp bất kỳ vấn đề gì nữa, khi ngài Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Có điều, chúng tôi có thể hợp tác tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề đó với một động lực mới. Tôi nghĩ, thật tốt khi chúng tôi đã đoàn kết hơn tại hội nghị G7 lần này”. Và, trong thông cáo chung bế mạc, các nhà lãnh đạo hoan nghênh nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden vì đã giúp G7 gắn kết trở lại sau “kỷ nguyên có quá nhiều bất đồng”.

Ở một diễn biến khác, trước đó một ngày, Nhà Trắng thông báo trong cuộc gặp trực tiếp chính thức đầu tiên kéo dài hơn 1 giờ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận một loạt vấn đề, từ nỗ lực an ninh y tế toàn cầu nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19 trên thế giới, tới sự bất bình đẳng bắt nguồn từ toàn cầu hóa, thuế suất toàn cầu và liên minh xuyên Đại Tây Dương. 60 phút “đồng tâm nhất trí” đó giữa hai cường quốc phương Tây - hai người bạn cũ nhưng đã trở nên “bằng mặt không bằng lòng” (bởi những đòi hỏi đóng góp được đề cập một cách thẳng thắn đến thô bạo của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump), suốt những năm qua, đã là điều không thể hiện hữu.

Và dĩ nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: “Chúng ta phải đối phó với đại dịch COVID-19. Chúng ta phải đối mặt với rất nhiều thách thức, rất nhiều cuộc khủng hoảng, cả tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Đối với tất cả những vấn đề này, điều chúng ta cần là sự hợp tác. Tôi nghĩ thật tuyệt khi có một Tổng thống Mỹ là một phần của câu lạc bộ và rất sẵn lòng hợp tác”.

Với Tổng thống Nga Vladimir Putin, quan hệ Nga - Mỹ đã “tụt xuống mức thấp nhất”.

Những nỗi bất an

Song, tất cả những điều đó cũng mới chỉ là một nửa câu chuyện diễn ra tại Cornwall. Nửa còn lại hoàn toàn không mang đến nhiều hy vọng về bình yên và ổn định đến như vậy. Khác với tâm trạng hồ hởi đang dấy lên tại những quốc gia phương Tây, phần còn lại của thế giới có đầy đủ lý do để cảm nhận rõ những ý niệm về cạnh tranh và chia rẽ.

Một cách ngắn gọn, một trong những chất xúc tác quan trọng nhất nhằm xây dựng, thiết lập, củng cố và phát triển sự gắn kết hay tính đồng thuận, ngoài lợi ích chung cũng như riêng, còn là nhận diện những mối nguy hiểm đe dọa đến các lợi ích đó. Trong trường hợp cụ thể này, có thể nói, để tái tập hợp và để siết chặt lại các mối dây liên hệ, G7 cần có những địch thủ ngoại khối và đã điểm mặt chỉ tên những địch thủ đó.

Không có gì khó đoán, trong tuyên bố chung bế mạc hội nghị G7 (cũng như trong cả chương trình nghị sự trước đó), những trung tâm quyền lực quốc tế như Nga hay Trung Quốc được nhắc đến.

Với nước Nga, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh mong muốn xây dựng một mối quan hệ “ổn định và dễ đoán” hơn với Nga, triển khai hợp tác trong các lĩnh vực có cùng quan tâm. G7 hối thúc Nga khẩn trương điều tra, giải thích về việc sử dụng vũ khí hóa học trên lãnh thổ, ngừng mọi hành động gây tổn hại tới một số cơ quan truyền thông và tổ chức “xã hội dân sự” độc lập. Đồng thời, tuyên bố chung kêu gọi Nga xác minh, ngăn chặn, xử lý các cá nhân hoặc tổ chức trên lãnh thổ Nga thực hiện các cuộc tấn công mạng, hay lợi dụng tiền ảo để thực hiện hành vi tống tiền. Không chỉ vậy, tuyên bố chung còn kêu gọi Nga “ngừng các hành vi phá hoại, gây bất ổn”, bao gồm can thiệp vào tiến trình dân chủ của các quốc gia khác, tuân thủ các điều khoản và cam kết về đảm bảo quyền con người.

Mối bang giao Mỹ - Pháp đã nồng ấm trở lại.

Với Trung Quốc, tuyên bố chung khẳng định G7 sẽ duy trì hợp tác với Trung Quốc nhằm đối phó với các thách thức chung toàn cầu, như biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và các thảo luận liên quan. Mặt khác, G7 sẽ tiếp tục thúc đẩy các giá trị, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng quyền tự do cơ bản và các quyền con người, đặc biệt tại khu vực Tân Cương và Hong Kong (Trung Quốc) - những vấn đề nhạy cảm mà đương nhiên Bắc Kinh coi là “chuyện nội bộ”. Hơn thế, tuyên bố chung của thượng đỉnh G7 còn kêu gọi thực hiện một cuộc điều tra mới kịp thời, minh bạch do các chuyên gia khoa học của WHO tiến hành về nguồn gốc đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc, theo báo cáo trước đó. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G7 cũng cam kết sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp, có cách tiếp cận phù hợp nhằm loại bỏ những chính sách, hành vi phi thị trường, gây tổn hại tới hoạt động tự do và công bằng của nền kinh tế thế giới.

Không có gì đáng ngạc nhiên, khi Trung Quốc phản ứng khá gay gắt, sau những gì mà họ cho là “các cáo buộc dối trá và vô căn cứ” đó. Cũng không có gì bất ngờ, khi ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ (sẽ diễn ra ngày 16-6), Tổng thống Nga Vladimir Putin hé lộ rằng Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đang thực hiện một cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp với quy mô lớn. Điều này, thực tế, là để đáp lại một cuộc tập trận với quy mô tương tự từ khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chưa bàn đến đúng sai trong tuyên bố chung của G7 thì cách mà những lời chỉ trích được đưa ra cũng đã mang đầy màu sắc thù địch. Cùng lúc đó, sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nói thẳng: “Chúng tôi sẽ không bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và Trung Quốc không phải là đối thủ, cũng không phải là kẻ thù của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cần cùng nhau giải quyết, với tư cách là liên minh, trước những thách thức mà sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra đối với an ninh của chúng tôi”. Còn mối quan hệ NATO - Nga (hay nói đúng hơn là Nga - phương Tây) thì từ lâu đã “ở mức rất thấp” rồi, theo đánh giá của tất cả các bên.

Vậy thì, với những gì đang được bài binh bố trận, với những “chiến tuyến” đang được tái định hình, 1 tỷ liều vaccine COVID-19 (mà thực ra theo WHO thì phải cần tới 11 tỷ liều, để cung cấp đủ cho 70% dân số thế giới) cũng như những kế hoạch chống biến đổi khí hậu vừa được công bố liệu có đủ để thế giới bớt chia rẽ hơn?

Mây Linh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/dieu-gi-cho-ky-nguyen-moi-645971/