Điều dưỡng viên - những 'chiến sĩ áo trắng' thầm lặng

Luôn chân luôn tay, tất bật như con thoi, miệt mài từ sáng tới tối chăm sóc người bệnh là hình ảnh quen thuộc của những điều dưỡng viên.

Chăm sóc cho bệnh nhân là niềm vui mỗi ngày của các điều dưỡng

Công việc không có khái niệm thời gian

Nếu đã từng đến bệnh viện và điều trị nội trú, chắc hẳn ai cũng hiểu được công việc của những đôi bàn tay thầm lặng ngày đêm hết mình với người bệnh. Đằng sau những nhọc nhằn đó là niềm hạnh phúc khi giúp người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần, được chứng kiến niềm vui khi gia đình bệnh nhân đoàn tụ, nhìn thấy những nụ cười và những cái nắm tay thân ái, đầy ấm áp…

Bước vào Bệnh viện Đa khoa Phương Đông (số 9 Phố Viên - Cổ Nhuế - Hà Nội), không khó để thấy những bước chân đi lại thoăn thoắt, gương mặt tập trung cao độ, tay thao tác nhanh nhẹn của các điều dưỡng. Không chỉ thực hiện các công việc chuyên môn như truyền dịch, phát thuốc, thay băng… các điều dưỡng còn phải chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người bệnh, giúp họ an tâm chữa trị.

Tranh thủ giờ nghỉ hiếm hoi của Chị Đỗ Thị Minh Hà - Điều dưỡng trưởng Khoa Nội, nhóm phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ngắn với chị. Chị Hà chia sẻ: “Công việc điều dưỡng thường không phân biệt ngày hay đêm. Hầu hết chúng tôi đều ở viện nhiều hơn ở nhà. Nhiều khi trong ca trực đêm, vừa tranh thủ vừa chợp mắt vài phút thì lại có bệnh nhân vào cấp cứu hoặc bệnh nhân hay người nhà cần hỗ trợ. Vì đã quen rồi nên chúng tôi cứ tự động bật dậy và nhanh chóng cuốn theo công việc.”

Chọn nghề là chọn áp lực và hi sinh

Chọn nghề điều dưỡng là chọn con đường đầy gian nan và phải biết chấp nhận hi sinh. Trong cuộc sống mỗi người một bệnh, mỗi người một tính cách nên chăm sóc người bệnh không khác gì “làm dâu trăm họ”, có khi còn vất vả hơn bình thường. Chị Hà cho biết thêm “Làm nghề điều dưỡng nếu yêu nghề thôi thì chưa đủ, phải đặt mình vào vị trí của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thì mới có thể thực sự đồng cảm.” Không chỉ vậy, các điều dưỡng viên luôn phải tập trung để kịp thời ứng phó, xử trí khi người bệnh có dấu hiệu bất thường. Ngoài việc trấn an tinh thần người bệnh, các điều dưỡng đôi khi còn phải chịu đựng những bực bội, cáu gắt vô cớ của nhiều bệnh nhân cùng người nhà.

Công việc của điều dưỡng được ví von như “làm dâu trăm họ”

Hoàn thành tốt công việc chuyên môn, các điều dưỡng viên còn phải làm tròn bổn phận với gia đình. Chị Hà nói vui: “1 năm nhiều khi về quê được đúng 1 lần vào dịp tết, mà về chỉ được 2 ngày rồi lại lên trực. Mà cũng vì giờ giấc đi làm thất thường nên chuyện con cái phải nhờ ông bà chăm chủ yếu. Rất may mắn là công việc được gia đình thông cảm và ủng hộ. ”

Nụ cười của người bệnh là món quà vô giá

Không đếm xuể các công việc của điều dưỡng: từ việc theo dõi diễn biến người bệnh đến vệ sinh răng miệng, thay bỉm, cho ăn, hút đờm… Bao nhiêu vất vả, nhọc nhằn, hi sinh để đổi lấy niềm vui, sức khỏe của người bệnh.

Bệnh nhân muốn tìm hiểu thêm thông tin về bệnh viện liên hệ 1900 1806.

TTUT.ThS.BSCKI Nguyễn Thị Tường Vân - Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Phương Đông cho biết: “Điều dưỡng Hà là người rất gương mẫu, tận tâm với nghề, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc. Ngoài ra, điều dưỡng Hà rất vững về chuyên môn và luôn đặt y đức lên hàng đầu. Trong công tác chăm sóc người bệnh, điều dưỡng Hà luôn cởi mở, ân cần, hòa nhã, tận tình và chu đáo. Chính điều này đã chiếm được cảm tình của bệnh nhân và người thân của họ”.

Nụ cười, sự hài lòng của người bệnh là động lực lớn lao cho các điều dưỡng

Chị Hà chia sẻ thêm: “Dù có vất vả nhọc nhằn, nhưng với tôi duyên phận đã gắn vào nghề rồi, tôi sẽ phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa công việc của mình, vì nhiệm vụ cứu người, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân”.

Không chỉ Bác sĩ Tường Vân, điều dưỡng Hà, mà tất cả những “người lính áo trắng” tại Bệnh viện Phương Đông đều đang nỗ lực từng giây phút để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, xứng đáng với niềm tin yêu của người bệnh.

Bảo Khanh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dieu-duong-vien-nhung-chien-si-ao-trang-tham-lang-d489166.html