Điều gì ẩn giấu phía sau tập tục kiêng kị khi nhà có người mang thai và trẻ sơ sinh

Dù xa xưa hay trong xã hội hiện đại, một sinh linh hình thành đều là điều vô cùng trọng đại trong gia đình. Ai cũng đều mong muốn trong thời kỳ người mẹ mang thai đứa trẻ được phát triển bình thường, sau khi ra đời thì khỏe mạnh, thông minh, nhanh nhẹn… Do đó, một trong những điều kiêng kỵ của tiền nhân là tuyệt đối không sửa chữa, động thổ, xê dịch đồ đạc trong nhà vào thời điểm này.

Thần thai bảo vệ thai nhi

Cổ nhân cho rằng, trong thời kỳ người mẹ mang thai sẽ có thần thai nhập vào hồn phách của thai nhi. Tác dụng của thần thai là bảo vệ cho thai nhi được phát triển một cách bình thường và bình an trong bụng người phụ nữ. Thần thai không những chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 9 tháng người mẹ mang thai mà 4 tháng sau khi đứa trẻ sinh ra đời thần thai vẫn tiếp tục tồn tại.

Hình minh họa.

Hình minh họa.

Vì vậy, thời điểm này vẫn cần phải tuân thủ kiêng kỵ như lúc mang thai, nếu không sẽ rất dễ gây tổn hại thần thai làm ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của trẻ. Thông thường, trong nhà có người mang thai, người ta luôn cố giữ mọi thứ đều nhẹ nhàng, tránh ầm ĩ, tránh động thổ công trình quanh nhà, sửa chữa, đóng đinh khoan tường, xê dịch đồ đạc…

Nếu bất đắc dĩ cần có sự thay đổi thì phải xem lịch để biết vị trí thần thai tới hướng nào để tránh đi. Vậy thần thai là gì? Tiền nhân cho rằng đó là vị thần bảo vệ nguyên thần của thai nhi. Nhưng thực chất thần thai chính là thần thức của đứa trẻ, nói một cách dễ hiểu đó là linh hồn của thai nhi.

Người xưa cho rằng, bản chất con người muốn tồn tại được là nhờ hai hệ thống tạo thành, đó là cơ thể và linh hồn. Và linh hồn được coi là thứ vĩnh viễn không bao giờ chết. Khi linh hồn chưa tu tập được thành Phật thì vẫn luân hồi trong lục đạo là các cõi trời, cõi thần, cõi người, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục.

Và cơ thể là thứ quý giá nhất thì thực chất chỉ là nơi ký gửi, trú ngụ tạm thời của thần thức hay linh hồn mà thôi. Do đó, cơ thể chỉ là căn nhà tạm của linh hồn, khi căn nhà này xuống cấp, lão hóa, già đi hoặc bị hủy hoại thì thần thức, linh hồn sẽ tùy vào nghiệp lực do “thân, khẩu, ý” trước đó tạo ra để được chuyển tới một trong lục đạo tương ứng, chờ tái sinh, đầu thai vào một trong 6 cõi với cuộc đời hoàn toàn mới. Linh hồn của mỗi con người cứ liên tục chuyển thế vào một trong 6 cõi ấy một cách không ngừng, mỗi lần như vậy gọi là một kiếp.

Vì vậy, có thể nói kiếp này mỗi người đều vô cùng có phúc thì mới được luân hồi tới nhân gian, trở lại làm người. Còn bản chất của luân hồi là sự đòi nợ và trả nợ, do mỗi người vìsự vô tình hoặc tham, sân, si từ vô lượng kiếp trước khiến thân khẩu ý tạo thành ác nghiệp, mắc nợ vô số oan gia trái chủ, hoặc cảm hóa được vô số oan gia trái chủ.

Ví dụ, nếu một người trong kiếp nào đó có may mắn gặp được Phật Pháp thì sẽ có trí tuệ và lòng từ bi, tích được nhiều công đức, tạo nên nhiều thiện duyên. Điều này sẽ cảm hóa được rất nhiều hộ pháp quỷ thần. Và những oan gia trái chủ, hộ pháp quỷ thần này luôn đợi trong lục đạo để chờ đợi để trả nợ, đòi nợ. Mỗi người cũng luân hồi trong đó để đòi nợ và trả nợ, rồi tạo thành những nghiệp mới và lại mắc nợ, cứ như vậy không ngừng.

Vì vậy mới nói bản chất của luân hồi là sự đòi nợ và trả nợ. Vậy linh hồn đầu thai như thế nào? Cổ nhân cho rằng, khi nam nữ quan hệ với nhau thì những oan gia trái chủ và hộ pháp quỷ thần ở cõi ngạ quỷ, địa ngục…sẽ cảm nhận đồng thời biết được cha mẹ tương lai của mình nhờ “ngũ nhãn lục thông”, từ đó sẽ tới bên cạnh để tham gia cuộc cạnh tranh đầu thai.

Lúc này, sẽ có một đến hai người có duyên nhất sẽ vào được tử cung người phụ nữ. Linh hồn may mắn thành công này sẽ giống như hạt bụi lơ lửng trong không trung được tinh khí của cha và huyết khí của mẹ hút vào, trở thành một phần trong bào thai.

Ngay lúc này thì bào thai đã bắt đầu có linh hồn, vì vậy cổ nhân mới nói phá bỏ thai là tội nghiệp lớn ngang với giết người. Cùng với sự phát triển không ngừng của bào thai, thần thức hay linh hồn cũng không ngừng phát triển và có được nơi cư trú mới ở cõi nhân gian.

Thần thai tổn thương dễ gây sảy thai?

Lý giải về hiện tượng sảy thai, cổ nhân cho rằng, do thần thức hay linh hồn trong bào thai lúc này không còn giống như lúc ở các cõi khác, không bị hạn chế bởi không gian và thời gian mà nó đang ở vào giai đoạn quá độ, chuyển từ hình thức này sang hình thức khác nên năng lượng vô cùng yếu ớt, rất dễ bị tổn thương gây ra bệnh tật hoặc tàn tật cho thai nhi nếu không kiêng kỵ. Nghiêm trọng thậm chí có thể khiến thần thức thoát ly khỏi thai nhi quay về lục đạo, là nguyên nhân gây ra các vấn đề thai chết lưu hoặc sinh non hoặc khó sinh…

Thần thức trong quá trình phát triển trong thân thể thai nhi cũng cần có không khí và ánh nắng mặt trời giống như con người cần thức ăn vậy. Ngoài việc thu nạp năng lượng cơ bản từ người mẹ thì đây là hai nguồn năng lượng ngoài tự nhiên mà thần thức cần phải thu nạp để trưởng thành.

Giống như cơ chế trong cơ thể người, thời điểm giờ tý, từ 11h đêm hôm trước đến 1h sáng hôm sau là lúc các huyệt vị ở đản kinh mở ra để thu nạp năng lượng bên ngoài để điều chỉnh gan mật. Ở cơ thể thai nhi, vào mỗi tháng, mỗi ngày, mỗi giờ đều có sự trao đổi năng lượng với vũ trụ. Khi kinh huyệt trong thân thể thai nhi mở ra, thần thức sẽ giống như một đứa trẻ ra ngoài để chơi đùa nạp năng lượng.

Nhưng do lúc này năng lượng bản thân rất yếu nên chỉ có thể hoạt động gần khí trường người mẹ, thông thường là từ 3-10m.Vì vậy, thần thai thường ở trong nhà hoặc bên ngoài bức tường nhà, khoảng cách gần. Trong quá trình linh hồn ra ngoài, để có được năng lượng mà cơ thể người mẹ không có, nó sẽ chủ động tới vị trí, phương hướng có nguồn năng lượng cần thiết lớn nhất để hấp thu.

Ví dụ, có ngày linh hồn tới phòng khách, có ngày phải tới bếp, hoặc một vật thể nào đó phát ra năng lượng như ti vi, đồ gia dụng, cây cối để hấp thu nguồn năng lượng cần thiết, nhưng lúc này ở vị trí này lại có sự xê dịch đồ đạc, đóng đinh khoan tường,sửa chữa thì thần thức lúc này sẽ bị hoảng sợ chạy lung tung. Nếu thần thức vượt quá phạm vi khí trường của người mẹ thì không thể quay lại cơ thể thai nhi trong tử cung người mẹ.

Và thần thức sẽ trở thành cô hồn dã quỷ, đây cũng là nguyên nhân gây thai chết lưu hoặc sảy thai. Nếu xê dịch đồ đạc đè vào thần thức thì đè vào phần nào cơ thể thai nhi sẽ dễ bị dị tật ở phần đó. Mỗi ngày, mỗi tháng thần thức lại tới một vị trí, một hướng cố định để thu nạp năng lượng vũ trụ, nếu vị trí này bày biện lộn xộn, bẩn thỉu, thần thức phải hấp thu nguồn năng lượng xấu này sẽ khiến cơ thể dễ bị bệnh tật, dị tật.

Vì vậy, phòng của thai phụ cần giữ sạch sẽ gọn gàng, thoáng đãng. Tránh để quá nhiều đồ đạc, nếu có thể để riêng hẳn ra một chỗ khác là tốt nhất. Ngoài ra, nếu vị trí này có các vật sắc nhọn thì cũng dễ khiến thần thức bị tổn thương, sợ hãi. Vì vậy, nhiều người quan niệm để dao ở đầu giường để tránh tà ma là hoàn toàn sai lầm. Có người đôi khi chỉ ngã nhẹ nhưng đã sảy thai, cổ nhân giải thích rằng, nguyên nhân là do khi ngã sẽ khiến thần thai hay linh hồn sợ hãi bỏ chạy.

Trên thực tế, cơ thể thai nhi được cơ thể mẹ bảo vệ rất tốt, nên khi ngã nếu tử cung không bị tổn thương, ối không vỡ thì thai nhi không bị tổn thương mà chỉ khiến thần thức hoảng sợ chạy ra ngoài mà thôi. Khi thần thức chạy ra ngoài, nhưng nếu cự ly vượt quá phạm vi khí trường cơ thể mẹ không thể trở lại được thì lúc này thai nhi không còn linh hồn.

Thai nhi không linh hồn sẽ giống như một vật thừa trong cơ thể người mẹ và bị đào thải ra ngoài nên có tình trạng sảy thai. Cổ nhân cho rằng, trên thực tế, khi thần thức hoảng sợ chạy ra ngoài thì chỉ cần vỗ về một lát thần tháisẽ quay lại và an ổn. Nhưng điều đáng lưu ý là rất nhiều bà mẹ tương lai chẳng may bị ngã lại quá lo lắng sợ hãi, khóc lóc khiến thần thức mất đi cơ hội quay lại cơ thể mẹ…

Phòng tránh thần thai ra ngoài không trở lại

Trước hết, cần phải hiểu thời gian và không gian thần thai ra vào cơ thể mẹ, chỉ cần tại thời điểm và không gian đó không được phát ra tiếng động ầm ĩ hoặc hoạt động xê dịch,sửa chữa…là được. Điều này cổ nhân dựa vào nguyên lý thiên địa nhân hợp nhất, thiên địa được coi là vũ trụ lớn, cơ thể người là một tiểu vũ trụ, là một tế bào của vũ trụ lớn. Đồng thời, tế bào này lại có cùng hơi thở, cùng vận mệnh với vũ trụ lớn, vì vậy nó liên tục có sự trao đổi năng lượng với nhau…

Ví dụ, 12 giờ trong ngày tương ứng với 12 kinh mạch trong cơ thể người. Các huyệt đạo có liên quan đến 12 kinh mạch này giống như cánh cửa ra vào để trao đổi năng lượng với vũ trụ lớn. Còn 12 kinh mạch chính là đường ống lưu thông năng lượng được huyệt đạo hấp thu vào trong cơ thể.

Thai nhi trong cơ thể mẹ là một bộ phận trong tiểu vũ trụ, gắn liền với cơ thể mẹ nên nó cũng có sự trao đổi năng lượng với vũ trụ lớn. Còn thần thai vốn là linh thể nên nó vừa có thể ra ngoài cơ thể mẹ bằng con đường chuyên dụng, tới vị trí có nguồn năng lượng cần thiết để hấp thu bổ sung, lại vừa có thể thông qua con đường cơ thể mẹ khi trao đổi năng lượng để ra ngoài.

Thông thường cần phải biết thời gian và không gian tức vị trí thần thai ra ngoài trao đổi năng lượng với thế giới để kiêng kỵ. Cổ nhân cho rằng, mặt trăng là thiên thể ở gần trái đất nhất nên sự vận động của nó có ảnh hưởng rất lớn tới con người giống như việc thủy triều lên xuống. Mỗi tháng âm lịch là một chu kỳ vận động của mặt trăng quanh trái đất. Và năng lượng của mặt trăng trong chu kỳ đó sẽ cũng ảnh hưởng tới thần thai.

Do mỗi tháng nó vận động tới một vị trí khác nhau nên vị trí của thần thai cũng tương ứng như sau (do phương pháp tính tương đối phức tạp nên chỉ cần ghi nhớ cụ thể các tháng): Theo đó, tháng 1 âm lịch thần thai sẽ ở vị trí trên giường, vì vậy vị trí này luôn phải duy trì sạch sẽ, tránh để chiếu chăn lộn xộn ẩm ướt, không xê dịch sửa chữa, không được để các vật sắc nhọn như dao trên giường.

Tháng 2 âm lịch thần thai ở vị trí cửa sổ, phải giữ thông thoáng, không phơi quần áo, khăn tã, đặc biệt đồ lót, không để đồ bẩn thỉu sắc nhọn tại đây. Tháng 3 thần thai ở ngoài sảnh, đặc biệt vị trí sảnh ngoài cửa phòng thai phụ và sảnh phòng khách. Tháng 4 thần thai ở trong bếp, đồ vật phải thường xuyên lau chùi, sắp xếp gọn gàng, dao để trong hộp. Tháng 5 thần thai ở trên giường.

Tháng 6 thần thai ở phòng để đồ, nhà kho. Tháng 7 ở vị trí cất trữ gạo. Tháng 8 ở vị trí nhà vệ sinh. Tháng 9 thần thai ở cửa phòng. Tháng 10 thần thai ở trên giường. Tháng 11 thần thai ở trong bếp. Tháng 12 thần thai ở trên giường.

Vị trí thần thai tới mỗi ngày

Ngoài chu kỳ của mặt trăng còn có chu kỳ một ngày đêm của trái đất, năng lượng của trái đất sản sinh ra cũng gây ảnh hưởng tới thần thai. Mỗi ngày khác nhau thần thai ở các vị trí như sau: Ngày GiápTý thần thai ở cửa hướng đông nam. Ngày Ất Sửu thần thai ở hướng đông nam nơi để lương thực và nhà vệ sinh. Ngày Bính Dần thần thai ở hướng chính nam ngoài bếp.

Ngày Đinh Mão thần thai ở hướng chính nam cửa, nhà kho. Ngày MâụThìn thần thai ở hướng tây nam của giường. Ngày Kỷ Tỵ thần thai ở hướng chính nam của giường. Ngày Canh Ngọ ở hướng chính nam của nơi để gạo. Ngày Tân Mùi thần thai ở hướng tây nam ngoài cửa. Ngày Nhâm Thân thần thai ở hướng tây nam của kho và bếp lò.

Ngày Quý Dậu thần thai ở hướng tây nam của cửa và giường. Ngày Giáp Tuất thần thai ở hướng tây nam của cửa và nơi trữ gạo. Ngày Ất Hợi thần thai ở hướng tây nam phía ngoài nơi để gạo, giường. Ngày BínhTý ở hướng tây nam của bếp. Ngày Đinh Sửu thần thai ở hướng chính nam của kho, nhà vệ sinh. Ngày mậu dần ở hướng chính tây của giường và lò bếp.

Ngày Kỷ Mão thần thai ở hướng chính tây của cửa lớn. Ngày Canh Thìn thần thai ở hướng chính tây nơi trữ gạo. Ngày Tân Tỵ thần thai ở hướng chính tây của bếp và giường. Ngày Nhâm Ngọ thần thai ở hướng tây bắc của kho để đồ. Ngày Quý Mùi, thần thai ở hướng tây bắc của giường, nhà vệ sinh.

Ngày Giáp Thân thần thai ở hướng tây bắc của cửa, lò bếp. Ngày Ất Dậu thần thai ở hướng tây bắc của cửa và nơi trữ gạo. Ngày Bính Tuất thần thai ở hướng tây bắc của bếp. Ngày Đinh Hợi thần thai ở hướng tây bắc của giường và nhà kho. Ngày Mậu Tý thần thai ở hướng chính bắc của giường. Ngày Kỷ Sửu ở hướng chính bắc của nhà vệ sinh và cửa.

Ngày Canh Dần ở hướng chính bắc của nơi trữ gạo. Ngày Tân Mão ở hướng chính bắc của cửa bếp. Ngày NhâmThìn ở hướng chính bắc của nhà kho. Ngày Quý Tỵ ở cạnh giường. Ngày Giáp Ngọ ở hướng bắc phía trong cửa. Ngày Ất Mùi ở hướng bắc phía trong ơi trữ gạo và nhà vệ sinh. Ngày Bính Thân ở hướng bắc phía trong bếp. Ngày Đinh Dậu ở hướng bắc trong cửa và nhà kho.

Ngày Mậu Tuất ở trên giường. Ngày Kỷ Hợi ở trên giường, cửa phòng. Ngày Canh Tý ở phía nam bên trong nơi trữ gạo. Ngày Tân Sửu ở phía bắc nhà vệ sinh, kho, nơi trữ gạo. Ngày Nhâm Dần ở hướng nam trong phòng kho, bếp. Ngày Giáp Thìn ở hướng đông nam bên trong cửa. Ngày Ất Tỵ ở hướng đông trong nơi để gạo và giường. Ngày Bính Ngọ ở hướng đông bếp.

Ngày Đinh Mùi ở phía đông kho, nhà vệ sinh. Ngày MâụThân ở trong bếp và giường. Ngày Kỷ Sửu ở hướng đông bắc cửa lớn. Ngày Canh Tuất ở đông bắc nơi trữ gạo. Ngày Tân Hợi ở đông bắc giường và bếp. Ngày Nhâm Tý ở đông bắc kho. Ngày Quý Sửu ở đông bắc giường, bếp. Ngày Giáp Dần ở đông bắc cửa, bếp lò. Ngày Ất Mão ở chính đông cửa, nơi trữ gạo. Ngày Bính Thìn ở chính đông bếp. Ngày Đinh Tỵ ở chính đông giường, kho. Ngày Mậu Ngọ ở chính đông giường.

Ngày Kỷ Mùi ở chính đông cửa, nhà vệ sinh. Ngày Canh Thân ở đông nam ơn trữ gạo, bếp lò. Ngày Tân Dậu ở đông nam cửa, bếp. Ngày Nhâm Tuất ở đông nam kho. Ngày Quý Hợi ở đông nam giường ngủ. Tất cả những đồ đạc, phương vị mà thần thai tương ứng vào các ngày tháng ở trên tuyệt đối không được di chuyển, định vị đồ gia dụng hoặc đóng đinh khoan tường, sửa chữa trang trí, bày biện mất vệ sinh, làm ầm ĩ…

Ngoài ra, ở vị trí thần thai tương ứng với ngày tháng, tuyệt đối tránh để các đồ vật hung khí sắc nhọn như dao kéo, kiếm cung… Không được tạo ra tiếng động chói tai ở đây. Về cơ bản, vị trí thần thai tới, các đồ vật đều phải giữ sạch sẽ, yên tĩnh, tránh thần thai hấp thu năng lượng ô nhiễm hoặc bị hoảng sợ kinh động. Việc kiêng kỵ này duy trì nghiêm ngặt tới khi đứa trẻ sinh ra và được 4 tháng tuổi.

Khi có việc ra ngoài thì chọn giờ theo mã tiền khóa, nên dùng giờ đại an, tiểu cát hoặc tốc hỉ. Kỵ dùng giờ không vong, đại kỵ giờ xích khẩu, trăm sự đều bất lợi. Nếu phạm trẻ sẽ khóc ngặt không dứt trên đường, hoặc về nhà lâm bệnh. Trên đây là những kiêng kỵ của cổ nhân khi nhà có người mang thai và trẻ sơ sinh, hi vọng cung cấp cho bạn đọc chút hiểu biết về cách người xưa bảo vệ thai phụ ra sao.

Dự Minh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/dieu-gi-an-giau-phia-sau-tap-tuc-kieng-ki-khi-nha-co-nguoi-mang-thai-va-tre-so-sinh-d100726.html